Vụ bài báo khoa học bị rút khỏi tạp chí quốc tế vì đạo văn: Trách nhiệm thuộc về ai?

28/10/2010 18:22 GMT+7

Một số diễn biến xung quanh vụ việc này đặt ra vấn đề khi bài báo đứng tên nhóm tác giả thì trách nhiệm thuộc về tập thể hay chỉ một cá nhân? >> Bài báo khoa học bị rút khỏi tạp chí quốc tế vì đạo văn

Viện Vật lý TP.HCM: Đã cho ông Lê Đức Thông nghỉ việc

Sáng 27.10, PV Thanh Niên đã trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó viện trưởng, Trưởng phòng Vật liệu mới và Vật liệu cấu trúc Nano của Viện Vật lý TP.HCM. Ông Tuấn cho biết: “Viện có biết thông tin bài báo này được đăng trên các tạp chí trên. Ngay sau khi bài báo được đăng không lâu (đầu năm 2010), chính tạp chí trên đã gửi thư thông báo về việc bài viết có sao chép của người khác. Sau đó, chúng tôi đã tiến hành xử lý ngay. Trường hợp của anh Lê Đức Thông, sau khi xem xét Viện đã có quyết định cho nghỉ việc, ông Nguyễn Mộng Giao thì chỉ góp ý ở góc độ cá nhân. Đây là hướng nghiên cứu cá nhân và không phải đề tài nghiên cứu của Viện nên Viện không quản lý việc gửi bài này. Tuy nhiên, Viện tự thấy cũng có một phần trách nhiệm, vì ở thời điểm đó các tác giả này vẫn là người của Viện”.

Ông Tuấn thông tin thêm ông Lê Đức Thông tốt nghiệp trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, đã tham gia cộng tác nghiên cứu với Viện từ năm 2004, và đến năm 2008 thì được vào biên chế. Đến đầu năm 2010, ông Thông chính thức nghỉ việc tại Viện.

Nhóm tác giả Lê Đức Thông, Nguyễn Mộng Giao và Trần Văn Hùng cũng có gửi một bài báo với tựa đề Constraining the cosmological time variation of the fine-structure constant (Tạm dịch: Buộc các biến thời gian vũ trụ của hằng số đẹp) cho tạp chí Monthly Notices of the Royal Astronomical Society. Chỉ số Impact Factor (IF) của tạp chí này năm 2009 là 5,103, xếp hạng 8/52 tạp chí quốc tế về thiên văn học và vật lý thiên văn. Tuy nhiên, Tổng biên tập của tạp chí này đã có thư gửi tác giả thứ nhất khẳng định bác bỏ bài báo đã nộp do sao chép nhiều từ các bài báo khác. Cuối thư, còn có đoạn: “...chúng tôi bác bỏ bài này và, hơn nữa, sẽ không xem xét bất cứ bài nào mà ông gửi đến cho tạp chí”.

Chia sẻ với chúng tôi sáng 28.10, tiến sĩ Tạ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Vật lý TP.HCM cho biết thêm: “Trong thư của các tạp chí gửi tới Viện, họ thông báo rằng nội dung của bài báo trên hoàn toàn sao chép, không có gì mới cả. Sau khi xử lý sự việc, chúng tôi cũng đã gửi thư xin lỗi các tờ tạp chí trên”.

Có phải lá thư của ông Thông?!

Tiếp xúc với chúng tôi, tiến sĩ Nguyễn Mộng Giao và Trần Văn Hùng đều cho rằng sau khi sự việc xảy ra, ông Lê Đức Thông có gửi thư xin lỗi đến lãnh đạo cơ quan của các ông.

Bức thư được tiến sĩ Giao trình ra là chữ viết tay, được cho là của ông Lê Đức Thông ký vào tháng 5.2010 gửi cho tiến sĩ Tạ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Vật lý TP.HCM. Nội dung thư có đoạn: “Thầy Nguyễn Mộng Giao khi nhận em về Viện Vật lý TP.HCM đã ra cho em bài toán về hằng số tương tác. Đây là bài toán rất hay. Em đã làm được một phần và em đã viết thành một bài báo định gửi đi đăng. Nhưng khi đưa cho thầy Giao xem lại, thầy bắt sửa đi sửa lại nhiều lần. Em đã rất nản nên đã gửi đi và được đăng ở EuroPhysics Letters”.

Bức thư gửi cho tiến sĩ Trần Văn Hùng lại được chuyển qua thư điện tử, đánh máy, có chữ ký gửi ông Trần Khắc n - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ TP.HCM ngày 28.10.2010. Thư có đoạn: “Sự việc liên quan đến bài báo Was the fine-structure constant variable over cosmological time? đăng trên tạp chí EPL, 87(2009)69002 đã làm liên lụy đến các đồng tác giả trong đó có anh Trần Văn Hùng, cán bộ của trung tâm. Sự thật, bài báo này đã được đăng vì các kết quả khoa học là hoàn toàn mới và rất tốt. Tuy nhiên, sau khi đăng một thời gian, một số người đọc thấy có một số chỗ dùng lời văn từ những bài báo khác mà không trích dẫn. Sự cố này tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm và khẳng định không liên quan đến anh Trần Văn Hùng”.

Vấn đề đặt ra ở đây là cùng một tác giả Lê Đức Thông nhưng 2 lá thư có 2 chữ ký khác nhau hoàn toàn (?). Chúng tôi cũng đã tìm mọi cách liên lạc với ông Lê Đức Thông đã tìm hiểu vấn đề này nhưng đều không được.

Đạo văn là vấn đề văn hóa

Phải chăng đạo văn có nguồn gốc từ văn hóa? Vì rõ ràng là các nước châu Á có thói quen đạo văn cao hơn nhiều so với các nước u-Mỹ. Và cả người đạo lẫn người bị đạo đều... xem đó là việc bình thường. Khi đa số ai cũng đạo văn, và nghĩ rằng việc ấy có gì đâu mà rộn, nó cũng bình thường thôi (!), thì điều đó nếu không gọi là văn hóa đạo văn thì gọi là gì chứ? Nếu vậy, rõ ràng là châu Á có văn hóa đạo văn. Cái này không chỉ tôi nghĩ, mà nhiều người đã viết như vậy.

Có một bài viết nói về đạo văn ở Hàn Quốc. Đáng lưu ý là phân biệt các loại đạo văn, trong đó có "tự đạo văn" (self-plagiarism) tức là cùng một ý tưởng/câu chữ của mình nhưng sử dụng nhiều lần ở nhiều nơi mà không có trích dẫn; và đứng tên "đồng tác giả" (co-authorship) mà thực ra chẳng có đóng góp công sức bao nhiêu vào tác phẩm. Hai loại đạo văn trên ở VN vô cùng phổ biến, và theo tôi thì cho đến nay chưa thấy ai phản ứng về mấy việc này cả! Có phải lại là vấn đề văn hóa đó chăng?

Có thể tin đạo văn là một vấn đề văn hóa. Và để thay đổi một yếu tố văn hóa thì rõ ràng không hề dễ, phải có những giải pháp đồng bộ và sự kiên trì.

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh
Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM

Một số tiêu chuẩn của chức danh giáo sư, phó giáo sư

- Có bằng tiến sĩ từ đủ 36 tháng trở lên kể từ ngày có quyết định cấp bằng tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ.

- Có đủ số công trình khoa học quy đổi theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, trong đó có ít nhất 50% số công trình khoa học quy đổi từ các bài báo khoa học và 25% số công trình khoa học quy đổi được thực hiện trong ba năm cuối tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ. (Các công trình khoa học được công bố ở trong nước hoặc nước ngoài, chấm điểm từ 0-2 điểm với độ lệch 0,25 điểm )

- Biên soạn SGK, tài liệu tham khảo giảng dạy đại học...

(Nguồn Bộ GD-ĐT)

Thùy Ngân - Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.