Bảo vật của triều Nguyễn bị người Pháp lấy đi khá nhiều từ năm 1885. Số còn lại vẫn rất lớn, gần 3.000 hiện vật. TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, hiện là Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam cho biết: Vào năm 1945 vua Bảo Đại đã chuyển giao toàn bộ bảo vật hoàng cung cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, người đại diện tiếp nhận là ông Trần Huy Liệu.
Sau đó số bảo vật này được chuyển tới cất giữ tại Liên khu 5. Lúc ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh biết rằng kháng chiến còn kéo dài nên quyết định để số bảo vật tại đó. “Số mệnh của các bảo vật đã có lúc ngàn cân treo sợi tóc. Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, nước ta lâm vào thời kỳ khó khăn, đã có những ý kiến đưa ra là mang một số bảo vật bán lấy tiền, vàng ủng hộ kháng chiến. Nhưng Bác Hồ không đồng ý, Người nói rằng đó là di sản ông cha để lại, không thể bán được” - ông Quân cho hay. Đến năm 1954, số bảo vật được chuyển sang cho Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, sau đó chuyển sang Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Trong lần trưng bày tại bảo tàng vào năm 1961, đã xảy ra vụ mất chiếc ấn bạc mạ vàng của Nam Phương hoàng hậu. Vì thế số bảo vật lại được niêm phong, chuyển vào trong kho của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Sau gần nửa thế kỷ, tới năm 2007 Bảo tàng Lịch sử Việt Nam mới được tiếp nhận lại các bảo vật trên.
Theo TS Phan Thanh Hải - Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, hiện tại ở Việt Nam còn giữ tất cả 93 cái ấn của triều Nguyễn (85 cái đang được giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, 8 cái còn lại được giữ tại Huế). Theo ông, ấn ngọc ở triều Nguyễn không có nhiều, nhưng tất cả đều được chế tác rất công phu. |
Hai năm phục hồi bốn chiếc mũ
TS Quân không quên lần tình cờ gặp gỡ ông Vũ Kim Lộc, người làm nghề kinh doanh kim hoàn và nghiên cứu về trang phục của vua chúa triều Nguyễn hiện đang sống tại TP.HCM. Sau khi biết ông Lộc vừa phục hồi chiếc mũ của vua Chăm-pa, ông Quân biết đây chính là người mình cần tìm.
|
Đội ngũ cán bộ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam được chia thành các nhóm khác nhau: nhóm nghiên cứu tư liệu về mũ ở các triều đại phong kiến của các nước lân cận như Trung Quốc, Hàn Quốc; nhóm tìm hiểu các bức tượng còn lại trong các lăng tẩm tại Huế; nhóm nghiên cứu qua ảnh, tài liệu phong cách nghệ thuật, đồ vàng thời Nguyễn; nhóm nghiên cứu các tài liệu thành văn miêu tả các loại mũ trong chính sử; nhóm nghiên cứu các mũ thờ, hài thờ tại các đình chùa, miếu mạo… Ông Lộc cùng các cộng sự đã ra Hà Nội cùng tìm hiểu, nghiên cứu tình trạng bốn chiếc mũ. Ông Lộc cho rằng: “Để phục hồi bốn chiếc mũ, người thợ cần phải hội đủ rất nhiều yếu tố: vừa phải là một nhà nghiên cứu, vừa phải có tay nghề, vừa phải am hiểu kim hoàn cổ kim, mỹ thuật thời xưa…”.
Trong suốt hai năm phục hồi, có khoảng hai chục cuộc tọa đàm chuyên đề với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, mỹ thuật… đã diễn ra. Bên cạnh việc xác định kiểu dáng mũ, nhiều vấn đề được đặt ra như kích cỡ mũ, vị trí đặt các chi tiết (vì có chiếc mũ có tới một nghìn chi tiết, chiếc ít nhất cũng lên tới hàng trăm chi tiết)…
Bước đầu, các chi tiết bị oxy hóa được làm sạch. Những nhà nghiên cứu, nghệ nhân cùng phân loại 4 chiếc mũ dựa theo phong cách mỹ thuật, cấu trúc mũ… Tiếp đó, cốt mũ bằng xốp được làm ra. Với chất liệu này, việc thay đổi, điều chỉnh cốt mũ rất dễ dàng. Khi xác định được hình dáng cốt mũ, các nghệ nhân dựng cốt mũ bằng gỗ, tiếp theo là dệt cốt mũ bằng sợi kim loại dựa theo cốt mũ này. Việc tìm sợi kim loại phù hợp cũng không dễ dàng, tiêu chuẩn đưa ra là cốt mũ chỉ nặng một lạng rưỡi. Phần vải bọc mũ cũng được nghiên cứu tỉ mỉ và giao cho các nghệ nhân làng lụa Vạn Phúc thực hiện. Một trong những công đoạn khó khăn nhất là thêu các chi tiết trang trí lên mũ. Các chi tiết đều rất mỏng, một số chi tiết còn bị méo mó. Nhiều chi tiết như râu rồng, móng rồng bị mất, có một số chi tiết không thể phục hồi được.
Ông Vũ Kim Lộc và các cộng sự làm việc miệt mài trong hai năm trời, có hôm làm từ sáng cho đến tận khuya, có khi làm suốt cả tuần, cuối cùng đã phục hồi lại gần như hoàn hảo 4 chiếc mũ, trong đó có 3 chiếc mũ đại triều và một chiếc mũ bình thiên.
Bảo vật vô giá
Dưới thời nhà Nguyễn, các thợ thủ công giỏi được tuyển chọn từ khắp mọi miền về kinh thành. Người thợ đã sớm học hỏi các kỹ thuật của phương Tây nên các loại ấn, trang phục của vua chúa (từ quần áo cho đến mũ), các đồ ngự dụng trong hoàng cung… đều được làm vô cùng tinh xảo, bài bản. Hiện tại trong kho của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đang giữ tới gần 3.000 bảo vật của hoàng tộc nhà Nguyễn để lại. Triển lãm tại bảo tàng mới chỉ giới thiệu tới công chúng một vài bảo vật quý giá.
Ấn ngọc Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ được xem là bảo vật số 1 trong những đồ làm bằng ngọc trong triều Nguyễn. Một trong những điều đáng giá là khối ngọc chế tác chiếc ấn là ngọc trong nước, không có nguồn gốc ngoại lai. Nhân dân Hòa Điền, tỉnh Quảng Nam đã tìm thấy khối ngọc trắng và dâng lên cho vua Thiệu Trị. Rồng trên ấn được chạm khắc kiểu mình uốn khúc và đầu ngẩng cao.
Hai chiếc ấn vàng được trưng bày là Sắc mệnh chi bảo và Hoàng đế tôn thân chi bảo. Ấn vàng Sắc mệnh chi bảo là chiếc ấn có mặt lớn nhất trong số các ấn của triều Nguyễn, nặng 8,5 kg, cạnh ấn dài tới 14 cm. Ấn được đúc năm 1827 dưới thời vua Minh Mạng. Chiếc ấn này được đóng trong các bản sắc phong thần khắp đất nước trong những dịp quan trọng. Chiếc ấn Hoàng đế tôn thân chi bảo là chiếc ấn vàng lớn thứ hai của triều Nguyễn, làm bằng 234 lượng vàng, nặng gần 9 kg. Ấn cũng được đúc vào năm 1827, dùng trong các công việc liên quan đến gia tộc hoàng cung, để tôn thân, phong tặng những người thân thuộc của hoàng đế.
Hai trong số các vật biểu tượng cho quyền uy của hoàng đế được trưng bày là hai chiếc kiếm, một chiếc là An Dân bảo kiếm được làm vào năm Khải Định (1916-1925), chiếc kia chưa xác định rõ được niên đại. Theo TS Phan Thanh Hải, chiếc An Dân bảo kiếm được chế tác giống với những chiếc kiếm đầu triều Nguyễn, đời vua Gia Long. Lưỡi kiếm được làm bằng thép, vỏ kiếm làm bằng vàng và khảm ngọc vô cùng tinh xảo.
Đài vàng là một trong những đồ ngự dụng trong hoàng gia. Chiếc đài vàng được trưng bày là đồ đựng trầu của hoàng thái hậu. Vật phẩm này không chỉ giá trị ở chất liệu chế tác bằng vàng và ngọc, mà còn ở kiểu dáng chế tác và được hoàng gia quy định dân gian không được chế tác theo. Triển lãm cũng trưng bày 2 trong số 4 chiếc mũ vừa phục hồi: mũ bình thiên và mũ đại triều. Mũ bình thiên được xác định niên đại thế kỷ 19, là chiếc mũ vua đội khi đi tế đàn Nam Giao. Điểm đặc biệt là những chiếc dây tua của mũ buộc vua khi đội phải có phong thái điềm đạm, nghiêm chỉnh. Ngoài hàng nghìn chi tiết hình rồng, ngọc trang trí, chiếc mũ đại triều có niên đại thế kỷ 19 có điểm đặc biệt ở phần thống thiên (hai cánh sau mũ) hướng lên trên, thể hiện tư tưởng: mạch nối thiên tử với trời.
Minh Ngọc
Bình luận (0)