Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA vừa cho biết, lũy kế xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay ở mức 5,56 triệu tấn, đạt kim ngạch 2,35 tỷ USD. Riêng tháng 10, dự kiến xuất khẩu 400.000 tấn, thấp hơn kế hoạch khoảng 100.000 tấn. Khả năng xuất khẩu gạo đạt mức dự kiến xuất khẩu 6,5 triệu tấn trong năm nay.
Theo VFA, đến 15-10, tồn kho của các doanh nghiệp trên 1,1 triệu tấn. Trong khi đó, hợp đồng xuất khẩu đã ký với các đối tác từ đầu năm đến 21-10 là 6,84 triệu tấn. Tuy nhiên, trong số các hợp đồng đã ký, VFA dự kiến một số hợp đồng thương mại sẽ bị hủy do biến động giá cả. VFA khuyến cáo doanh nghiệp không nên ký các hợp đồng giá thấp, chỉ tập trung các hợp đồng giá cao.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần, năm 2010, sản lượng lương thực cả nước có thể gần 40 triệu tấn. "Nếu không có biến động nào khác, cùng với nguồn dự trữ, từ nay đến cuối năm, chúng ta có thể xuất khẩu hơn 1 triệu tấn gạo, mà vẫn đủ lương thực để cung ứng cho bà con vùng lũ. Khả năng xuất khẩu khoảng 6,5 triệu tấn gạo là vẫn có thể đảm bảo được"- ông Tần nói.
Thua thiệt vì dự báo?
Thực tế, trong khoảng hai tháng qua, VFA liên tiếp thay đổi đến 4 lần giá sàn gạo xuất khẩu. Mức giá sàn hiện là 475 USD/tấn với loại gạo 5% tấm, 445 USD/tấn với loại 25% tấm, tăng khoảng 75 USD/tấn so với trước đó.
Theo ông Phạm Quang Diệu, chuyên gia Kinh tế trưởng của Cty CP Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam (Agromonitor), việc điều chỉnh tăng giá sàn lúc này là hợp lý. Bởi lẽ, các dự báo cho thấy, năm nay, sản lượng lương thực của Mỹ và một số nước châu Á giảm đáng kể; trong khi các thị trường như Indonesia, Philippines, Banglades… đang có nhu cầu rất lớn.
Theo ông Diệu, hiện giá gạo thế giới cao, nhưng chúng ta lại không có nhiều để xuất.
Chuyên gia này cho hay, Việt Nam vẫn thiếu một hệ thống dự báo, phân tích một cách chuyên nghiệp, bài bản. Tuy nhiên, bài toán xuất khẩu gạo hiện nay, không chỉ ở dự báo, mà quan trọng là sự tham gia của nhà nước hỗ trợ ngành lúa gạo chưa đủ.
"Chúng ta chưa có một hệ thống kho chứa lớn như Thái Lan, chưa tách bạch nhiệm vụ chính trị với kinh doanh của DN. Bản thân các thành viên VFA là DN, do vậy việc đảm bảo quyền lợi của DN là rất lớn. Tuy nhiên, họ cũng chịu nhiều sức ép. Nếu không xuất hàng, giá trong nước thấp, nông dân sẽ kêu. Nhưng nếu xuất quá nhiều, mà gây mất an ninh lương thực, cũng rất nguy hiểm".
Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cho rằng, Thái Lan đi trước chúng ta một bước, họ có hệ thống kho tàng do nhà nước xây dựng, có chính sách, tài chính để thu mua lúa cho dân khi xuống thấp, khi giá cao họ lại xuất bán. "Việc này chúng ta cũng hiểu, cũng biết, nhưng thực tế, đây là một việc lớn, không thể sớm chiều mà làm được”- ông Tần nói.
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)