Năm 2010 là năm mà các nhân vật nam được chọn làm nhân vật trung tâm trên các sân khấu kịch nói và cải lương. Hầu hết các vai diễn đều có số phận, tạo được dấu ấn và đặc biệt là sự xuất hiện của các diễn viên trẻ.
Nam kịch nói đa dạng tính cách
NSƯT Thành Lộc (sân khấu kịch IDECAF) vẫn được xem là nam diễn viên kịch nói đầy biến hóa, thể hiện đa dạng vai diễn. Sự sáng tạo vượt bậc của anh trong các vai diễn mang lại sắc thái mới cho các vở kịch mà nhân vật của anh đứng vai trò trung tâm.
Vai nam diễn viên Hàn Quốc trong vở Họng súng vô hình; bà tiên Lút Mi La trong vở Chú bé khoai lang tây và ba bà tiên; công tử điếc trong vở Võ công tiểu quái; ông Bụt trong vở Con Tám, con Cấm; Xintaro trong vở Một cuộc đời bị đánh cắp... là những vai diễn tạo thêm dấu ấn thiện nghệ cho một Thành Lộc giàu tài năng biến hóa từ tính cách trẻ con đến những thân phận hẩm hiu, bi kịch.
Khán giả thích nhất là những giọt nước mắt của Xintaro trong vở Một cuộc đời bị đánh cắp, một nhân vật yêu và hết lòng với tình yêu nhưng rất tự trọng khi chọn lựa giữa sự giàu sang và lòng chung thủy.
Diễn viên Trí Quang nổi lên trong năm với bốn vai diễn: Đại phú (Mua bảo hiểm tình – sân khấu Hoàng Thái Thanh), bác sĩ Kobashi (Mùa đông cuối cùng), Tư Nhớ (Nửa đời ngơ ngác) và Chu Bình (Lôi Vũ).
So với năm trước, đài từ và nội lực diễn xuất của Trí Quang tiến bộ hơn, biết điều chỉnh tâm lý nhân vật theo cảm xúc của mình khiến vai kịch đi vào lòng người, nhất là sự biến đổi sắc diện tâm lý qua số phận khắc nghiệt của vai Chu Bình trong tác phẩm Lôi Vũ của Tào Ngu.
NSƯT Thành Hội vẫn là điểm tựa bền bỉ cho những diễn viên trẻ, trong vai trò nhân vật phụ nhưng vai kịch của anh năm nay, dù xuất hiện ít, đã là dấu son đẹp qua các vở trên sân khấu Hoàng Thái Thanh: ông Hải (Ngôi nhà thiếu đàn bà), Chủ Ninh (Người điên trong ngôi nhà cổ), viện trưởng Yutazo (Mùa đông cuối cùng), Trần Thiên Thạch (Trần gian phải có tình yêu), Huy Hoàng (Mua bảo hiểm tình).
Nghệ sĩ Hữu Châu vốn mạnh về các vai lão nhưng năm qua anh bứt phá khỏi sở trường của mình để đi vào nhiều tính cách mới lạ: Vatina (Chú bé khoai lang tây và ba bà tiên), cha Tám (Con Tám, con Cấm), công tử Bột (Võ công tiểu quái), cậu Xaysukê (Một cuộc đời bị đánh cắp), sĩ quan Pháp (Vùng đất cấm)...
Nghệ sĩ Thanh Hoàng (Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM) có một vai diễn tạo được cảm tình với người xem khi nhân vật của anh làm chủ không gian và là tác nhân gây nên những xung đột kịch bất ngờ trong vở Cõi tình (vai người chồng) trong bảng dựng mới của đạo diễn Công Ninh.
Diễn viên Xuân Trang của Kịch Phú Nhuận nổi lên với các vai diễn có bề dày tâm lý và sự chuyển đổi tính cách đa dạng. Anh diễn tinh tế, mang lại cảm xúc cho người xem qua các vai: Tình (Oan gia), ông chủ (Giếng lạ).
Diễn viên Tấn Hoàng của Kịch Sài Gòn có hai vai khiến khán giả nhớ bởi tính cách lí lắc, tinh nghịch nhưng sâu sắc, giàu nghị lực, như: ông Hùng (Hồn ma báo oán), Long (Quỷ). Trong vở Người điên trong ngôi nhà cổ và Người trong cõi nhớ, diễn viên Thiện Hùng đã có hai vai có dấu ấn.
Anh có nhiều cố gắng để mang lại cho nhân vật bước đột phá mới ở cách diễn nội tâm, biết phán đoán cảm xúc người xem để giữ được tiết tấu cho vai kịch. Đó là vai luật sư Tùng (Người điên trong ngôi nhà cổ) và Hải Triều (Người trong cõi nhớ). Diễn viên Khương Ngọc của Nhà hát Thế giới trẻ có bốn vai mới khá sâu sắc: Tân (Điện thoại nửa đêm), giám đốc (Trai yêu), Tuấn (Lầu hoang), Đồng (Hai chàng).
Nam cải lương không chỉ là kép mùi
Năm nay, dù sân khấu cải lương cho ra đời ít vở diễn mới nhưng tựu trung các số phận nam trong các vở diễn đã thoát khỏi tư tưởng hễ kép mùi là chỉ ca và tính cách thường “một màu” đơn điệu.
Thay vào đó, các vai trung tâm dành cho nam diễn viên đa dạng hơn, có nhiều góc cạnh chuyển hóa từ độc sang mùi, lẳng sang mùi. Hai nam NSƯT Vũ Linh và Kim Tử Long vẫn tiếp tục dẫn đầu danh sách có nhiều vai diễn mới.
Nếu đàn anh NSƯT Vũ Linh có nhiều tính cách mới chuyển đổi tâm lý liên tục trong các vai hoàng tử (Tấm Cám), Phi Cát (Truyền thuyết tình yêu), Tuấn (Bài ca tìm mẹ)... thì NSƯT Kim Tử Long có Út Đẹt (Bến phà Hậu Giang), Tiết Ứng Luông (Thần nữ)...
Nghệ sĩ Châu Thanh bứt phá với nhân vật Dũng trong vở Đoạn tuyệt. Anh đã biết vận dụng sở trường ca hơi dài để tạo dấu ấn khi số phận vai diễn hụt hẫng trong tình yêu, để vụt mất hạnh phúc vì nghĩa lớn.
Châu Thanh còn có vai Đạt trong vở Mênh mông tình mẹ, một đứa con bất hiếu biết nhận ra lỗi lầm của mình dù muộn màng để giữ được mái ấm gia đình. Nghệ sĩ Vũ Luân có vai họa sĩ Tuấn trong vở Cổ tích thời hiện đại, anh diễn đầy tự tin và có nhiều sáng tạo cho vai diễn mang hơi thở cuộc sống hôm nay, khác với những vai diễn “ông hoàng, thái tử” trước đây. Vai Đường Minh Hoàng trong live show của Vũ Luân - Tú Sương cũng là điểm nhấn cho sự thể hiện vai võ tướng kiêu hùng, ngang tàng và đầy bi kịch.
NSƯT Minh Vương dù năm nay sức khỏe ảnh hưởng nhiều đến quá trình nghệ thuật của anh nhưng vai nhà vua trong vở Thái tử A Xà Thế là một điểm son mới mà anh khắc họa cho hành trang nghệ thuật ở tuổi 60 của mình.
Nghệ sĩ Lê Tứ có vai Lý Trị trong vở Hoa vương tình mộng. Khác với những vai diễn trước, tính cách vai diễn này rộng đất để anh vừa ca diễn vừa thể hiện những màn vũ đạo đẹp mắt.
Nghệ sĩ Võ Minh Lâm từ sau khi đoạt giải Chuông vàng vọng cổ 2006, anh đã trở thành kép đẹp có nhiều triển vọng của đoàn Thắp sáng niềm tin. Năm qua, anh có các vai khá ấn tượng như: Trịnh Ngọc Đường (Sa phu đi xứ), Lý Trị (lúc còn trẻ trong vở Hoa vương tình mộng) và đặc biệt là một lúc đóng hai vai: Triệu Võ, Triệu Sóc trong vở Đứa con họ Triệu.
Điều đặc biệt của bảng nam diễn viên sân khấu năm nay là sự xuất hiện của NSƯT Thành Lộc trên sân khấu cải lương. Anh diễn xuất sắc khi quay về với chiếc nôi nghệ thuật của gia tộc qua hai vai: Lý Đạo Thành (Câu thơ yên ngựa) và Triệu Khuông Dẫn (Đào Tam Xuân báo phu cừu).
Sự cố gắng của các nam diễn viên trong năm qua đã cho thấy nỗ lực chung sức góp phần vực dậy sân khấu cải lương. Dù chưa thể là những cánh én mang mùa xuân về cho sàn diễn vì nhiều nguyên nhân khách quan song các nhân vật kể trên đã được họ thể hiện bằng niềm đam mê và tài năng của người nghệ sĩ.
Những vai diễn có dấu ấn - NSƯT Thành Lộc: Nam diễn viên Hàn Quốc (Họng súng vô hình), bà tiên Lút Mi La (Chú bé khoai lang tây và ba bà tiên), công tử điếc (Võ công tiểu quái), ông Bụt (Con Tám, con Cấm), Xintaro (Một cuộc đời bị đánh cắp). - NSƯT Thành Hội: ông Hải (Ngôi nhà thiếu đàn bà), Chủ Ninh (Người điên trong ngôi nhà cổ), viện trưởng Yutazo (Mùa đông cuối cùng), Trần Thiên Thạch (Trần gian phải có tình yêu), Huy Hoàng (Mua bảo hiểm tình). - Nghệ sĩ Hữu Châu: Vatina (Chú bé khoai lang tây và ba bà tiên), cha Tám (Con Tám, con Cấm), công tử Bột (Võ công tiểu quái), cậu Xaysukê (Một cuộc đời bị đánh cắp), sĩ quan Pháp (Vùng đất cấm). - Nghệ sĩ Thanh Hoàng: Người chồng (Cõi tình). - Nghệ sĩ Trí Quang: Bác sĩ Kobashi (Mùa đông cuối cùng), Tư Nhớ (Nửa đời ngơ ngác), Chu Bình (Lôi Vũ). - Nghệ sĩ Xuân Trang: Tình (Oan gia), ông chủ (Giếng lạ). - Nghệ sĩ Tấn Hoàng: Hùng (Hồn ma báo oán), Long (Quỷ). - Nghệ sĩ Thiện Hùng: Hải Triều (Người trong cõi nhớ), luật sư Tùng (Người điên trong ngôi nhà cổ). - Nghệ sĩ Khương Ngọc: Tân (Điện thoại nửa đêm), giám đốc (Trai yêu), Tuấn (Lầu hoang), Đồng (Hai chàng). - NSƯT Minh Vương: nhà vua (Thái tử A Xà Thế). - NSƯT Vũ Linh: Tuấn (Bài ca tìm mẹ), hoàng tử (Tấm Cám), Phi Cát (Truyền thuyết tình yêu). - NSƯT Kim Tử Long: Út Đẹt (Bến phà Hậu Giang), Tiết Ứng Luông (Thần nữ). - NSƯT Thành Lộc: Triệu Khuông Dẫn (Đào Tam Xuân báo phu cừu), Lý Đạo Thành (Câu thơ yên ngựa). - Nghệ sĩ Châu Thanh: Đạt (Mênh mông tình mẹ), Dũng (Đoạn tuyệt). - Nghệ sĩ Vũ Luân: Tuấn (Cổ tích thời hiện đại), Đường Minh Hoàng (Live show của Vũ Luân - Tú Sương). - Nghệ sĩ Lê Tứ: Lý Trị (Hoa vương tình mộng). - Nghệ sĩ Võ Minh Lâm: Trịnh Ngọc Đường (Sa phu đi xứ), Lý Trị (lúc còn trẻ vở Hoa vương tình mộng), Triệu Võ, Triệu Sóc (Đứa con họ Triệu). |
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)