Phòng chống HIV kiểu... Uganda

25/10/2010 15:26 GMT+7

(TNO) Uganda là nơi từng có tỉ lệ người dân nhiễm HIV cao nhất thế giới: đến hơn 20% dân số. Bây giờ, con số đó giảm xuống còn 6,7%. Sự thành công có phần rất lớn từ những quyển sách dành cho trẻ con, những quyển sách mà cả người lớn đọc còn bị sốc!

Những câu chuyện nhức nhối

Trên trang bìa quyển sách mang tên Vì sao Kwezi gặp rắc rối là hình ảnh một nữ sinh ngồi trên ghế nhà trường ôm mặt khóc.

Kwezi gặp rắc rối vì không làm bài tập về nhà? Hay cô bé chép bài của bạn trong giờ kiểm tra? Hay Kwezi bị điểm xấu?

Tất cả đều không đúng.


 Nghèo đói và thất học khiến lục địa đen trở thành điểm nóng nhất của căn bệnh thế kỷ - Ảnh: AFP

Câu trả lời có trong dòng chữ được in ở bìa sau của quyển sách: “Tại đám tang của mẹ, Kwezi bị bạn thân nhất của người cha đã quá cố hãm hiếp. Kwezi chẳng biết khóc cùng ai ngoại trừ người mẹ đang nằm trong mộ. Mang trong người căn bệnh AIDS, Kwezi quyết định nói cho những học sinh khác biết AIDS nguy hiểm đến nhường nào”.

Và câu chuyện đau đớn, đau đến nhức nhối với những mô tả rất dã man của cô bé được viết ra, nhắm đến đối tượng độc giả từ… 8 đến 10 tuổi!

Mục đích của nó, như được nêu rõ trong dòng giới thiệu ở bìa sau quyển sách, là để giáo dục trẻ em chống AIDS.

Ở đất nước từng có tỉ lệ nhiễm HIV cao nhất thế giới này, giáo dục chống AIDS là chuyện rất nghiêm túc, được bắt đầu ngay khi con người ta còn mới làm quen với chuyện cổ tích.

Một quyển sách khác, được rất nhiều học sinh đọc, thì kể về chuyện hai chú nhóc mới 12 tuổi quan hệ tình dục cùng lúc với một cô bé. Đó là một đứa trẻ nhiễm AIDS. Hậu quả thật đau buồn: cả hai chú nhóc đều bị lây bệnh và chết trước khi với tay được tới tuổi trưởng thành.

Nhìn thẳng vào vấn đề

Ở các thành phố lớn của Uganda, những băng-rôn cổ động chống AIDS một cách kín đáo không phải là hiếm, chẳng hạn như: “Bạn gái ấy giữ mình cho đến khi kết hôn, còn bạn thì sao?”. Nhưng có thể dễ dàng nhận thấy băng-rôn này mang biểu tượng của một tổ chức Công giáo ở nước ngoài.

Còn Chính quyền Uganda thì chọn cách nói rõ và rất rõ.

“Khi con sư tử bước vào làng, anh phải rung chuông báo động thật lớn” - đó là phương châm chống AIDS của Tổng thống Uganda, ông Yoweri Museveni.

HIV ở Uganda

Số người nhiễm HIV: 940.000
Trẻ em từ 0-14 tuổi nhiễm HIV: 130.000
Số người đã chết vì AIDS: 77.000

Ở vế đầu tiên, chính quyền Museveni chưa bao giờ phủ nhận sự hiện diện và sức phá hoại khủng khiếp của “con sư tử.” Còn ở vế thứ hai, tiếng chuông mà họ đã rung lên khiến không ít người, ở cả ngoài và trong “làng Uganda” phải bật ngửa vì sốc.

Không sốc làm sao được, khi một quyển sách viết cho trẻ em lại có những đoạn mô tả thẳng thừng, mô tả rất dã man cảnh một nạn nhân bị tài xế taxi hãm hiếp?

Và không chỉ có chính quyền Uganda mới tìm cách nâng cao nhận thức của trẻ con về sự nguy hiểm của AIDS. Rất nhiều những quyển sách kiểu như trên do trẻ em viết, các nhà xuất bản thương mại phát hành. Chính phủ hậu thuẫn điều này, giúp sách mau chóng đến tay các trường học và các bậc phụ huynh.

Sách chống AIDS thay truyện thần tiên

Nếu như ở hầu hết các nơi trên thế giới này, cha mẹ chỉ quen đọc và mua truyện cổ tích cho con trẻ thì ở Uganda, các bậc phụ huynh quan tâm rất nhiều đến những câu truyện đau đớn kiểu như trên.

 
 Cuộc chiến chống AIDS chưa bao giờ đơn giản ở khắp nơi trên thế giới này - Ảnh: Reuters

Cứ thử tưởng tượng cảnh một bà mẹ mua cho con gái 7, 8 tuổi quyển sách có nội dung mô tả cảnh bị hãm hiếp, sẽ thấy viễn cảnh này kinh khủng như thế nào.

Nhưng ở Uganda thì khác. Juliet, một bà mẹ 33 tuổi kể với phóng viên của hãng truyền thông BBC rằng cô đã mua một quyển sách loại này cho con gái 11 tuổi và bây giờ quay lại tiệm sách để tìm mua tiếp sách cùng loại.

Bằng một giọng thản nhiên, Juliet nói rằng con gái cô rất thích đọc quyển sách đầu tiên. Theo cô, chính những quyển sách là cách tuyệt vời để hai mẹ con có thể thảo luận về những đề tài khó nói như tình dục an toàn.

Khi được hỏi bản thân có thoải mái không khi đọc cho con nghe những đoạn “dã man” trong sách, Juliet vẫn rất thản nhiên: “Tất nhiên là tôi thoải mái. Bằng cách này con bé có thể bảo vệ được bản thân nó vì nó biết hết”.

Với một bà mẹ mà “vào thời của tôi, trước đêm tân hôn, mấy bà dì sẽ đến để chỉ vẽ về tình dục”, sự thay đổi trong tư duy như Juliet quả là cả một cuộc cách mạng vĩ đại.

Lý do Juliet và nhiều bà mẹ khác thực hiện “cuộc cách mạng vĩ đại” đó là do thời thế: “Bây giờ chúng tôi đang phải sống chung với HIV, chúng tôi  bắt buộc phải thảo luận với con về điều này”, Juliet chia sẻ.

Đoan Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.