Chẳng ai đã từng gặp, dù chỉ chốc lát mà có thể quên anh. Tự giễu mình với một giọng hài hước:
“Mặt sần sùi nhưng lương tâm nhẵn nhụi. Lưng hơi gù nhưng...tay thẳng tắp”, Xuân Hồng cũng tự ví mình như một thứ gỉ sắt, đi đâu cũng làm lây lan những tật xấu sang người khác...
Thứ gỉ sắt Xuân Hồng nhiễm sang người khác dễ nhận thấy nhất chính là những câu nói anh hay dùng.
“Có đúng như zậy hông?”
Khi anh công tác ở Đài Phát thanh- Truyền hình (PT-TH) Bắc Giang, chuyện đi nhậu nhưng lại nói với sếp là đi công tác ở Lục Nam đã trở thành biệt ngữ “đi Lục Nam”. Thế là mỗi khi anh muốn rủ ai đó trong cơ quan đi nhậu thì nhắn tin, gọi điện bảo “đi Lục Nam tí nhé!”.
Cả cái câu anh nhại lại trên phim bằng giọng Nam Bộ: “Có đúng như zậy hông?” mấy đứa nhỏ nhà tôi, cứ trông thấy bác Xuân Hồng là hét tướng: “Có đúng như zậy hông?”, tức thì anh nhoẻn cười rồi bỗng nghiêm mặt hét: “Đúng như zậy!”. Mấy bác cháu cười như nắc nẻ.
Cái câu ấy còn lây lan sang nhiều người, kể cả bà chủ quán Tung Sinh, cứ thấy Xuân Hồng hỏi “Có đúng như zậy hông?” là ứng đối liền: “Đúng như zậy!”. Có lần tôi và Xuân Hồng bước vào cửa quán, Xuân Hồng bảo chị Sinh chủ quán: “Sinh ăn… (câu này nói nhỏ), rồi hỏi tiếp “Có đúng như zậy hông”. “Đúng như zậy!”- chị Sinh dõng dạc.
Phong thái, cử chỉ, lời nói của Xuân Hồng hấp dẫn người nghe, lôi cuốn người ta với sức hút khá đặc biệt. Ở bên anh, kể cả những người “đầu gấu”, ít học hành cũng được trân trọng và họ bỗng trở nên khác hẳn ngày thường.
Sức hấp dẫn ấy không phải chỉ là sự khua môi múa mép, thao thao bất tuyệt mà bởi một Xuân Hồng biết trò chuyện, biết lắng nghe, biết pha trò và khi ngẫu hứng lên trở thành một nghệ sỹ, đọc thơ và hát.
Giọng của anh cũng giống như thứ chữ viết khỏe khoắn, mạch lạc nhưng lại đầy ắp xúc cảm. Tôi vẫn thường tự hào khoe với anh em bạn hữu về Xuân Hồng. Trong bàn tiệc, có Xuân Hồng mọi thứ cao lương mỹ vị dễ thành vô vị, bởi người ta bị cuốn hút theo anh, thế là tất cả chỉ nói cười, hát và uống.
Xuân Hồng hay hát nhại bài “Làng quan họ quê tôi” của Nguyễn Trọng Tạo thành: “Làng văn nghệ quê tôi, tháng giêng không có tiền, tháng hai không có rượu, ba tháng liền anh đành treo chai, treo xong rồi anh lại nghiêng chai. Làng văn nghệ quê tôi, những ngày tiền đầy túi, uống đi rồi uống mãi hết năm chai, mười chai. Uống cho say hết tiền... lại vay. Người ơi rượu hay là bia hơi. Cái chi chi cũng mặc. Cao gạo chớ coi thường. Say đi rồi say mãi ấy văn nghệ ngồi mà là ngồi khen nhau, ấy khi say rồi là ngồi chê nhau...ớ ơ”.
Tật xấu rõ nhất của Xuân Hồng là nhậu không chịu ăn. Ngồi cả buổi mà bát vẫn cứ trắng bong.
Nhậu lười ăn nhưng đầu anh luôn chăm “sản xuất” ý tưởng mới. Đọc mấy bài “ Mây mây ký sự”, “Tám ngày ngất ngưởng” tôi viết về “nạn” nhậu ở Bắc Giang, anh liền bảo sao báo Tiền Phong không mở chuyên mục 365 độ ngất ngưởng để phản ánh những chuyện bi hài trong và sau những cuộc nhậu. Và đêm đó, anh viết thư gửi Tổng biên tập Tiền Phong, đề nghị mở chuyên mục “365 độ ngất ngưởng”.
Xuân Hồng là vậy. Luôn ngẫu hứng và cũng rất trách nhiệm. Mỗi khi nổi hứng thi ca, là bút anh lại tuôn chảy. Thơ viết vào vỏ bao thuốc lá, mặt sau của một cái giấy mời họp hay trên một tờ lịch cũ. Những lúc rỗi hay khi “có tâm trạng”, Xuân Hồng thường rủ tôi lên vườn tượng của nhà thơ Anh Vũ. Ở đó bao giờ cũng có rượu, bánh đa Kế tích trữ trong chum trong phạng.
Phim nào Xuân Hồng làm cũng thấy có lửa. Lửa thật. Lửa trong khuôn hình. Lửa trong lời bình và nhất là lửa từ cái giọng thể hiện lời bình rất đặc trưng của anh. |
Xuân Hồng làm phim rất nghệ: Không bao giờ cần kịch bản. Để nhân vật diễn tự nhiên nhất, đôi khi anh hay dặn anh em trong ê kíp: “Khi nào tao bảo cắt nghĩa là cứ quay tiếp”. Phim nào Xuân Hồng làm cũng thấy có lửa. Lửa thật. Lửa trong khuôn hình. Lửa trong lời bình và nhất là lửa từ cái giọng thể hiện lời bình rất đặc trưng của anh. Có người hỏi bí quyết lấy hơi thế nào để đọc cho hay, anh bảo: Phải lấy hơi từ trái tim...
Làm phim như thế nên anh đã lôi về cho Bắc Giang cả rổ huy chương vàng từ các liên hoan phim, giải báo chí quốc gia như Huy chương vàng với tác phẩm Đây là đài phát thanh bản gà, Người lái đò trên sông An Bá...
Lại nói về chuyện huy chương, anh em bên đài vẫn kể cho tôi nghe cái buổi họp cơ quan trong phòng truyền thống của đài. Xuân Hồng đi một vòng gõ gõ và ghé tai vào từng chiếc huy chương để nghe rồi sau đó đưa lên miệng cắn và bảo: “Cái này là vàng thật, cái này là vàng giả...”.
“Thêm một chiếc lá rụng”
“Em có biết Trần Hoà Bình không?”- Anh hỏi. Tôi nói có biết anh ấy là tác giả bài thơ Thêm một nổi tiếng và cũng là người phụ trách chuyên mục Tầm Thư của báo Tiền Phong. Lát sau anh bảo: “Trần mất rồi em ạ!”. Rồi anh kể: Tuần trước, Trần có điện bảo sẽ lên Bắc Giang chơi nhưng vì anh đang bận làm truyền hình trực tiếp giải bóng đá thiếu niên nhi đồng của tỉnh nên khất Trần đến tuần sau. Vậy là không có tuần sau nữa. Trần đi Nam Định và đi mãi...
Xuân Hồng lấy thêm một cái chén, để vào đĩa, rót rượu vào. Cứ mỗi lần chúng tôi uống cạn, anh lại rót thêm rượu vào cái chén mà anh bảo “của Trần”. Buổi trưa anh chạy qua chỗ tôi, bảo gõ giúp anh bài thơ này và chuyển về tòa soạn xem có đăng được không. Bài thơ ấy lấy tiêu đề là câu đầu tiên trong bài Thêm một của Trần Hòa Bình: “Thêm một chiếc lá rụng”.
Trong bài thơ của Xuân Hồng khóc bạn có câu về những chén rượu buổi sáng: “Rượu đắng lắm nhưng ai cũng cạn/ Chén Bình rượu mãi còn rơi”.
Sáng hôm sau, Tiền Phong dành một trang viết về Trần Hòa Bình. Bài thơ Thêm một chiếc lá rụng của Xuân Hồng đăng song đôi cùng bài thơ Thêm một của Trần Hòa Bình. Cầm tờ báo anh buột miệng: “Trông như hai cái quan tài ấy nhỉ? Trần rủ anh đi cùng rồi”. Tôi trợn mắt bảo anh đừng có mà gở mồm gở miệng. Vậy mà, anh Bình đi chưa được hai năm thì Xuân Hồng cũng đi theo thật.
Về chuyện nói gở, Xuân Hồng đã làm cho tôi và vợ chồng họa sỹ Văn Tơn một phen hú vía. Cả nhà đang ăn cơm, Xuân Hồng nâng ly rượu lên bảo: “Đây là buổi rượu cuối cùng với các em. Đêm nay anh đi”. Lúc đầu mọi người đều bảo anh đừng nói linh tinh, dở người. Nhưng Xuân Hồng thì nghiêm mặt nói cứng: “Cô Xuân! (vợ anh Văn Tơn) Có bao giờ anh nói dối cô không. Anh biết mệnh mình không qua được đêm nay”. Rồi khóc.
|
Cũng từ chuyện anh hay nói gở, nên nhiều người cho rằng hai tập thơ của anh có tên Nước mắt đòng đong và Bây giờ cơm nắm cũng là điềm gở, nước mắt và đau thương. Khi anh tặng tôi tập Nước mắt đòng đong mới in và nói tập thứ hai sẽ là Bây giờ cơm nắm, tôi nổi hứng vận mấy câu “Bây giờ cơm nắm/Bao giờ sấu non/ Bây giờ xa cách/ Bao giờ sắt son”.
Hóa ra xa cách thật. Mới hôm nào đây thôi, khi anh vẫn còn ở bệnh viện, dù bệnh nan y mà vẫn nhoẻn cười, mang thơ tặng mọi người.
Vậy mà hôm nay đã tròn trăm ngày âm dương cách biệt.
“Giá như ta được ví như. Giá như ta đừng thêm một” (*)
_____
(*) Thơ Xuân Hồng viết cho Trần Hòa Bình
Cuối thu 2010
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)