Tham dự lễ phát động có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu; bà Trần Thị Bích Thủy, Phó trưởng ban Dân vận T.Ư và 1.500 bạn trẻ đại diện cho các đội hình, loại hình phong trào TNTN cả nước…
Không phải chờ đến khi có sự kêu gọi của đồng bào miền Trung, trong chương trình "Tình nguyện mùa đông", Hội LHTN Việt Nam đã đặt ra nội dung trọng điểm là tình nguyện khắc phục hậu quả lũ lụt ở miền Trung với 8 đội hình TNTN, tập trung vào nhiệm vụ: cứu hộ, vận động ủng hộ lương thực, thực phẩm cứu trợ đồng bào lũ lụt; tiếp sức, hỗ trợ trẻ em đến trường thông qua việc làm sạch trường lớp, tặng sách, vở và dụng cụ cho trẻ em gắn liền với trợ lực dinh dưỡng; tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho người dân và tập huấn các chương trình ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh bùng phát; tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường và bảo vệ nguồn nước sạch; vận động nhiều nguồn lực xã hội để sửa chữa, xây dựng nhà theo chương trình "Nhà nhân ái".
Chương trình "Tình nguyện mùa đông" năm 2010 được triển khai từ ngày 15.10.2010 đến ngày 3.2.2011 với mục tiêu: hỗ trợ đồng bào miền Trung 100.000 bộ dụng cụ học tập, 30.000 cơ số thuốc; 50 đoàn y, bác sĩ tham gia khám chữa bệnh cho 30.000 người dân; 10.000 chăn ấm; 1 triệu bộ quần áo; 100.000 áo ấm cho trẻ em; 5 triệu ngày công lao động; xây 350 nhà nhân ái cho đồng bào bị mất nhà; 50 đợt chuyển giao khoa học công nghệ. |
Báo Thanh Niên là một trong những tờ báo có mặt sớm nhất tại vùng "rốn" lũ để đưa tin, bài phản ánh, tham gia cứu trợ. Báo còn vận động sự quyên góp của đồng bào trong và ngoài nước, kịp thời ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng lũ lụt. Anh Nguyễn Quang Thông - Tổng biên tập Báo Thanh Niên, Phó chủ tịch Hội LHTN Việt Nam cho biết, tính đến thời điểm này, Báo Thanh Niên đã vận động được giá trị quyên góp hơn 16 tỉ đồng, trong đó đã chuyển cho bà con vùng lũ để cứu trợ khẩn cấp đến nay gần 15 tỉ đồng. Cán bộ, phóng viên của báo cũng đã đến trực tiếp, chia sẻ nỗi đau mất mát và sự khó khăn của bà con; giúp bà con ổn định cuộc sống.
Anh Nguyễn Quang Thông khẳng định: "Tham gia vào chiến dịch tình nguyện khắc phục hậu quả lũ lụt của miền Trung trong chương trình "Tình nguyện mùa đông", chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi sự đóng góp của đồng bào để tiếp tục khắc phục hậu quả lũ lụt như: xây dựng 50 căn nhà nhân ái sau lũ, mỗi căn trị giá 30 triệu đồng; vận động quyên góp và dành 5 tỉ đồng hỗ trợ cho các em học sinh có sách, có vở, cặp, để các em an tâm đến trường sau mùa lũ lụt. Cùng với việc truyền thông, Báo Thanh Niên bằng trách nhiệm và bằng tấm lòng của mình, tiếp tục đồng hành với chương trình của Hội LHTN phát huy khí thế tốt nhất các bạn trẻ hướng về vùng lũ, làm sao cho bà con vùng lũ ngày càng ấm lòng hơn với sự chăm sóc và tình cảm của chúng ta".
Theo anh Nguyễn Bá Tĩnh - Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, ngoài tổn thất về tài sản, tính mạng, còn một vấn đề lớn đặt ra đó là sức khỏe, bệnh dịch, môi trường, vệ sinh nguồn nước nơi lũ lụt đi qua. Đây chính là thời điểm cần thanh niên phải hành động ngay. Hưởng ứng lời kêu gọi của MTTQ Việt Nam và Hội LHTN Việt Nam, ngay sau đợt lũ thứ 2, Hội Thầy thuốc trẻ đã vận động được 34 bệnh viện, các trường ĐH-CĐ y tế đóng trên địa bàn Hà Nội, Bệnh viện đa khoa T.Ư Huế, ĐH Y Huế, các bệnh viện và ĐH Y đóng trên địa bàn TP.HCM, cũng như các thầy thuốc trẻ tại Quảng Bình, Hà Tĩnh giúp đỡ đồng bào miền Trung.
"Ngay sau lễ ra quân hôm nay, chúng tôi sẽ tổ chức 30 đoàn y bác sỹ của hầu khắp các bệnh viện tổ chức khám cho 30.000 người dân tại các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Với trách nhiệm và tình cảm, tuổi trẻ ngành y tế cũng muốn đóng góp cùng với tuổi trẻ cả nước động viên, chia sẻ giúp bà con khắc phục hậu quả lũ lụt", anh Tĩnh nói.
Thu Hằng
Bình luận (0)