Ngày 22-10 vừa qua đánh dấu một cột mốc quan trọng cho ngành du lịch không gian của tư nhân. VSS Enterprise, chiếc phi thuyền có khả năng chở 6 du khách, đã thoát khỏi tàu mẹ WhiteKnightTwo ở độ cao 13.700 m, thực hiện một chuyến bay lượn độc lập 11 phút trước khi đáp an toàn xuống đường băng cảng hàng không vũ trụ Spaceport America ở New Mexico, Mỹ, trong sự hân hoan của hàng ngàn khách.
Richard Branson (bìa phải) và Bill Richardson, Thống đốc bang New Mexico, trước nhà ga cảng Spaceport America. Bên trên là chiếc tàu mẹ bồng con WhiteKnightTwo đang bay lượn - Ảnh: EPA |
Cơ trưởng Peter Siebold phấn khởi tuyên bố: “Lái chiếc VSS Enterprise thật thú vị. Nó không chỉ là một phi thuyền đạt tốc độ Mach 3,5 (bay nhanh gấp 3,5 lần tốc độ âm thanh) có thể bay cận quỹ đạo trái đất mà còn có khả năng bay lượn ở độ cao nhất thế giới”.
Đã có 380 khách đặt mua vé
Trong số quan khách chứng kiến sự kiện quan trọng nói trên có tỉ phú Anh Sir Richard Branson, ông chủ Công ty Virgin Galactic. Chiếc VSS Enterprise sẽ là phương tiện chuyên chở khách du lịch không gian của công ty. “Hôm nay là một ngày hết sức đặc biệt đối với cá nhân tôi. Giấc mơ của chúng tôi đã thành sự thật. Mọi người bây giờ chắc đã tin lời tôi nói”- Branson hướng về 380 người đã đóng tiền cọc mua vé 200.000 USD/người tuyên bố một cách hân hoan.
Nằm cách thị trấn Las Cruces, bang New Mexico, 72 km, cảng Spaceport America có đường băng dài 3,2 km, rộng 60 m được thiết kế hỗ trợ các phương tiện hiện đại của ngành du lịch không gian. Đây là cơ sở hạ tầng được đầu tư 198 triệu USD để phục vụ loại hình du lịch đặc biệt này. Cảng này sẽ được khánh thành vào năm tới sau khi hoàn thành hạng mục cuối cùng của công trình.
Spaceport America không phải là cảng tư nhân duy nhất ở Mỹ. Viễn cảnh du lịch không gian đầy hứa hẹn là động lực để nhiều công ty nhảy vào xây cất cảng hàng không vũ trụ ở bang California, Oklahoma, Florida, Virginia, Alaska, Wisconsin trên đất Mỹ, ở Thụy Điển và cả Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Virgin Galactic là công ty đầu tiên thuê cảng Spaceport America để thực hiện chuyến bay du lịch không gian đầu tiên vào cuối năm 2011 hoặc chậm nhất vào cuối năm 2012, theo dự kiến của công ty. Ngoài Virgin Galactic, nhiều công ty du lịch khám phá vũ trụ của tư nhân khác cũng đã đăng ký thuê cảng Spaceport America.
Từ nhà giàu đến “dân dã”
Khái niệm du lịch không gian mang tính thương mại chỉ được biết đến từ ngày 28- 4-2001, khi Dennis Tito, một tỉ phú Mỹ, trở thành du khách thám hiểm vũ trụ đầu tiên trên thế giới. Thông qua công ty môi giới Mỹ Space Adventure, ông Tito được Cơ quan vũ trụ Nga (RSA) biên chế vào nhóm phi hành gia hỗn hợp Nga-Mỹ đi trên tàu vũ trụ Soyuz TM-32 bay lên trạm không gian quốc tế ISS. Chuyến đi vỏn vẹn 9 ngày nhưng Tito phải bỏ ra không dưới 20 triệu USD (400 tỉ đồng).
Từ đó đến năm 2009, đã có thêm 8 tay chơi tỉ phú Mỹ, Nam Phi và Canada làm du khách. Sau đó, RSA, cơ quan duy nhất hiện nay thực hiện các chuyến bay kết hợp với du lịch không gian, tạm ngưng các chuyến bay chở thêm du khách lên trạm ISS vì số người trên trạm không gian đã tăng gấp đôi, từ 3 lên 6 người, không còn chỗ cho du khách dân sự. Nhưng RSA cho biết sẽ nối lại chương trình du lịch không gian dành cho khách lẻ vào năm 2012.
Sir Richard Branson đã tiếp thị chương trình thương mại du lịch không gian của mình từ năm 2007. Lúc đó phi thuyền SpaceShipOne còn trong giai đoạn bay thử và đang hoàn thiện. Chiếc tàu mẹ WhiteKnightOne bồng con SpaceShipOne, tiền thân của VSS Enterprise, cũng chưa hoàn chỉnh. Vậy mà lúc đó đã có gần 200 người đăng ký giữ chỗ trước.
Giá vé du lịch không gian của hãng Virgin Galactic phục vụ khách hàng thuộc loại “dân dã phổ thông” hiện nay được xác định là 200.000 USD, rẻ hơn 100 lần so với giá của RSA. Theo ông Branson, giá vé có thể giảm còn 20.000 USD khi ngành du lịch không gian phát triển mạnh.
Nói chung, với giá 200.000 USD hoặc 20.000 USD, tất nhiên không thể chở du khách bay tới trạm ISS và ở lại trên đó cả tuần như các tay chơi tỉ phú nói trên.
Phi thuyền VSS Enterprise chở 6 du khách và 2 phi công sẽ bay lên cao tối đa 109,73 km so với 100 km là biên giới giữa trái đất và không gian vũ trụ.
Giấc mơ thời thơ ấu
Du khách chỉ phải trải qua 3 ngày tập luyện trước khi lên đường. Chuyến bay sẽ kéo dài 2 giờ 30 phút, du khách sẽ có cơ hội làm nhà du hành vũ trụ bay lơ lửng từ 3 - 6 phút trong tình trạng không trọng lực, nhìn ngắm trái đất và bầu trời nhấp nháy cả triệu vì tinh tú qua cửa sổ phi thuyền.
Hiện nay, Virgin Galactic đã nhận được hơn 50 triệu USD tiền cọc của 380 du khách. Điều này chứng tỏ sức hấp dẫn của chương trình du lịch không gian, “một giấc mơ mà ai cũng từng mơ hồi còn bé”, như George Whitesides, giám đốc điều hành Virgin Galactic, thổ lộ khi chứng kiến chiếc VSS Enterprise hạ cánh an toàn xuống Spaceport America.
Virgin Galactic hy vọng trở thành công ty cung cấp dịch vụ du lịch không gian đầu tiên thực hiện đều đặn các chuyến bay theo định kỳ. Sân bay nhà của công ty là Spaceport America, bang New Mexico Mỹ, hoặc Kiruna, Thụy Điển.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)