Chứng bệnh kỳ lạ trên đã đeo đẳng cuộc đời của người đàn ông nghèo Trầm Hoàng Tưởng (32 tuổi, ngụ khóm Bình Đức 4, P.Bình Đức, TP Long Xuyên, An Giang) suốt 7 năm qua. Họ hàng nhà anh Tưởng cũng đã có nhiều người mắc chứng bệnh lạ này và cho đến khi xuống mồ họ vẫn chưa biết mình mắc bệnh gì.
“Say” suốt 7 năm
Từ khi chào đời đến lúc trở thành một thanh niên, cơ thể anh Trầm Hoàng Tưởng phát triển bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa. Năm 18 tuổi, anh đi nghĩa vụ quân sự rồi xuất ngũ trở về cưới vợ, sinh con. Cuộc sống vợ chồng tuy còn nhiều khốn khó nhưng rất hạnh phúc, nhất là khi đứa con trai đầu lòng kháu khỉnh ra đời. Thế rồi khi đứa con đầu chưa đủ tuổi đến trường thì người cha trẻ cảm thấy cơ thể có triệu chứng lạ. Đó là năm 25 tuổi, anh Tưởng bắt đầu có cảm giác “lâng lâng” như người say rượu. Ban đầu anh không nghĩ mình lại mắc chứng bệnh quái ác như cha mà cho rằng đó là do vấn đề sức khỏe nhất thời. Thế nhưng càng về sau triệu chứng “lâng lâng” càng thêm nặng. Mỗi năm đi qua, thêm một tuổi mới thì dấu hiệu bệnh “say xỉn” trở nên trầm trọng hơn. Vậy là cuộc sống riêng tư, gia đình anh bị xáo trộn, khốn khó khi tình trạng sức khỏe của anh càng lúc càng xấu đi thấy rõ. Bước đi của anh không còn vững vàng được nữa mà trở nên xiêu vẹo, ngả nghiêng. Tay anh cũng yếu ớt không đủ sức bám víu, chống đỡ những cú bổ nhào ra đất, xuống sàn nhà.
Trong căn nhà tôn nằm khuất ở con hẻm nhỏ không có thứ gì đáng giá, chúng tôi tận mắt chứng kiến nỗi khổ của người đàn ông bị “say” suốt 7 năm qua. Đang ngồi dưới sàn nhà tiếp khách, nghe tiếng điện thoại reo, anh Tưởng dùng hai tay chống xuống nền nhà rồi gượng đứng dậy. Những tưởng việc ấy dường như quá dễ dàng nhưng đối với anh trở nên vô cùng rắc rối. Đôi chân không chịu đứng yên một chỗ, cứ lắc lư, chao đảo. Sau một lúc anh Tưởng mới gượng đứng lên được, nhưng lại bị ngã sóng soài ra sàn nhà ngay sau đó. Nếu chúng tôi không quàng tay đỡ kịp lúc thì cú ngã có thể khiến anh bị vỡ đầu, chảy máu. Chúng tôi dìu anh đứng dậy và cho đến khi chuông điện thoại reo đến lần thứ 3 anh Tưởng mới có thể trả lời. Giọng nói anh “líu nhíu” nghe không rõ tiếng.
“Ba tôi kể bệnh lạ này bắt đầu từ đời bà nội rồi đến lượt ba tôi. Chú tôi hiện sống ở Trà Vinh cũng bị bệnh và nằm liệt giường không cử động được. Cô tôi bị bệnh từ trẻ và đã mất 5 năm nay. Giờ đến lượt tôi và đứa em bà con ở Rạch Giá (Kiên Giang) cũng bị căn bệnh quái ác này đeo đẳng”, anh Tưởng đau khổ nói. Theo lời anh Tưởng, người cha của anh cũng bị bệnh ở tuổi 25, cầm cự được khoảng 10 năm thì phải ngồi xe lăn rồi nằm liệt giường và chết ở tuổi 44. “Khi bị bệnh thì trở nên rất khó nghe và khó nói. Đầu óc tôi vẫn tỉnh táo nhưng không thể làm chủ hoàn toàn hành động của mình. Tay chân trở nên chậm chạp, nặng nề lắm. Nói chung là tất cả các biểu hiện bệnh giống như một người say rượu triền miên không có lúc nào tỉnh táo. Đà này, khoảng 2 năm nữa tôi không còn tự đi lại được mà phải ngồi xe lăn. Điều tôi lo lắng nhất là không biết căn bệnh này có di truyền cho hai con tôi không, nhưng hiện tôi không có tiền đưa chúng nó đi khám bệnh”, anh Tưởng tâm sự.
Trăm bề khổ sở
Thoái hóa di truyền tiểu não? |
Thấy công việc ươm và mua bán ếch giống không còn thuận lợi nữa, anh Tưởng phải làm thêm nghề vá ép xe gắn máy ở đầu con hẻm nhỏ. Nhiều người đem xe đến vá thấy anh ngoặt ngoẹo liền mang xe đi nơi khác. Người khác thì trêu chọc “Mới sáng sớm mà say quắc cần câu rồi hả. Đúng là dân bợm. Sáng giờ vô mấy lít rồi?”, khiến anh Tưởng vô cùng khổ sở. “Tôi giải thích thế nào họ cũng không tin. Nếu có vợ tôi bên cạnh giải thích thì có khi khách chỉ cười cười”, anh Tưởng cho biết.
Khổ sở hơn là những khi anh Tưởng đi khám chữa bệnh bị các bác sĩ khước từ vì cho rằng anh đang… xỉn. “Có lần tôi đi nhổ răng nhưng bác sĩ khăng khăng không chịu nhổ. Tôi cố giải thích đến khô nước miếng ông ấy vẫn không tin tôi bị bệnh nên đành lủi thủi ra về”, anh Tưởng thổ lộ. Chị Trần Thị Nghiêm, vợ anh Tưởng nói lúc mới bị bệnh anh còn có thể chạy xe máy nhưng giờ thì không còn điều khiển được. Vậy là nhiều năm qua khi có việc đi chợ mua đồ anh phải đi xe đạp. Song, nhiều khi vừa lên xe đã té nhào. Vì thế khắp nơi trên thân thể anh Tưởng chi chít sẹo - dấu vết của những lần bị ngã. Chị Nghiêm nhớ nhiều lần chồng chị bị người đi đường sỉ vả vì anh bị té ngã khi đang đi xe đạp giữa đường. “Họ mắng “đáng đời đồ ăn nhậu. Mới sáng sớm đã say be bét”, rồi dửng dưng bỏ đi không thèm đỡ ảnh dậy. Nhưng riết cũng quen, vợ chồng tôi không thể giải thích hết với mọi người vì có mấy ai thông cảm”, chị Nghiêm bộc bạch.
Bảo Vân
Bình luận (0)