Ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương cho biết, nhà đầu tư Nhật đã đặt vấn đề hợp tác khai thác đất hiếm với Bộ Công thương, nhưng đây là lĩnh vực khai thác khoáng sản có điều kiện, nên phải được chủ trương đồng ý của Chính phủ. Tuy nhiên, theo ông Quân, việc hợp tác với Nhật Bản là cơ hội lớn cho VN. “Chúng ta mới chỉ khai thác một khối lượng rất ít đất hiếm vì không có thị trường đầu ra cũng như thiếu công nghệ. Quan điểm của VN là hợp tác khai thác, Nhật Bản vừa có công nghệ cao vừa là thị trường tiêu thụ đất hiếm lớn”, ông Quân nói. Ông Quân cũng cho biết, Nhật Bản là đối tác cung cấp vốn ODA lớn cho VN, qua đề án này Bộ cũng đã đặt vấn đề muốn phía Nhật Bản hỗ trợ ODA cho phát triển các vùng khó khăn ở Lai Châu. Về cơ bản, Nhật Bản đã đồng ý phương án này.
GS Nguyễn Khắc Vinh, Chủ tịch Tổng hội Địa chất VN cho rằng, nếu chỉ khai thác đất hiếm để bán thô không kinh tế, nhưng nếu chế biến sâu, giá trị sẽ tăng cao rất nhiều lần, lên tới hàng triệu USD/tấn. Tuy nhiên, công nghệ chế biến sâu rất phức tạp, không phải nước nào cũng làm được.
Theo khẳng định của Cục Địa chất và Khoáng sản VN, VN không bán thô đất hiếm. Trước mắt, đối với mỏ mới cấp ở Lai Châu, bắt buộc TKV và các đối tác phải xây nhà máy tiến hành chế biến. Tất cả các mỏ cấp sau này cũng sẽ phải tuân thủ nguyên tắc này. Bên cạnh đó, vì hàm lượng chất phóng xạ trong đất hiếm ở khu vực Tây Bắc cao, có thể thu lại như một loại khoáng sản đi kèm, không để lãng phí.
Lo ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe
Theo Cục Địa chất và Khoáng sản VN, cho đến thời điểm này, VN chưa khai thác đất hiếm. Hiện nay mới chỉ điều tra thăm dò xong đối với 1 mỏ trên Lai Châu, 3 - 4 mỏ khác đang chuẩn bị các thủ tục xin cấp phép điều tra đánh giá. Tuy nhiên, phải 1 - 2 năm nữa thì VN mới chính thức khai thác đất hiếm. Chắc chắn, trong tương lai, VN sẽ khai thác đất hiếm trên quy mô lớn. Đất hiếm khai thác được, một phần nhỏ để tiêu thụ trong nước, còn phần lớn là xuất bán cho các nước, trong đó chủ yếu là Nhật Bản.
Theo GS Vinh, công nghệ khai thác đất hiếm không quá phức tạp. Đất hiếm được khai thác lộ thiên. Tuy nhiên, khai thác đất hiếm sẽ tác động không nhỏ đến môi trường, đặc biệt là nguy cơ làm phát sinh nguồn phóng xạ, nếu không có biện pháp xử lý triệt để, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. “Nhiều nước trên thế giới đã dừng khai thác đất hiếm ngoài lý do không cạnh tranh được về mặt giá cả với Trung Quốc còn bởi vì ô nhiễm môi trường”, ông Vinh nói.
VN có trữ lượng đất hiếm trong top 5 thế giới GS Nguyễn Khắc Vinh, Chủ tịch Tổng hội Địa chất VN cho biết, đất hiếm gồm 17 nguyên tố được sử dụng trong các ngành công nghiệp trọng điểm, đặc biệt là những ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ cao như hạt nhân, hàng không - vũ trụ, vật liệu siêu dẫn, luyện kim... Sở dĩ đất hiếm có những ứng dụng to lớn như vậy là do tính chất không độc hại và các tính năng hóa lý không thể thay thế. Tổng trữ lượng đất hiếm trên thế giới khoảng 99 triệu tấn. Mỗi năm, các nước trên toàn thế giới sản xuất tổng cộng khoảng 125 ngàn tấn đất hiếm. Tổng tài nguyên dự báo khoảng 8 - 9 triệu tấn, trong đó trữ lượng thăm dò gần 1 triệu tấn. Còn theo Cục Địa chất khoáng sản VN, tài nguyên đất hiếm ở VN được xác định là rất lớn, đứng trong top 5 thế giới, chủ yếu phân bố ở vùng Tây Bắc, trong đó có Lai Châu và Yên Bái. |
Quang Duẩn - Mai Thu
Bình luận (0)