Xóm phi công

19/10/2010 10:07 GMT+7

Nhiều người gọi khu dân cư ấy là khu Nước Vàng. Lý do là bởi ngày xưa nước máy ở khu vực này cứ vàng khè như nhiễm lưu huỳnh. Nhưng ít ai hay ở khu vực chớm mưa đã ngập, chớm nắng đã bụi ấy có một xóm toàn những ông suốt ngày bay lượn trên máy bay chiến đấu trị giá hàng chục triệu USD.

Trong những ngày miền Trung ngập lụt này, không ít người lại lên đường làm nhiệm vụ tiếp tế, cứu trợ đồng bào, không kể mưa gió bão bùng.

Về tên hành chính, xóm này được gọi là Khu dân cư số 14, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Tính sơ sơ, xóm có tới trên dưới 20 phi công quân đội, hầu hết mang quân hàm cấp tá.

Trung tá, phi công trực thăng kỳ cựu Tô Văn Đào (đoàn Không quân 916), năm nay đã bước vào tuổi nghỉ hưu, nói: “Ở xóm, đại tá có hai ông, thượng tá tới tám ông. Năm ông mang quân hàm trung tá. Phi công chiến đấu đang cầm lái cũng còn năm người. Ở đây có đủ loại phi công, từ lái trực thăng đến các loại chiến đấu cơ phản lực như MIG- 21, Su- 22, Su- 27, Su- 30...”.

Nguyên khu vực này là đất do Quân chủng Phòng không- Không quân quản lý, cấp cho cán bộ chiến sỹ trong lực lượng. Trải qua mấy chục năm, nơi đây hình thành một xóm toàn các gia đình phi công quân đội.

Chuyện của người phi công kỳ cựu

Ông Đào quê ở Thanh Chương, Nghệ An. Cầm cần lái từ năm 1971, ông tham gia kháng chiến chống Mỹ và sau đó là mặt trận biên giới Tây Nam chống quân diệt chủng Pol Pot năm 1979. “Lúc ấy mình là phi công lái trực thăng MI-6 nặng 26 tấn chuyên vận tải thiết bị quân sự và tải thương”, ông kể.

Vào thời điểm đó, MI-6, do Liên Xô sản xuất, được coi là loại trực thăng lớn nhất nhì thế giới. Điều khiển chiếc máy bay to lớn này là một nhiệm vụ không hề dễ dàng. MI-6 có một hộp số rất lớn, nặng hơn cả các động cơ của nó.

Không chỉ giữ kỷ lục trong một thời gian dài là chiếc máy bay trực thăng lớn nhất thế giới, nó còn là chiếc máy bay nhanh nhất với tốc độ 300 km/giờ. MI-6 có thể mang số hàng hóa lên đến 12 tấn hoặc 65 binh sỹ, chưa kể đội bay 5 người.

Trong chiến dịch phản kích Khmer Đỏ năm 1979 ở biên giới Tây Nam, ông Đào đã có một phen hút chết. Nhiệm vụ lúc ấy của ông là vận tải thương binh. “Hôm đó, máy bay cất cánh từ đất ta, bay về phía cảng Sihanoukville của Campuchia, nơi hải quân ta đang đụng độ ác liệt với quân Pol Pot”, ông nhớ lại.

Tuy nhiên, lần này mới bay vào lãnh thổ Campuchia được hơn 100km thì chiếc MI-6 bị trúng đạn tiểu liên của lính Khmer Đỏ. “Thùng dầu bị bắn trúng, khói bay ra mù mịt. Chiếc máy bay kéo lê một vệt khói đen xì, cứ thế loạng choạng lết về căn cứ tại Tây Ninh. “Tôi bị dính một viên đạn vào bắp chân nhưng vẫn tiếp tục lái được. May mà hôm đó dính đạn tiểu liên AK, nếu trúng 12 ly 7 chắc là rớt rồi”.

Sau này, khi đất nước thanh bình trở lại, ngoài nhiệm vụ tập luyện sẵn sàng chiến đấu, những phi công trực thăng như ông Đào thường xuyên tham gia cứu hộ thiên tai, bão lụt. Nhiệm vụ này cũng không kém phần nguy hiểm, vì họ luôn phải bay trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Đã có người gặp nạn, mãi mãi không trở về.

“Lần ấy một đồng đội được lệnh bay từ căn cứ ở Hà Tây (trước đây) vào miền Trung nhận hàng cứu trợ bão lụt. Thời tiết hôm đó cực kỳ xấu”, ông Đào kể.

Chiếc MI- 8 cất cánh trong lúc gió mưa vần vũ, trời đen kịt. Một lúc sau, trung tâm chỉ huy được phi công thông báo đã lấy đủ độ cao (khoảng 1.500-2.000m), nhưng tầm nhìn bị hạn chế rất lớn do mây mù nhiều. Anh yêu cầu được giảm độ cao xuống còn 70m và được chấp thuận. Tuy nhiên, khi máy bay vừa hạ xuống độ cao ấy thì mấy ngọn núi của vùng Sài Sơn (Thạch Thất- Hà Tây) hiện ra. Phi công vội kéo cần lái nhưng không kịp. Đuôi máy bay đã va vào núi...

Khi đàn ông vắng nhà

Những chuyện như thế, gia đình phi công ở đây đều quen cả rồi. Chúng tôi được quân đội và nhà nước trọng vọng nên rất yên tâm công tác, không nề hà hiểm nguy
Thượng tá Trần Huy Hà
“Chính vì xóm này toàn phi công nên mỗi khi nghe tin có tai nạn máy bay là cả xóm lại xôn xao”, trung tá Hoàng Kim Thanh, nguyên giảng viên Học viện Phòng không- Không quân, một thành viên của xóm Nước Vàng cho hay. “Nói đến phi công quân đội thì dù có đóng trong Nam hay ngoài Bắc đều không xa lạ gì với dân trong xóm, vì họ thường học cùng nhau hay chí ít cũng quen biết qua”.

Lần gần đây, chiếc máy bay vận tải AN- 26 rơi ngày 8-4-2008 trên cánh đồng Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội), 5 sỹ quan hy sinh. Dù chưa rõ là ai nhưng trong xóm từ trẻ con lẫn người lớn đều xôn xao. Và tin xấu báo về: Người hàng xóm của họ, thiếu tá Phạm Viết Đoàn, sinh năm 1963, quê Nam Định, là một trong 5 sỹ quan ấy. Cả xóm lặng đi. Anh Đoàn hy sinh để lại vợ và một con trai lúc ấy mới học lớp 4.

“Nhưng dù thế thì ngày mai có nhiệm vụ, các anh ấy lại bay như không có gì xảy ra”, chị Thu, vợ thượng tá phi công Lê Đức Minh nói. Chị Thu là một trong ba cô gái Yên Bái, cùng kết hôn với ba chàng trai người miền Trung vừa từ Liên Xô trở về, được phân công làm nhiệm vụ tại sân bay Yên Bái. Hai chị kia giờ đã là góa phụ.

“Nói vậy thôi, chứ các cô ấy cứng rắn lắm. Nhiều lần chị em tâm sự, cô Thu nói chuyện hiểm nguy các ông ấy quen rồi, giờ tâm lý ấy lây qua cả vợ con. Mà vợ con có bình thường thì đàn ông họ mới yên tâm công tác chứ”, trung tá Kim Thanh kể.


Phi công Trần Huy Hà và “sân bay” (vợ) của anh

Cái mà các bà vợ phi công ở đây đều quen là việc ông xã hay phải thường xuyên trực chiến. Gia đình thượng tá Trần Huy Hà, Chủ nhiệm bay Sư đoàn 371 không còn lạ lẫm với chuyện anh vắng nhà 24-25 ngày/tháng.

Đóng quân ở ngoại thành Hà Nội, anh Hà chỉ tranh thủ về được với vợ con vào những ngày cuối tuần. Đó là lúc ông phi công MIG- 21 tranh thủ làm những việc của một ông chồng thực thụ: xem lại hệ thống điện, trát sửa bức tường phía sau nhà...

Nhưng anh Hà như vậy vẫn còn may hơn một số ông chồng trong xóm. Có ông đóng quân mãi tận Thanh Hóa. “Đợt lụt lịch sử của Hà Nội năm 2008, khu vực này lại là vùng trũng của quận Hoàng Mai nên ngập rất nặng, có nhà ngập đến gần gác 2”, anh Hà nhớ lại.

Các khu khác ngập hai, ba ngày, riêng khu này kéo dài cả tuần lễ. Nhiều anh trực chiến mà lòng ngay ngáy nghĩ về vợ con ở nhà. Đến ngày thứ sáu, ông phi công đóng ở Thanh Hóa phải cấp tốc bám xe khách, mang cả gạo nước về nhà “tiếp tế” cho vợ con.


Khu nhà của 16 gia đình phi công trước nguy cơ bị nước xói vào móng

Nhưng dù oai hùng trên trời xanh, dù cầm lái những chiếc Su- 27, Su- 30 hiện đại, trị giá trên dưới 40 triệu USD/chiếc, có vẻ những phi công của xóm Nước Vàng đang tỏ ra “bất lực” trước một chuyện nhỏ nơi “hậu phương”: đoạn mương, thoát nước cho khoảng 10.000 dân trong khu vực, đằng sau nhà họ, bị thu hồi phục vụ một dự án.

Điều quan trọng là đoạn mương nằm trong diện tích bán đấu giá cho một ngân hàng và khi thực hiện dự án, người ta sẽ xây tường bao sát vào nhà họ. 16 căn nhà của các gia đình phi công đứng trước nguy cơ bị nước xói vào móng do không còn phần đất làm chân đế. Họ đã tranh thủ những ngày nghỉ hiếm hoi đi hỏi phường, hỏi quận mấy tháng nay nhưng không có ai đưa ra câu trả lời thỏa đáng.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.