Giải mã game online - Kỳ 3: Game không bằng truyền hình

23/10/2010 01:36 GMT+7

“Game online (GO) chưa phải là loại hình giải trí thu hút số lượng người tham gia nhiều nhất và ưu tiên nhất” - đó là nhận xét của nhóm khảo sát thuộc Viện Xã hội học sau khi phân tích số liệu.

Trong thời gian gần đây, khái niệm “nghiện GO” được báo chí đề cập với mật độ dày đặc. Cùng với cáo buộc “bạo lực”, “nghiện GO” là một trong hai tử huyệt có thể dẫn tới sự cáo chung của GO Việt Nam. Thực sự GO là một trò tiêu khiển đầy cám dỗ, tình trạng nghiện GO đã xuất hiện từ lâu trên thế giới và gần đây tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều mà nhiều bậc phụ huynh thắc mắc là con em họ chơi game đến cỡ nào thì bị coi là “con nghiện”, và mức độ nghiện GO ở Việt Nam hiện nay ra sao?

Theo nhóm khảo sát của Viện Xã hội học, khái niệm “nghiện GO” hàm nghĩa “những người chơi game đến một ngưỡng nào đó mà dẫn tới những biểu hiện lệch lạc về mặt tâm lý, xã hội và hành vi cụ thể”. Dựa trên 6 tiêu chí mà Tổ chức Y tế thế giới đưa ra (xem bảng kèm theo), nhóm khảo sát xác định chỉ cần người được phỏng vấn có 3/6 biểu hiện cũng được xem như có triệu chứng nghiện GO.

Biểu hiện nghiện GO

- Thường xuyên có cảm giác thèm muốn chơi GO một cách mãnh liệt.
- Thường xuyên chơi GO triền miên mà không thể dừng lại được.
- Nếu không chơi hoặc chơi GO ít hơn bình thường sẽ cảm thấy bứt rứt không thể chịu được.
- Càng ngày càng dành nhiều thời gian hơn để chơi GO.
- Luôn tìm mọi cách để chơi GO, xao nhãng học hành, sở thích khác.
- Biết tác hại nặng nề của GO nhưng vẫn tiếp tục chơi.

(Nguồn: Tổ chức Y tế thế giới)

Kết quả khảo sát cho thấy, trong số những người đang chơi GO có 5,2% hội đủ từ 3 biểu hiện trở lên, 9,6% có 2 biểu hiện, 15,8% có 1 biểu hiện và 69,3% không có biểu hiện nào. “Căn cứ vào tiêu chí được xác lập trên đây, chỉ có thể kết luận 5,2% được xem là có biểu hiện nghiện GO, các trường hợp có 1-2 tiêu chí chưa có đủ căn cứ để khẳng định có phải là nghiện hay không”. 5,2% là con số khá thấp, có thể không làm hài lòng những người vốn cho rằng trò giải trí qua ADSL này là nguồn gốc của tội lỗi, và tình trạng nghiện GO đã đến mức trầm kha tại Việt Nam.

Theo nhóm khảo sát, GO đã phải cạnh tranh khốc liệt với các loại hình giải trí khác, đặc biệt là truyền hình. Số liệu khảo sát cho thấy xem tivi là lựa chọn số một với 49,1%, tiếp đến là đọc sách báo (17,1%), nghe nhạc (16,9%)..., GO chỉ chiếm tỷ lệ không đáng kể (0,5%). Trong danh sách lựa chọn loại hình giải trí ưu tiên thứ hai thì chat chiếm tỷ lệ cao nhất 25,6%, tiếp đến là nghe nhạc 21,5%, chơi GO 3,8%. Tuy nhiên, về lựa chọn thứ ba thì có đến 55,4% người được hỏi chơi GO.

Trung bình thời gian chơi GO là 12,9 giờ/tuần, tương đương 1,8 giờ/ngày. Xét riêng nhóm đang đi học, tỷ lệ chơi trên 30 giờ/tuần chỉ chiếm 5,6%, phần lớn là ở mức dưới 10 giờ/tuần (53,3%), từ 11-20 giờ/tuần chiếm 26,7% và từ 21-30 giờ/tuần là 14,7%.

Lý giải về việc GO không xếp vị trí cao trong các loại hình giải trí thường xuyên, nhóm khảo sát cho rằng “việc chơi GO đòi hỏi thời gian, khả năng hiểu biết, sở hữu máy tính và mạng internet, cũng như đây là dịch vụ ít nhiều phải trả chi phí so với các loại hình khác, do vậy mà tính phổ biến của GO không cao”.

Một vấn đề cũng cần được đặt ra: vì sao có người có thể nghiện GO, người khác dù đã chơi GO 7-8 năm nhưng chưa bao giờ có biểu hiện nghiện, cũng như có rất nhiều người luôn “ghét cay ghét đắng” GO ? Trong phạm vi cuộc khảo sát, Viện Xã hội học mới chỉ tìm cách trả lời câu hỏi thứ nhất.

Trả lời phỏng vấn, những người chơi GO có cách lý giải khác nhau về tình trạng chơi quá đà hoặc bị nghiện. Một nhóm thừa nhận GO có thể gây nghiện bởi có những điểm cuốn hút mạnh mẽ người chơi như hình ảnh sinh động, các tình tiết hấp dẫn, nội dung hay và đặc biệt các nhà cung cấp luôn luôn tạo ra sự mới mẻ, thu hút sự khám phá của người chơi. Nhóm khác cho rằng, chơi GO quan trọng hơn cả là khẳng định mình đối với những người khác về khả năng, đẳng cấp chơi. “Đáng lưu ý, có một số cho rằng, bản thân người chơi tìm đến GO không phải xuất phát từ phía GO, nhà cung cấp dịch vụ mà từ phía gia đình, người thân thiếu sự quan tâm đúng mức với những đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi”. Việc một bộ phận người chơi nghiện GO còn xuất phát từ nguyên nhân thiếu kỹ năng sống, kỹ năng kiểm soát bản thân, thời gian của mình. “Điều này được giải thích là do gia đình và nhà trường chưa giúp các em học sinh có được các kỹ năng này để “đề kháng” với các “cạm bẫy” trong cuộc sống”.

Còn một nguyên nhân nữa không thấy nêu trong cuộc khảo sát này nhưng một số cuộc nghiên cứu trên thế giới đã đề cập tới, đó là một bộ phận người chơi tìm đến và nghiện GO vì thất vọng, buồn chán, bế tắc trong cuộc sống thật.

Theo kết luận của nhóm khảo sát, các số liệu thu thập được cho thấy “tỷ lệ người có dấu hiệu nghiện GO theo tiêu chuẩn của WHO không cao”. Ngoài ra “bản thân các nhà cung cấp dịch vụ GO cũng như các GO không phải là nguyên nhân duy nhất mà bên cạnh đó còn xuất phát từ phía gia đình, nhà trường và những kỹ năng sống cần thiết của người chơi”.

Các loại hình giải trí thường xuyên (%)

 (Nguồn: Viện Xã hội học)

Giang Khê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.