Bệnh viện bây giờ không chỉ có bông băng, kim tiêm, những gương mặt buồn rầu, đau đớn mà còn có phấn, có bảng, có cô, có trò, có những niềm vui... Đó là lớp học tình thương của Bệnh viện Nhi Đồng 2, đơn vị điển hình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của ngành y tế TPHCM.
Vì bệnh nhi nghèo
Tôi đến lớp đúng vào giờ học toán, “cô giáo” Nguyễn Thị Rành, chuyên viên trị liệu ngôn ngữ cho bệnh nhi, đang dạy toán. Cô ra đề: “Có 1.648 gói bánh được chia thành 4 thùng. Hỏi mỗi thùng có bao nhiêu gói bánh?”. Cô vừa dứt lời, 3 cánh tay giơ lên... Thấy khách, các em đứng lên, khoanh tay lễ phép chào.
Tôi gặp em Nguyễn Hoàng Bi, cậu học trò nhỏ vừa lên bảng giải bài toán. Bi tíu tít: “Con ở đây được 3 năm rồi. Ngày trước, con học đến lớp 4, nếu không bị bệnh, giờ này con đã học lớp 7”. Em cười, đôi mắt lấp lánh trên gương mặt sạm đen và nước da tái nhợt vì chạy thận lâu năm.
Quê Bi ở Hòn Đất - Kiên Giang, ba bỏ hai mẹ con em từ lâu. Hằng ngày, mẹ Bi phải chằm lá lấy tiền nuôi con. Chín tuổi, Bi mắc bệnh suy thận mãn, hai mẹ con lên bệnh viện điều trị.
Tiền bạc cạn kiệt nhưng bệnh em vẫn chưa khỏi. Khi tôi hỏi: “Hằng ngày hai mẹ con ăn uống ra sao?”, Bi cười tươi: “Nhiều người rất thương con nên cho đồ ăn. Bữa nào không có ai cho thì con xin cơm ở bệnh viện. Các cô chú bảo phải ráng ăn nhiều để hết bệnh, về nhà đi học”.
Cô Rành cho biết: “Hôm nay, lớp học vắng vì nhiều em phải đi cấp cứu. Dạy cho các em cũng rất khó khăn, vì bệnh tật hành hạ nên có em học trước đã quên sau nhưng cũng có nhiều em rất ham học và học rất giỏi”.
Quên bệnh tật
Bác Hồ đã dạy đội ngũ thầy thuốc chúng tôi “Lương y như từ mẫu”. Chỉ có người mẹ mới thức đêm chăm sóc khi con ốm đau; chỉ có người mẹ mới chăm sóc con mà không cần đền đáp. Với ý nghĩa đó, chúng tôi không chỉ chữa bệnh mà còn chữa trị những vết thương tâm hồn, mang lại niềm vui, vun đắp niềm tin cho các em. TS Hà Mạnh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 |
Trên tường lớp học có dán nhiều tranh, có hoa, bướm, con đường đến trường, nhân vật các em yêu thích... Đặc biệt, hình ảnh xuất hiện nhiều nhất là ngôi nhà, hàng cây, bầu trời xanh và những cánh chim tung bay.
Thấy tôi chăm chú nhìn một bức tranh vẽ rất sống động, cậu bé đứng gần, mặt buồn hiu: “Tranh của con đó, con nhớ nhà lắm”. Đó là Phan Quốc Cảnh, quê ở Châu Thành - Long An, điều trị ở bệnh viện hơn 4 năm.
Nhiều bệnh nhi có cha mẹ chăm chút nhưng Cảnh thì phải một mình. Cha mất hơn 5 năm, một mình mẹ Cảnh nuôi hai anh em. Mấy năm trước, mẹ còn ở cùng để chăm sóc em nhưng mới đây, mẹ bị thoái hóa cột sống, không thể đi lại được. Cảnh học khá và vẽ cũng rất đẹp. Khi tôi hỏi ước mơ của em, mắt Cảnh sáng lên: “Em muốn trở thành kiến trúc sư, vẽ nhiều mẫu nhà đẹp và có tiền chữa bệnh cho mẹ”.
Nói về các em, chị Phan Thị Đào, Tổ trưởng Tổ Vật lý trị liệu, người đề xuất ý tưởng tổ chức lớp học, kể: “Nhìn các em bệnh nặng đến điều trị vài tuần, một tháng rồi về, việc học bị gián đoạn, tôi nghĩ nên đem sổ báo bài của các em đến rồi dạy tiếp để các em bắt kịp bạn bè. Nhưng rồi, có em phải ở bệnh viện nhiều năm, việc học đứt đoạn nên chúng tôi bàn nhau và quyết định mở lớp”.
Chỉ có một lớp nhưng cô giáo Rành dạy đủ trình độ từ lớp 1 đến lớp 4 cho hơn 20 bệnh nhi. Hằng tuần, các học trò nhỏ này đều làm kiểm tra và hằng năm đều có thi học kỳ như những lớp khác. Việc học không chỉ giúp các em củng cố kiến thức, hòa nhập cuộc sống sau khi hết bệnh mà còn giúp các em quên đi bệnh tật với niềm vui được học tập.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)