Thanh tra sẽ có kiến nghị buộc trách nhiệm trong vụ Vinashin

22/10/2010 00:29 GMT+7

Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn báo giới bên hành lang kỳ họp Quốc hội (QH) sáng 21.10, xoay quanh các sai phạm của Vinashin và trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm toán.

* Nhiều ý kiến cho rằng nếu việc thanh tra Vinashin được tiến hành sớm hơn, hậu quả sẽ bớt nghiêm trọng hơn. Ông nghĩ sao?

- Từ 2005 đến nay có 13, 14 cuộc thanh tra kiểm tra, giám sát, kiểm toán về Vinashin, qua đó cũng đã phát hiện rất nhiều nội dung sai phạm.

Đáng tiếc là Vinashin không nghiêm túc khắc phục, còn tìm cách báo cáo không đúng sự thật. Ví dụ đã cảnh báo lỗ nhưng vẫn báo cáo lãi, đáng tiếc là quá trình kiểm toán quốc tế cũng chưa chỉ ra kịp thời cái này được. Hơn nữa nếu có thanh tra toàn diện từ ban đầu, chỉ ra hết mọi sai phạm nhưng họ không tự giác khắc phục mà cứ cố tình thì tình trạng như hiện nay cũng khó tránh khỏi.

Đáng lưu ý là cơ chế thanh tra giám sát có vấn đề. Nhiều anh vào thanh kiểm tra giám sát nhưng chưa quy định ai làm toàn diện, ai làm chuyên ngành. Thanh tra Chính phủ có thể làm toàn diện nhưng cũng chỉ làm một mặt, chưa quy định rõ trách nhiệm ai kiểm soát cái gì và trách nhiệm chính là ai, vì thế có nội dung bị chậm. Riêng Thanh tra Chính phủ cũng đã đề xuất tới hai ba lần thanh tra toàn diện để đưa vào kế hoạch, nhưng đáng tiếc là để tránh chồng chéo nên khi có kiểm toán rồi thì thôi thanh tra. Chung quy lại là do cơ chế có vấn đề nên tới đây phải chấn chỉnh.

* Thanh tra toàn diện đang tiến hành có xem xét trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước?

- Đương nhiên. Khi thanh tra toàn diện thì chúng tôi phải xem xét cả cơ quan cấp trên quản lý họ, để nâng trách nhiệm và tìm ra cơ chế để siết chặt trách nhiệm của họ.

* Khi thanh tra Vinashin, Thanh tra Chính phủ có chịu sự tác động nào không, thưa ông?

- Chả có sức ép nào. Việc điều chỉnh kế hoạch thanh tra là theo yêu cầu của Chính phủ, đã thực hiện đâu mà nói sức ép gì. Còn việc thanh tra toàn diện hiện giờ đang suôn sẻ, tích cực, dù chậm nhưng các nội dung đang được triển khai đầy đủ, phát hiện nhiều vấn đề cụ thể hơn kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, để đánh giá thực tế của tập đoàn này và qua đó thấy cách quản lý của tập đoàn nói chung. Khi nào có kết luận cuối cùng sẽ thông tin cho báo chí.

Quốc hội cũng có lỗi trong vụ Vinashin

“Vinashin thực chất là phá sản rồi, nhưng Chính phủ không thông báo chính thức, vì còn liên quan đến 7 vạn người lao động của tập đoàn này. Từng đại biểu QH cũng phải cảm thấy có lỗi trong vụ việc này”, Ủy viên Ủy ban Kinh tế QH Nguyễn Đức Kiên khẳng định với báo chí bên lề kỳ họp QH. Theo ông Kiên, khi tiến hành tái cơ cấu Vinashin, tức là chấp nhận cho nó phá sản. “Có điều chúng ta có đặc thù vừa là người quản lý nhà nước, vừa là chủ doanh nghiệp nên cho nó tiến hành phá sản theo một hình thức mang đặc thù VN”, ông Kiên nhìn nhận và cho biết: “Trong báo cáo giám sát về quản lý vốn của nhà nước, đã nói rõ phải tiến hành cơ cấu lại và xây dựng, ban hành luật quản lý vốn và tài sản nhà nước. Tuy nhiên, khi biểu quyết thì QH không thông qua, không xây dựng, không ban hành. Rõ ràng là QH cũng có lỗi”.

Thành Lương (ghi)

Bảo Cầm (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.