Bộ sưu tập côn trùng và bí ẩn Ấn Độ xưa

30/10/2010 20:43 GMT+7

Bộ sưu tập lớn các loài côn trùng như ong, mối, nhện, ruồi, kiến có niên đại chừng 53 triệu năm trước đã thách thức lý thuyết giả định về lịch sử xa xưa của Ấn Độ.

Các loài côn trùng này - mắc kẹt trong các khối hổ phách - cho thấy Ấn Độ không hoàn toàn tách rời khỏi phần còn lại của thế giới trước khi nhập vào lục địa châu Á.

Trong một thời gian dài, khi Ấn Độ còn là một hòn đảo, vẫn có một dòng các sinh vật nhỏ dịch chuyển giữa Ấn Độ và các vùng đại lục. Các nhà khoa học phát hiện hơn 700 loài côn trùng chân đốt, chân khớp trong các khối hổ phách thu thập ở vùng bờ biển tỉnh Gujarat phía tây bắc Ấn Độ. Chúng bị mắc kẹt và rồi được bảo quản rất tốt trong nhựa của một loài cây có quan hệ gần với loài gỗ thân cứng mà hiện nay đang bao phủ 80% tán rừng ở Đông Nam Á.

Phân tích khoa học cho thấy các loài côn trùng này có quan hệ với đồng loại ở vùng đất khác như Bắc u, châu Á, Trung Mỹ và thậm chí là châu Úc. Đây là một phát hiện gây kinh ngạc vì theo lý thuyết, Ấn Độ từng là vùng đất bị cô lập trong vòng 100 triệu năm, thời gian đủ để có sự tiến hóa phát triển những loài riêng tại nơi này. Báo Daily Mail dẫn lời giáo sư Jes Rust (Đại học Bonn, Đức) rằng chính những loài côn trùng mắc kẹt trong nhựa cây này sẽ soi một luồng ánh sáng mới vào lịch sử của tiểu lục địa.

Trước đây, Ấn Độ được cho là đã "vỡ ra" từ Đông Phi vào khoảng 160 triệu năm trước. Rồi nó trôi tự do, mỗi năm dịch chuyển chừng 20 cm trước khi va vào châu Á chừng 50 triệu năm trước. Sự va chạm này là nguyên nhân tác động đến lớp vỏ trái đất làm nó "nhăn" lại và tạo thành dãy Himalaya.

Tạ Xuân Quan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.