Những vấn đề được các ĐB tập trung thảo luận là khái niệm mua, bán người, hành vi mua bán người và các hành vi liên quan đến mua bán người; các biện pháp phòng ngừa mua bán người; việc phát hiện, xử lý hành vi mua bán người, hành vi liên quan đến mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; các biện pháp bảo vệ nạn nhân...
Khó chính danh
Về tên gọi của luật, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng tên luật phải là Luật phòng, chống buôn bán người để thể hiện được tính trục lợi của hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có nhiều tình huống đặc biệt, phạm tội độc ác, thiếu tính nhân văn; hơn nữa, đa phần các nước trên thế giới đều sử dụng khái niệm buôn bán người trong các luật tương tự.
Cũng chia sẻ quan điểm này, ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) cho rằng “cần cân nhắc tên luật là Luật phòng, chống mua bán người hay Luật phòng, chống buôn bán người. Khái niệm này cần phân biệt so với quy định tại Điều 119 của Bộ luật hình sự được sửa đổi năm 2009. Cân nhắc về mặt từ ngữ tuy nhiên có tính đến nội hàm của từ mua bán và buôn bán. Mua bán có tính chất đơn lẻ, buôn bán có tính chất lặp đi lặp lại và có tính tổ chức. Ngoài ra, mua bán sẽ không bao gồm các hành vi như tuyển mộ, chứa chấp. Vì vậy, cần sửa tên luật thành Luật phòng, chống buôn bán người”.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) lại cho rằng việc dùng tên Luật phòng, chống mua bán người là hợp lý.
Giải thích về vấn đề này, ĐB Thuyết nhấn mạnh “hành vi buôn bán người thực chất cũng là mua bán người nhưng với quy mô lớn và có tính tổ chức, chuyên nghiệp cao hơn, thậm chí là có tổ chức xuyên quốc gia (buôn bán) như quy định trong Công ước TOC và Nghị định thư kèm theo. Nếu luật này chỉ phòng, chống những hành vi buôn bán người thì sẽ bỏ sót một nhóm hành vi mua bán người đơn lẻ, không mang tính chuyên nghiệp hoặc mang tính chất đồng phạm đơn giản mà theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành đã cấu thành tội mua bán người hoặc tội mua bán trẻ em. Do vậy, tên luật nên được quy định là Luật phòng, chống mua bán người”.
Luật hay nghị quyết?
Khẳng định đây là một loại hình luật chuyên ngành, mới, nhưng dự án luật này mới dừng lại ở dạng hướng dẫn, tuyên truyền, tư vấn, chưa phải là quy phạm pháp luật bắt buộc mọi người phải thực hiện, ĐB Nguyễn Bá Thiều (Hải Phòng) nhận xét dự án luật này thiếu những chế tài cụ thể, xét xử hay xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo luật nào (Bộ luật hình sự, Pháp lệnh khiếu nại tố cáo, Luật tố tụng hành chính…) còn chưa có quy định rõ ràng, không đề cập chi tiết việc áp dụng theo điều, khoản nào của các luật liên quan được viện dẫn.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng đồng tình ý kiến khi cho rằng “tính đồng bộ của luật bị chồng chéo khi liên quan đến nhiều luật, pháp lệnh khác nhau với cùng một nội dung, khái niệm, định nghĩa. Điều đó là không cần thiết, thay vào đó, ban soạn thảo nên nghiên cứu lại, viết chặt chẽ, sâu sắc, quy định rõ ràng tổ chức, cá nhân nào liên quan đến hành vi mua, bán người sẽ bị xử lý như thế nào; bộ, ngành, tổ chức nào có trách nhiệm cụ thể ra sao trong việc phòng chống mua, bán người…”.
ĐB Phùng Thanh Kiểm (Lạng Sơn) nhận xét “luật chưa phải là luật, mà là nghị quyết cũng không phải. Nếu là luật thì phải quy định trách nhiệm của Nhà nước, bộ, ngành, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động mua, bán người cụ thể như thế nào; chế tài, tiêu chí, phương thức xử lý các hành vi vi phạm pháp luật phải được nêu rõ trong từng chương, điều, khoản thay vì viện dẫn chung chung các luật, pháp lệnh có nội dung liên quan, gây chồng chéo phạm vi điều chỉnh.
“Dự án luật cũng chưa toát lên chính sách của Nhà nước đối với vấn đề mua, bán người, chính sách hợp tác quốc tế trong việc phòng chống hành vi này. Dự án luật này khó có thể đưa vào biểu quyết với nội dung sơ sài như hiện tại, mà cần viết lại, bổ sung chi tiết các điều, khoản, chế tài… cụ thể, để tránh việc đứng giữa tầng của luật và nghị quyết”, ĐB Phùng Thanh Kiểm nói.
Thành Lương
Bình luận (0)