Ngắc ngoải voi Tây Nguyên

24/10/2010 11:00 GMT+7

Nhiều du khách đến Tây Nguyên đã lùng mua cho kỳ được chiếc nhẫn lông đuôi voi để cầu mong sự may mắn, tình duyên, sức khỏe... Chuyện trộm cắp, sát hại voi lấy đuôi vì thế ngày càng khốc liệt.

Bao đời nay, voi gắn chặt với cuộc sống người dân Tây Nguyên và trở thành một thành viên trong gia đình họ. Tuy nhiên, khi những khu du lịch đua nhau mọc lên, voi đã phải oằn lưng chở du khách dạo chơi. Nhẫn tâm hơn, người ta còn truy lùng voi chặt đuôi lấy lông làm nhẫn bán cho khách du lịch.

Khốn khổ vì... đuôi
 
Đắk Lắk là địa phương vốn có nhiều voi nhất Tây Nguyên nhưng  hiện còn chưa tới 60 con voi nhà và khoảng 110 con voi rừng. Vậy mà chúng đang chết dần, chết mòn vì thú chơi lông đuôi voi.
 
Người dân Buôn Đôn - Đắk Lắk đến giờ vẫn nhắc mãi chuyện một con voi nhà suýt bị giết hại cách đây 3 năm để lấy đuôi. K’Tức, con trai nài voi Y Đôn ở xã Krông Na, đã cột kíp nổ vào đuôi con voi nhà mình rồi kích nổ. Chú voi bị thương nặng lồng lên. Người nhà phát hiện và chỉ còn biết đưa voi về cúng tạ tội với Giàng, với thần linh rồi tìm cách chữa trị.
 
Già làng Aê Nô ở Buôn Trí A, huyện Buôn Đôn cho biết đã có không ít vụ dân làng đánh nhau sứt đầu, mẻ trán vì tranh giành cái đuôi voi. Chuyện voi nhà bị cắt trộm, nhổ trộm lông đuôi xảy ra thường xuyên.
 
“Kẻ trộm lông đuôi voi thường là những người quen của gia đình, nài cũ hay chủ cũ của voi. Biết voi đã quen hơi, họ lợi dụng đêm tối tiếp cận rồi nhổ trộm lông đuôi dễ dàng. Khi chủ nhà tỉnh dậy, phát hiện đuôi voi đầm đìa máu chỉ còn biết ngửa mặt than trời” - già Aê Nô ngậm ngùi.
 
Trước kia, dân làng thả voi vào rừng để chúng tự kiếm ăn nhưng gần đây, con nào có ngà và lông đuôi thì chủ không dám thả vào rừng vì sợ bị kẻ xấu sát hại.

Nài voi Y Khiên Êban, đang làm việc trong Khu Du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng Bản Đôn - Công ty Cao su Đắk Lắk, cho biết: “Chuyện xả súng sát hại voi nhà để lấy trộm ngà, lông đuôi xảy ra thường xuyên. Voi không được vào rừng nên sức khỏe và tuổi thọ ngày càng giảm sút vì không có đủ lượng thức ăn tự nhiên để bổ sung”.
 
Lợi nhuận từ việc buôn bán lông đuôi voi ngày càng béo bở khiến “cuộc chiến” tranh giành, trộm cắp, sát hại voi để lấy đuôi ngày càng khốc liệt hơn. Ngày 31-8, hai chú voi ở Khu Du lịch thác Prenn - TP Đà Lạt đã bị kẻ trộm lạnh lùng chặt đứt 2 chiếc đuôi.
 
Mới đây, rạng sáng 18-10, chú voi Pắc Kú ở Khu Du lịch Thanh Hà, huyện Buôn Đôn bị kẻ gian đốt chân, chém nhiều nhát vào đầu và chặt suýt đứt đuôi (Báo NLĐ đã thông tin) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng voi bị tấn công.
 
Chết cũng không yên
 
Ở Buôn Đôn, vì được xem như thành viên trong gia đình nên khi chết, voi sẽ được đem chôn, lập mộ... Bất cứ hành động nào xâm phạm tới voi khi chúng còn sống hay lúc đã chết đều bị coi là báng bổ thần linh. Năm con voi chết ở Buôn Đôn từ đầu năm đến nay đều được đại diện chủ voi, hạt kiểm lâm và công an huyện phối hợp chôn cất hoặc tiêu hủy xác ngay sau đó để bảo vệ môi trường.
 
Ông Y Đeng B’Yă, Trưởng Công an xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, cho biết: “Lực lượng chức năng đều vào cuộc mỗi khi có voi bị chết, thậm chí còn cắt cử người canh giữ mộ voi vài ngày sau khi chôn cất để đề phòng kẻ xấu đào trộm. Tuy nhiên, khi họ rút đi thì có trời mới biết việc gì sẽ xảy ra? Hơn nữa, voi chết thường được chôn ở những nơi hẻo lánh, xa khu dân cư nên việc bị đào trộm là không thể kiểm soát được”.
 
Một chủ quầy lưu niệm tại Khu Du lịch Buôn Đôn tiết lộ: “Giá trị của mỗi con voi sau khi chết cũng lên đến hàng chục triệu đồng. Do đó, việc lập biên bản, chôn cất... chỉ là hình thức chứ không ai dại gì đem hàng đống tiền đi chôn đâu”.
 

Xuất hiện lông đuôi voi “ngoại”

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số lượng đáng kể lông đuôi voi được bày bán tại Buôn Đôn là hàng thật nhưng có nguồn gốc từ Lào, Thái Lan.

Gần đây, ở Đắk Lắk xuất hiện một đội ngũ đầu nậu chuyên đi thu gom lông đuôi voi tại Lào, Thái Lan với giá chưa đến 10.000 đồng/sợi (vì các nước này không xem trọng lông đuôi voi) để cung cấp lại cho các đại lý ở Tây Nguyên với giá cao hơn gấp 6-7 lần. Lông đuôi voi “ngoại” khá dài, lại bóng đẹp, bán cho du khách với giá khoảng 350.000 đồng/sợi.

Ông Y Đeng B’Yă thắc mắc: “Cả xã Krông Na chỉ còn 15 con voi nhà, toàn huyện Buôn Đôn cũng chưa đầy 30 con, hầu hết đã già yếu và không còn sợi lông đuôi nào. Vậy mà hằng ngày vẫn có hàng trăm chiếc nhẫn lông voi được bán ra. Chẳng biết voi ở đâu ra mà nhiều lông đuôi thế?”!
 
Thật giả khó lường 

Theo lời giới thiệu của các đại lý kinh doanh hàng lưu niệm tại TP Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk, chúng tôi đến Khu Du lịch Thanh Hà để mua đuôi voi. Trước cổng khu du lịch, quầy lưu niệm của ông Phạm Trọng Hợp có vẻ tuềnh toàng nhưng bên trong lại bày bán nhiều sản vật quý hiếm. Ông Hợp tự hào khoe: “Đại lý của anh là đầu mối chính ở đây, bảo đảm thật 100%”.
 
Quầy hàng của ông Hợp có rất nhiều đồ trang sức làm từ lông đuôi voi. Ông Hợp giới thiệu những chiếc nhẫn vàng, nhẫn bạc đã lồng sẵn lông với giá từ 80.000 - 100.000 đồng/chiếc, còn lông đuôi voi bán riêng 100.000 - 150.000 đồng/sợi vì lồng được 2 nhẫn.  
 
Ông Hợp còn lấy trong ví ra 3 sợi lông đuôi voi màu trắng, bảo: “Đây là loại quý hiếm do nài voi nhổ trộm của những con voi già tại Buôn Đôn bán lại, giá cao gấp 2-3 lần lông đuôi voi thường”. Khi chúng tôi thắc mắc chuyện thật - giả, ông Hợp liền mở tủ lôi ra một chiếc đuôi voi còn nguyên đã phơi khô còn tua tủa lông, khẳng định: “Đuôi này là của một con voi già chết ở Buôn Đôn năm ngoái, anh mua lại 13 triệu đồng”.
 
Đến Khu Du lịch Buôn Đôn, chúng tôi thấy nhẫn lông đuôi voi được bày bán nhan nhản khắp các quầy lưu niệm, giá từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng/chiếc, tùy loại bạc hay vàng; riêng lông đuôi voi 100.000 - 350.000 đồng/sợi. 
 
Tất cả các chủ quầy đều cam đoan lông đuôi voi của mình “xịn 100%”. Nếu khách nghi ngờ, họ sẵn sàng lôi ra những chiếc đuôi voi còn nguyên vẹn để chứng minh. “Ngoài việc mang theo mình như một thứ bùa may mắn, lông đuôi voi còn có tác dụng chữa được nhiều loại bệnh, thậm chí ngăn ngừa được cả ung thư” - một chủ quầy hùng hồn tiếp thị. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn lấy hàng số lượng lớn để bán lại, những chủ quầy này khẳng định có thể cung cấp ngay và “bao nhiêu cũng có”.
 
Tuy nhiên, nhiều nài voi Buôn Đôn cho rằng phần lớn lông đuôi voi được bày bán ở đây đều là giả. Lông đuôi thật chỉ có một số ít nài voi lâu năm mới có được và cũng cực hiếm. Ông Ama B., một nài voi đã chuyển sang bán hàng lưu niệm, chỉ cho chúng tôi cách làm một chiếc đuôi voi giả: Lấy một đuôi trâu (hoặc may mắn thì mua được một đuôi voi chết đã trụi lông) phơi khô, khoan lỗ, cắm lông trâu hoặc sợi nhựa vào, thêm ít keo dán sắt và sáp là có ngay một chiếc đuôi voi, tha hồ “hù” du khách!
 
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Trung tâm Du lịch Buôn Đôn, trung tâm hiện có khoảng 20 quầy hàng kinh doanh đồ lưu niệm. Các quầy này kinh doanh theo hình thức cá thể hộ gia đình nên việc quản lý nằm ngoài chức năng của trung tâm.
 
Không thể kiểm soát được là tình trạng chung của việc buôn bán lông đuôi voi và các sản phẩm làm từ voi tại Buôn Đôn cũng như nhiều nơi ở Đắk Lắk và Tây Nguyên. Và, dù còn sống hay đã chết, voi Tây Nguyên vẫn đang bị săn đuổi ráo riết từng ngày.

Chào bán công khai hàng “độc”

Không chỉ lông đuôi voi, vô số sản vật rừng quý hiếm khác cũng đang được chào bán công khai tại Buôn Đôn.
 
Quầy hàng lưu niệm của ông Phạm Trọng Hợp có cả thịt voi phơi khô với giá 100.000 đồng/kg. Khi chúng tôi ngỏ ý có một số đại gia ở TPHCM nhờ săn hàng “độc” tại Tây Nguyên, ông Hợp đã mau mắn dẫn khách tham quan “xưởng” thuộc da thú của mình.


Ông Phạm Trọng Hợp khoe chiếc đuôi của một con voi già chết ở Buôn Đôn năm ngoái

 
Tại đây, chúng tôi thấy xác 2 con khỉ trưởng thành, một con mang đã thành phẩm và một số xương voi đang phơi nắng.
 
Thấy chúng tôi tỏ vẻ không hài lòng, sau một lúc đắn đo, ông Hợp quyết định mở “kho” bên cạnh lôi ra một con công đã được thuộc da với bộ lông đuôi cực đẹp được giữ gần như nguyên vẹn.
 
Con công này ông chào bán với giá 13 triệu đồng. Riêng số xương voi, ông Hợp cho biết đã thu mua lại của một số người dân ở Buôn Đôn, hiện đã có người đặt hàng sẵn để chế tác thành đồ trang sức sau khi phơi khô.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.