Điểm chuẩn cao, SV chê
Đó là trường hợp một số ngành tại trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM). So với mặt bằng chung của trường thì các ngành này có điểm chuẩn NV1 cao nhất, số lượng thí sinh (TS) trúng tuyển vượt xa so với CT và không cần xét tuyển NV2. Tuy nhiên, đây lại là những ngành không đủ sinh viên (SV) nhập học.
Ngành Công nghệ hóa - Thực phẩm - Sinh học có điểm chuẩn 19 nhưng tỷ lệ nhập học chỉ đạt 72,2%. Cũng với điểm chuẩn 19, có 354 SV trúng tuyển so với 330 CT nhưng ngành Công nghệ thông tin chỉ có 248 SV nhập học, đạt tỷ lệ 77,8% (năm 2009 đạt 95%). Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nam - Trưởng phòng Đào tạo nhà trường - cho rằng đây là hiện tượng bất thường khi những ngành có điểm chuẩn cao nhất lại thiếu SV nhiều nhất. Về nguyên nhân, ông Nam dự đoán có thể do những TS này trúng tuyển 2 khối thi và lựa chọn các ngành hấp dẫn hơn ở khối khác.
Các ngành thuộc khối B trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) cũng có tỷ lệ SV trúng tuyển nhập học thấp. Ngành Sinh học chỉ khoảng 30%, ngành Địa chất và Công nghệ môi trường trên dưới 40%... Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang - Trưởng phòng Đào tạo của trường cũng cùng lý giải như phía ĐH Bách khoa.
Ngành chỉ có 2 SV nhập học
Năm nay, 8/10 ngành của trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) phải xét tuyển nguyện vọng (NV) 2 nhưng cũng không đủ SV nhập học so với CT. Với điểm trúng tuyển NV1 là 14,5 nhưng ngành Quản lý và phát triển nguồn lợi thủy sản chỉ có 2 SV nhập học. Trường tiếp tục tuyển NV2 với mức điểm 15 vẫn không nhận được hồ sơ. Tuy nhiên ngành này vẫn được mở. Ngành Khoa học máy tính cũng bi đát không kém khi cả 2 NV cũng chỉ có 8 SV nhập học trên tổng số 80 CT. Các ngành khác cũng có số SV nhập học không đủ như: Công nghệ thông tin (54 SV/80 CT), Kỹ thuật y sinh (22 SV/45 CT), Công nghệ thực phẩm (23 SV/50 CT)...
Nhiều ngành tại trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng có tỷ lệ nhập học trên dưới 50% so với CT, mặc dù điểm xét tuyển NV2 chỉ ở mức 14 điểm. Ngành Thiết bị năng lượng tàu thủy trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cũng chỉ tuyển được 30 SV so với 60 CT.
Dù tuyển tới 3 NV với điểm chuẩn từ 13 đến 14,5 nhưng nhiều ngành thuộc khối Nông - Lâm - Ngư nghiệp trường ĐH Nông lâm TP.HCM vẫn không đủ CT. Trong đó, một số ngành có số SV nhập học khá thấp như: Khuyến nông và phát triển nông thôn với hơn 20 SV, ngành Hệ thống thông tin địa lý và Hệ thống thông tin môi trường mỗi ngành 35 SV...
Khoa học công nghệ mất dần sức hút
Từ tình hình tuyển sinh của trường ĐH Bách khoa TP.HCM năm nay cho thấy các ngành kỹ thuật và công nghệ không còn sức hấp dẫn ngay trong trường lớn.
PGS - TS Hồ Thanh Phong - Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) - cho rằng, do tác động từ sự phân chia ngành nghề hiện nay nên người học đổ xô vào các ngành dịch vụ, mà không chú trọng vào các ngành sản xuất như trước kia. Do vậy, việc TS chê các ngành thuộc nhóm kỹ thuật, công nghệ là điều dễ hiểu.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thư - Phó hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cũng có ý kiến: việc tuyển không đủ CT một số ngành là do nhận thức về nghề nghiệp của người học hiện nay chưa đúng. Ông Thư dẫn chứng các ngành như Máy xây dựng, Cơ khí hóa xếp dỡ... nghe tên có vẻ không hấp dẫn nhưng thực ra là những ngành rất dễ kiếm việc làm. Hiện có nhiều doanh nghiệp đến đăng ký tuyển dụng với mức lương khởi điểm từ 3 triệu đồng/tháng, thậm chí 5 - 6 triệu đồng/tháng nhưng không có người.
Đồng quan điểm, ông Võ Văn Việt - Phó trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Nông lâm TP.HCM phân tích: “Việc tuyển sinh hệ chính quy với các ngành thuộc khối nông - lâm - ngư nghiệp gặp nhiều khó khăn, trong khi số học viên hệ vừa học vừa làm đào tạo cán bộ do địa phương gửi lên mỗi năm lại rất nhiều và ngày càng tăng. Điều này cho thấy, dù TS không thích nhưng thực tế đang rất thiếu nhân lực được đào tạo bài bản trong các lĩnh vực này”.
Hà Ánh
Bình luận (0)