Vay tín chấp tưởng rẻ hóa đắt

22/10/2010 23:59 GMT+7

Không có tài sản thế chấp, vay tín chấp là lựa chọn duy nhất của nhiều người. Nhưng "bẫy lãi suất" tưởng rẻ hóa đắt khiến nhiều khách hàng ngã ngửa vì khoản lãi phải trả.

Gần bằng lãi chợ đen                            

Không chỉ quảng cáo bằng băng-rôn, khẩu hiệu, biển báo ở các chi nhánh, phòng giao dịch, hiện nhân viên tín dụng của các nhà băng, công ty tài chính còn lên mạng, các diễn đàn trực tuyến, qua tin nhắn điện thoại để rao bán sản phẩm: “Cho vay không cần thế chấp, lãi suất (LS) cực thấp”, “Cho vay tín chấp thủ tục, nhanh gọn giải ngân sau 1, 2 ngày”... Số tiền vay trước kia chỉ vài chục, cao cũng chỉ tối đa 100 triệu thì nay đã lên tới vài trăm triệu đồng.

Điều kiện không phải thế chấp đã hấp dẫn nhiều khách hàng nhanh chóng làm thủ tục vay tiền mà không biết rằng, họ sẽ phải đóng một khoản lãi cao hơn nhiều so với họ nghĩ. Anh Ngọc (một nhân viên làm tại Q.1, TP.HCM) cho biết: “Cách đây 2 năm, tôi có vay 1 khoản 20 triệu của Công ty tài chính Prudential Finance. Công ty tính LS cho vay là 1,35%/tháng, mỗi tháng tôi trả khoảng 820.000 đồng. Thấy mức trả phù hợp, không gây áp lực nên tôi quyết định vay khoảng 24 tháng. Thế nhưng nhân viên công ty lúc bấy giờ báo là đã trình ký vay 36 tháng rồi nên tôi cũng cho qua. Bây giờ nhìn lại mới thấy, vay 20 triệu đồng mà số tiền lãi tôi phải trả lên khoảng 9 triệu đồng”.

Theo NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, LS cho vay tiêu dùng theo hình thức trả góp của một số tổ chức tín dụng trên địa bàn lên đến 33% - 46,5%/năm. Với phương thức tính lãi trên dư nợ ban đầu thì nhiều khách hàng vay thời gian càng dài dẫn đến số tiền lãi gần bằng số tiền vay. Mức LS này không thua gì LS ngoài chợ đen.

Bẫy lãi suất thấp

Có thể nói, tình trạng "tưởng thấp hóa cao" đã xảy ra đối với rất nhiều người vay tín chấp hiện nay. Bởi mức LS cho vay tín chấp không cần tài sản đảm bảo thoạt nhìn là rất thấp, chỉ dao động từ 0,7% đến chưa đầy 1%/tháng - nên nhiều người vay thấy có thể chấp nhận được, nhất là khi đang cần tiền mua nhà, sửa chữa nhà, mua xe, du lịch... Nhưng phương thức tính lãi theo dư nợ ban đầu mà không tính theo dư nợ thực tế hằng tháng chính là một cái "bẫy" với những người không hiểu. Đây là một trong những cách tính khiến số tiền lãi thực mà khách hàng phải trả bị tăng lên rất nhiều bởi đã trả gốc hằng tháng nhưng lãi suất không được giảm tương ứng.

Ví dụ, cùng một khoản vay 100 triệu đồng với thời gian 36 tháng, LS vay là 1,3%/tháng, tức 15,6%/năm. Nếu người vay trả góp cả gốc và lãi hằng tháng là 4,077 triệu đồng cố định trong 36 tháng thì tổng số lãi phải trả lên tới 46,8 triệu đồng. Trong khi tính trên dư nợ giảm dần, số tiền gốc và lãi tháng đầu tiên là 4,077 triệu đồng nhưng tháng cuối cùng là 2,8 triệu đồng và tổng số lãi phải trả là 24,05 triệu đồng, bằng 50% so với việc trả cố định nói trên.

TS Mai Thanh Quế, Giám đốc Trung tâm đào tạo, Học viện Ngân hàng, cho biết hiện nay do thực hiện theo cơ chế LS thỏa thuận nên mỗi NH đưa ra “nghệ thuật” cho vay khác nhau, ở các loại phí, dịch vụ. Vì vậy, khách hàng khi vay cũng phải tỉnh táo, biết được những khoản phí nào, cách tính LS ra sao, nghiên cứu kỹ hợp đồng, hỏi rõ nhân viên tín dụng về hình thức vay, hình thức trả nợ... để thỏa thuận tránh thiệt thòi về quyền lợi của mình.

Ông Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế nhận xét: “Khi mặt bằng LS cho vay tiêu dùng đang ở mức cao, người dân nên cân nhắc xem vay vốn là cần thiết hay không và nên vay khi nguồn vốn có hiệu quả. Trên thực tế, LS cho vay đối với doanh nghiệp ở mức 14 - 15%/năm thì LS cho vay cá nhân ở mức cao là điều dễ hiểu. Vì vậy, người vay phải xem xét thật kỹ để tránh bị rơi vào trường hợp "tưởng rẻ hóa đắt" như hiện nay”.

Anh Vũ - Thanh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.