Các bé trong bệnh viện rất thích được đùa giỡn với chú hề Siđô. Chỉ cần thấy bóng dáng bộ đồ thùng thình, mái tóc giả sặc sỡ, cặp kính không tròng to tướng của chú hề xuất hiện là các em reo vang, ùa ra khỏi phòng bệnh ôm vai bá cổ, có bé đòi bằng được chú hề bế trên tay.
Hề Siđô tổ chức sinh nhật cho các bệnh nhi - Ảnh: TỐ OANH |
Tuổi thơ không trọn vẹn
Siđô sinh ra trong một mái nhà bất hạnh ở miền Trung. Từ nhỏ Siđô không biết mặt cha. Mẹ bị bại liệt chỉ ở một chỗ. Siđô kể: “Việc mẹ mang thai mình làm gia đình nhà ngoại bị mất thể diện nên bị hắt hủi. Người vú nuôi của mẹ đã đi ăn xin để cưu mang hai mẹ con”. Rồi người vú già qua đời khi Siđô mới 5 tuổi.
Một lần nằm ngủ ở lề đường, một gia đình thương tình đã nhận Siđô về nhà nuôi và giao nhiệm vụ hứng nước, hầu quạt cho ông cụ chủ. Lớn thêm tuổi nữa, Siđô được giao thêm việc giao đồ vắt sổ, được cho đi học. Mỗi ngày gia đình chủ nhà cho Siđô cơm đem về cho mẹ. Năm lên 7 tuổi, một lần đi giao đồ vắt sổ, Siđô mê xem phim nên về trễ, bị chủ nhà la rầy và Siđô đã trốn đi.
Tuổi thơ của Siđô tiếp tục là những tháng ngày đi bán trà đá, bắp rang, bánh kẹo, mía ghim... Anh đã tự mưu sinh trên đường phố để nuôi mẹ và đến trường ở Đà Nẵng. Học xong lớp 8, Siđô vào Sài Gòn, ngày làm việc cho một hãng sơn, tối đến lớp học bổ túc văn hóa và tranh thủ tham gia công tác Đoàn tại phường 1, quận Tân Bình. Siđô trưởng thành dần trong công tác thanh niên, anh đảm nhiệm vai trò bí thư đoàn phường.
Tuổi thơ đầy cơ cực nên anh có rất nhiều tình cảm với các bé thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt. Vốn có máu văn nghệ, Siđô đã cùng đoàn phường lập ra đội rối để đi biểu diễn phục vụ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. Có lần đội rối diễn ở sân khấu công viên văn hóa Đầm Sen bị trục trặc MC, Siđô đã trổ tài MC hoạt náo, sau đó được nhận vào làm việc tại Đầm Sen. Từ đó, anh trở thành MC sân khấu thiếu nhi hóm hỉnh, dễ mến. Tám năm trước anh được chương trình Vườn âm nhạc Đài truyền hình TP.HCM mời vào vai hề Siđô. Khán giả thiếu nhi yêu mến anh hề Siđô từ đó.
Ở đâu hề Siđô đến, ở đó các em quên bệnh tật - Ảnh: Thuận THẮNG |
Đem nụ cười cho bệnh nhi
Chẳng ai nhớ tên anh hề Diễn viên hề Siđô tên thật là Lê Văn Hải, 38 tuổi, là một trong những tình nguyện viên đầu tiên gắn bó với chương trình “Ước mơ của Thúy” giúp bệnh nhi ung thư ngay từ những ngày mới thành lập. Ở nhiệm vụ người dẫn chương trình hài hước đem lại nụ cười vui, suốt ba năm qua dù bận đi diễn ở đâu anh cũng đều xếp lịch ưu tiên cho các bé bệnh nhi. Ít hôm anh lại ôm quà đồ chơi vào bệnh viện: “Cái ôtô này là của cu Tí phòng 8 mong ước, búp bê này là của bé Lan phòng 5...”. Còn các bé và phụ huynh chẳng ai nhớ đến tên khai sinh của anh, mọi người gọi anh là hề Siđô trìu mến. |
Hành trình cùng con chiến đấu với căn bệnh ung thư khiến nhiều cha mẹ mệt nhoài, đối diện với biết bao áp lực về tinh thần, về tài chính, về sự ra đi của con nên không cha mẹ nào còn tâm trí nghĩ đến sinh nhật của con trẻ. Hề Siđô đã nảy ý tưởng: nên tổ chức chúc mừng sinh nhật các bé hằng tháng trong bệnh viện.
Ý tưởng được triển khai ngay vào tháng 1-2008. Sinh nhật đầu tiên diễn ra trong niềm vui đầy háo hức trẻ con và nước mắt xúc động của cha mẹ, tình nguyện viên. Mỗi lần tổ chức sinh nhật, hề Siđô đều chăm chút nội dung, kết nối mạnh thường quân tặng các bé thật nhiều quà mừng tuổi mới, tiết mục biểu diễn xiếc ảo thuật trẻ con mê tít. Siđô không bao giờ quên thắp những ngọn nến cho các bé sớm ra đi, không đợi kịp sinh nhật mình.
Hoạt động chúc mừng sinh nhật được nhân rộng ra các bệnh viện có chương trình “Ước mơ của Thúy” hoạt động tại TP.HCM và Hà Nội.
Nước mắt anh hề
Một buổi chiều thứ tư, anh hề Siđô vào Bệnh viện Ung bướu để tổ chức sinh nhật cho các bệnh nhi. Khi ngang qua phòng siêu âm, gặp một bé trai thể trạng rất yếu đang ngồi chờ khám, anh nựng bé nhưng bé không nhìn lại, anh nghĩ rằng chắc do bé đang mệt.
Kết thúc buổi sinh nhật hôm đó có một tình nguyện viên thông tin: “Bé Thành phòng 8 hôm nay sinh nhật 13 tuổi, nhưng bệnh nặng không qua phòng sinh hoạt chung thắp nến mừng tuổi mới được. Bé mong được anh hề đến phòng thăm bé”. Siđô bất ngờ, đó chính là bé trai mà anh mới nựng.
Nhận quà sinh nhật từ tay anh hề, cậu bé nhăn mặt đau nhưng cố nhoẻn cười: “Con cảm ơn ông hờ (hề - giọng Phú Yên). Ông hờ ơi! Con có một ước nguyện mà không biết có được không...”. Siđô nghĩ rằng chắc bé ước một món đồ chơi gì đó vì anh cũng hay mua đồ chơi tặng các bệnh nhi nên khuyến khích cậu bé nói. “Ông hờ ơi! Con ước chi mai mốt khỏe mạnh thì được ông hờ làm cha nuôi của con”. Anh thấy lòng mình quặn thắt, nghẹn lời: “Mình đâu cần chi đến lúc con khỏe, ngay bây giờ cũng được!”...
Bệnh Thành đã trở nặng rất nhiều, em đau đớn. Tối nào đi diễn về, Siđô cũng vào bệnh viện chơi với Thành đến khuya. Thành thỏ thẻ: “Có cha nuôi đến con vui lắm, không còn thấy đau nữa”. Còn Siđô thì nước mắt chảy ngược vào lòng. Tết 2009, Siđô tiễn Thành về quê ăn tết, hẹn sau rằm tháng giêng sẽ ra nhà thăm Thành. Nhưng đã không kịp... Thành ra đi chỉ cách rằm vài ngày, trong khi lịch diễn tết của Siđô dày đặc. Sau tết, chúng tôi cùng Siđô đi thăm Thành. Thấy anh cứ lặng yên thật lâu trước ngôi mộ còn mới...
“Ước mơ của Thúy cũng chính là ước mơ của mình, làm được gì xoa dịu nỗi đau cho các bé mình sẽ cố gắng làm” - Siđô tâm sự. Vậy nên tiếng reo vang, tiếng cười của trẻ thơ cứ vang lên suốt trong bệnh viện mỗi khi Siđô xuất hiện.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)