Đêm 18 và sáng 19.10, nhiều thân nhân của các nạn nhân trên chuyến xe định mệnh này đã vào đến Nghi Xuân, Hà Tĩnh để chờ nhận người thân bị nạn. Nhìn những ánh mắt thất thần của các thân nhân, không một ai có thể cầm nổi nước mắt. Suốt đêm 18.10 và cả ngày 19.10, tất cả mọi người đều đổ ra hiện trường theo dõi tình hình tìm kiếm trong tâm trạng hết sức lo lắng, bất an...
Nỗi đau không thể bù đắp
Ông Phạm Tiến, quê ở Trực Ninh, Nam Định (bố của nạn nhân Phạm Văn Tưởng) đau buồn kể: “Hai vợ chồng Tưởng có hai đứa con. Đứa lớn 5 tuổi gửi ngoài quê cho ông bà nuôi suốt 4 năm nay. Đứa nhỏ mới 8 tháng tuổi. Hai vợ chồng từ quê vào Đắk Nông làm ăn khoảng 8 năm nay. Phải 4 năm nay nó mới về quê thăm bố mẹ và con trai, ai ngờ lại chết thảm thế này. Đau đớn quá”... Hiện chị Sen, vợ anh Tưởng, cùng đứa con 8 tháng tuổi đang trên đường từ Đắk Nông ra chờ tìm xác chồng, cha. Gia đình bên nội và bên ngoại đã đi đến thống nhất sẽ bán nhà cửa, ruộng vườn của vợ chồng Tưởng trong Đắk Nông để đưa người vợ góa cùng hai đứa con côi về quê, đùm bọc cưu mang…
Các lực lượng tiếp tục tăng cường các phương tiện đến hiện trường tích cực tìm kiếm thi thể các nạn nhân - Ảnh: Ngọc Minh |
Bà Trần Thị Mừng (người bị ngất lịm, tưởng đã chết, nhưng may mắn được các bác sĩ cứu sống tại bệnh viện) thều thào: “Tôi và con trai là Phạm Văn Tuyên ngồi ở đầu xe. Khi xảy ra tai nạn, tôi chui ra được, còn Tuyên thì hô hoán cố cứu giúp những phụ nữ và trẻ em ra ngoài. Khi chiếc xe sắp chìm, tôi gào lên giục nó cởi áo nhảy ra, nhưng không kịp. Tôi bấu vào thành xe cố lôi tay nó ra, nhưng đuối quá, tôi đành phải buông con ra và bị lũ cuốn đi. Nếu không có cháu Trung bơi thuyền ra cứu thì chắc là tôi cũng đi theo thằng Tuyên rồi…”.
Còn những người thân của hai nạn nhân là chị em ruột Đỗ Thị Lan (15 tuổi) và Đỗ Thị Phương (17 tuổi) thì cho biết: “Hai chị em Lan, Phương bỏ học vào làm công nhân ở Bình Phước, do lương thấp, công ty lại bị phá sản nên 2 chị em đã phải lên Đắk Lắk hái cà phê thuê. Lần này hai đứa về quê để dự đám cưới chị thì bị nạn. Nhận được hung tin, bố mẹ cháu quỵ hẳn, nên anh em, chú bác phải từ Tĩnh Gia, Thanh Hóa vào thay để nhận xác các cháu…”.
Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng họ đều có một nỗi đau chung khi những người thân đang vùi mình trong lũ.
Sẽ phải tìm kiếm nhiều ngày
Chiều 19.10, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Nguyễn Nhật đã có buổi gặp gỡ và thông báo tình hình tìm kiếm của các cơ quan chức năng cho thân nhân những gia đình bị nạn. Theo ông Nhật: “Bắt đầu từ 8 giờ sáng ngày 18.10, tỉnh Hà Tĩnh cùng với lực lượng của QK4 (tổng cộng khoảng 500 người cùng với các phương tiện được huy động tối đa) đã nỗ lực tìm kiếm thi thể các nạn nhân trong một phạm vi khoảng trên 4 km, từ cuối nguồn sông La xuống phía hạ lưu cầu Bến Thủy trên sông Lam. Bộ Quốc phòng và Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia cũng cử lực lượng và các phương tiện hiện đại vào hỗ trợ tìm kiếm. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cũng nhờ đến sự giúp đỡ của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng ở Hà Nội và Thầy Liên ở TP.HCM dùng khả năng của mình để xác định vị trí thi thể các nạn nhân, nhưng hiện vẫn chưa tìm thấy”.
Ông Nguyễn Nhật cũng cho biết: “Mặc dù Hà Tĩnh đang gồng mình chống chọi với cơn lũ lịch sử nhưng các lực lượng của tỉnh Hà Tĩnh và bộ đội QK4 sẽ cố hết sức tìm kiếm thi thể các nạn nhân bằng thấy mới thôi. Cuộc tìm kiếm có thể sẽ phải kéo dài trong những ngày sắp tới”.
Có thể nói phải “cầu viện” các nhà ngoại cảm trợ giúp là một việc làm chưa từng có tiền lệ trong công tác tìm kiếm cứu nạn ở VN… Điều đó cho thấy việc tìm kiếm các nạn nhân trong vụ tai nạn tang thương này là vô cùng khó khăn, gian khổ và chưa có nhiều hy vọng. Hai dòng sông La và sông Lam vẫn cuồn cuộn chảy về phía biển trước nỗi đau đến tột cùng của phận người trong lũ... Đêm 19.10 và có thể là nhiều ngày nữa, cuộc tìm kiếm vẫn tiếp tục.
Ngọc Minh
Bình luận (0)