Lãnh đạo Sở GTVT cho biết từ đầu năm 2010 đến nay Sở đã có gần 100 văn bản gửi các cơ quan, đơn vị có liên quan, chủ đầu tư, ban quản lý dự án để chấn chỉnh tình hình thi công nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Ngoài ra, còn có nhiều văn bản nhắc nhở cụ thể từng chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các đơn vị liên quan để khắc phục những hư hỏng, lún sụp mặt đường... Nhưng kết quả là số vụ sụp lún, tai nạn không những giảm mà còn gia tăng chóng mặt.
Thanh tra giao thông bị “trói tay”?
Về vấn đề này, ông Trần Hồng Nam, Phó chánh thanh tra Sở GTVT than phiền, khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý hạ tầng hiện nay là do một số quy định trong Nghị định 23 của Chính phủ về “xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản..." không quy định thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của các cơ quan thanh tra chuyên ngành khác mà chỉ quy định thẩm quyền xử phạt của Thanh tra Xây dựng và UBND các cấp. Do đó, kể từ ngày 1.5.2009, ngày Nghị định 23 có hiệu lực đến nay, lực lượng thanh tra chuyên ngành GTVT của TP không có thẩm quyền chế tài đối với các vi phạm hành chính hoạt động xây dựng như thi công công trình cầu, đường bộ không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật; tái lập mặt đường không đảm bảo kết cấu; không thực hiện duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa công trình cầu, đường bộ theo trách nhiệm được giao... "Nghị định 23 đã trói tay thanh tra GTVT", ông Nam nói.
396 đơn vị còn nợ tiền phạt Sở GTVT cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2010, Thanh tra GTVT đã xử phạt 861 trường hợp vi phạm trong thi công đường bộ với số tiền gần 3,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện nay còn 396 đơn vị thi công bị phạt vẫn chưa chấp hành quyết định xử phạt, với tổng số tiền trên 8,5 tỉ đồng. Để chấn chỉnh, kể từ nay, Sở GTVT không cấp phép thi công, hoặc gia hạn giấy phép đối với các đơn vị chưa khắc phục vi phạm và chưa nộp phạt. |
Phải chịu trách nhiệm hình sự
Trở lại với các sự cố thời gian qua, ngày 26.10, Giám đốc Sở GTVT đã yêu cầu các đơn vị quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp kiểm tra, xử lý những công trình ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.
Trong đó, Chủ tịch UBND quận - huyện phải chỉ đạo lực lượng Thanh tra Xây dựng kiểm tra toàn bộ vỉa hè được phân cấp quản lý, sửa chữa ngay việc hầm ga thấp hơn hoặc cao hơn vỉa hè, xử lý việc người dân tự ý vuốt nối vỉa hè gây ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước và gây mất an toàn giao thông. Chủ tịch UBND quận - huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP nếu để xảy ra sự cố trên các tuyến đường, vỉa hè được phân cấp quản lý. Các ban quản lý, chủ đầu tư khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống phui đào, xử lý ngay những vị trí có nguy cơ lún sụp trên đường. Đặc biệt, ban quản lý, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm đền bù mọi thiệt hại cho các bên liên quan và chi phí khắc phục để trả lại nguyên trạng cho những công trình đường bộ; nếu gây ra sự cố nghiêm trọng hoặc tai nạn giao thông chết người phải chịu trách nhiệm hình sự.
Đình Mười
Bình luận (0)