Hương có thói quen vừa làm công chuyện vừa hát. Chị nói với Hiền, đứa em chồng đang học lớp 10: “Giặt một thau đồ tràn trề nhưng chị không thấy ớn vì chỉ cần nghêu ngao chục bản bôlêrô là xong. Còn khi vào bếp, cỡ 6 bài là có thể dọn cơm được rồi”.
Hương có giọng hát trong trẻo pha chút sầu mơ, đúng nhạc và đúng nhịp. Hiền thường phụ việc cùng chị, lắng nghe chị hát nên đâm nghiện bôlêrô hồi nào không hay. Hai chị em thường song ca những bài yêu đương mùi mẫn.
Chồng vợ trái chiều
Nhưng Hải, chồng Hương, người được anh em cùng cơ quan khen là có giọng hát “cổ kính”, trầm ấm, giống ca sĩ Duy Trác thời trước 75, thì hay bĩu môi về loại nhạc này. Anh cho rằng bôlêrô là nhạc “mary sến”, rẻ tiền, nhạc của giới bán kem dạo, mì gõ... Bốc lên, anh “nổ”: “Loại nhạc này tui chỉ cần ngồi nửa đêm là có ngay chục bài”. Tối nào anh cũng thường rủ vợ cùng nghe loại nhạc mà anh cho là sang trọng. Anh nói đây là bài Ướt mi, của Trịnh đấy, rồi mơ màng hát theo ca sĩ: Ngoài hiên mưa rơi rơi, lòng ai như chơi vơi... Nhạc cảm dìu dặt, ca từ trau chuốt, nghe đã quá phải không em?
Hương nói dạ, nhạc cảm nghe đã. Rồi anh nói đây là bài Đêm đông: Thời gian như ngừng trong tê tái, cây trút lá cuốn theo chiều mây... Đúng là đêm đông, nghe tái tê tâm hồn em há. Hương cũng nói dạ, nghe rất đêm đông, rất tê tái anh ạ. Anh lại nói, còn đây là bài Phượng yêu, và anh lim dim: Yêu như loài ma quái đi theo ai suốt đêm dài, yêu không ngơi kêu gào, làm sao nói được tình yêu... Hay đến lịm người phải không em? Hương lơ mơ gật đầu, dạ rất... âm thanh, rất phù thủy anh ạ! Hải còn xuýt xoa ca ngợi nhiều bài nữa nhưng Hương đã ngủ tự bao giờ. Hải thở dài: Đúng là tín đồ của bôlêrô. Thôi kệ, biết làm sao!
Công dụng bôlêrô
Một bữa cả nhà đi vắng, Hương và Hiền chụm đầu vào quyển nhạc bôlêrô cùng hát bài Phượng buồn. Hương kiêm luôn “nhạc công”, vừa hát vừa đệm đàn bằng miệng. Mải mê “bùm bum chách chách” thì ông Nam, cha chồng của Hương đi ăn giỗ về. Mặt đỏ lừng, ông khề khà nói hai đứa bay hát đúng nhạc nhưng thiếu tình cảm nên nghe không... thảm. Hát bôlêrô phải sướt mướt, phải... rên một chút, phải “nhập mình” vào bài hát nó mới da diết thiết tha. Hồi trước, dù xấu trai nhưng nhờ bôlêrô mà má tụi bay mê tao như điếu đổ. Một dâu, một con gái vỗ tay rôm rốp. Hứng chí, ông Nam vừa gõ bàn vừa hát: Qua bến nước xưa lá hoa về chiều, lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa...
Tuổi 62, đầu đã bạc, nhưng dường như ông trẻ lại khi hát Nắng chiều. Giọng ông hơi rè, vài chỗ ca từ đứt nối nhưng tình ngọt sớt và ý rất miên man. Hết bài, ông cười hóm hỉnh: Tao hát nghe lọt hông bay? Rồi ông cười khà khà, để “lộ thiên” mấy cái răng cuối đời lác đác.
Hương và Hiền vui lắm. Hai cô không ngờ bôlêrô đã mềm hóa không khí gia đình từ lúc đó. Có lẽ vì “tôn sùng” bôlêrô nên ông Nam thường dí dỏm: “Hai đứa bay rồi thế nào cũng hát ru con, cứ bôlêrô cho tao là được. Con nít nó ưa ngọt, mà bôlêrô lại có đường, chỉ vài câu là nó ngủ liền. Đừng như chị Hai bay, vừa lắc nôi vừa “sôi sục”: năm anh em trên một chiếc xe tăng... Hát vậy có ma nó ngủ”.
Lần nọ, vợ chồng Hương cùng đi đám cưới một người bạn. Hải được “em xi” bơm lên: Đây là giọng ca “đi cùng năm tháng”. Anh hát say sưa: Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo, em nhớ cho mùa thu đã chết rồi, mùa thu đã chết, em nhớ cho... Phải thừa nhận Hải có chất giọng khá trữ tình, hát hết mình nhưng chỉ có vài tiếng vỗ tay bụp xẹt. Có người nói tui mà hiểu lời hát chết liền. Có người phê bài này “tử khí” nhiều quá!
Đến lượt Hương, cô làm cho “hôn trường” đang ồn ào trở nên yên lặng với giọng ca ngọt như mía lùi, dìu dặt theo điệu của bôlêrô: Trò chơi trẻ con, em cô dâu mới chưa nghe nặng sầu, chú rể ngẩn ngơ ra hái hoa cà làm quà cưới cô dâu... Tiếng vỗ tay rào rào. Nhiều người huýt sáo yêu cầu: Hát nữa, hát nữa đi Hương!
Năm sau, Hương lại có điều kiện “luyện giọng” khi hát ru con. Vẫn là điệu bôlêrô với những câu hát sầu tình, buồn đời nhưng không làm ai ủ rũ. Có lần nửa khuya, giấc ngủ của Hải chập chờn trong tiếng hát vừa xa vừa gần của vợ. Khi tiếng hát ngưng lắng, anh chàng trở mình nói khẽ: “Hát nữa đi em”. Chẳng biết anh nói thật hay nói trong mơ.
Trần Cao Duyên
Bình luận (0)