Những tệ nạn nhức nhối tại làng đại học - Bài 2: Câu “dế” dễ hơn câu cá

31/10/2010 08:28 GMT+7

(TNO) Ở làng đại học (ĐH), hễ đến khu nhà trọ nào hỏi về nạn mất cắp, chúng tôi cũng đều nghe sinh viên (SV) kể không hết chuyện. Điện thoại di động, máy tính xách tay của SV cứ liên tục “đội nón ra đi”. >> Bài 1: Cướp giật ngày càng táo tợn

Mất cắp ám ảnh SV

Nạn mất cắp tại các khu nhà trọ ở khu vực ĐH Quốc gia TP.HCM diễn ra phổ biến đến nỗi các khổ chủ chán nản cả với việc báo cho công an địa phương nhờ tìm giúp.

 
Tại khuôn viên ĐH Quốc gia TP.HCM vẫn còn rất nhiều khu nhà trọ heo hút và mất an toàn như thế này - Ảnh: Trí Quang

“Trước đây, mình mất cái điện thoại hơn triệu đồng, đi báo công an thì cũng ít hy vọng tìm lại được lắm, nên thôi, ráng làm thêm mua cái khác vài trăm ngàn đồng xài đỡ vậy”, Hùng, SV năm 3 trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM nói.

N.T.Thảo, SV trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, mới đến trọ học tại khu nhà ở sau trường ĐH An ninh (thuộc khu phố 6, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức) kể: “Phòng của mình mới bị mất hai cái điện thoại. Cả phòng đang ngủ thì bọn trộm lẻn vào “câu” mất mà không ai biết”.

Hai cô bạn sát phòng của Thảo cũng vừa bị trộm “câu” mất laptop, nên hoảng quá liền chuyển đi nơi khác ở.

Đa phần, nguyên nhân mất cắp tại các khu nhà trọ nói trên là do SV thiếu cảnh giác.

Trong 10 trường hợp chúng tôi nghe SV kể liên quan đến mất cắp tài sản thì có đến tám trường hợp SV nói do ngủ quên và bị kẻ gian lẻn vào phòng lấy đồ.

“Bọn trộm bây giờ liều lắm, hễ thấy phòng nào khép cửa hờ và chủ phòng đang ngủ thì bình tĩnh mở cửa bước vào. Nếu SV trong phòng thức dậy, bọn chúng vờ nói “vào nhầm phòng” để đánh bài chuồn, còn không thì lấy tài sản rồi bỏ đi ngay”, anh Lương, công an khu vực ở xã Đông Hòa cho biết.

Chị Hà, bán quán gần khu nhà trọ trên cho biết thêm: Gần đây, nhiều người giả danh nhân viên của các công ty đến bán sản phẩm có bốc thăm trúng thưởng, để lừa lấy tài sản của những SV nhẹ dạ.

“Bọn này thường giả vờ cho SV cào thẻ trúng thưởng, và thẻ nào cũng trúng đậm. Sau đó, bọn chúng yêu cầu SV điền tên vào biên bản rồi hẹn ngày lên trụ sở công ty để nhận tiền thưởng với điều kiện SV phải ứng trước tiền hoặc tài sản như điện thoại, trang sức… để làm tin. Khi SV tìm đến các địa chỉ công ty trên thì mới biết mình bị gạt”, chị Hà kể.

Đua xe vẫn chưa giảm

Hiện tại, tình hình đua xe vẫn diễn ra đều đặn vào mỗi cuối tuần ở khu vực hồ đá của làng ĐH.

“Hầu như thứ bảy, chủ nhật nào, các nhóm đua xe cũng tụ tập nẹt pô, đánh võng, đua tốc độ ở các tuyến đường hồ đá, gây nguy hiểm cho người dân và SV. Nếu các nhóm đua xe ít người thì công an xã trực tiếp có mặt để truy bắt, tạm giữ phương tiện, còn nếu quy mô hàng trăm xe thì chúng tôi phải nhờ đến lực lượng cảnh sát 113, cảnh sát giao thông huyện Dĩ An cùng phối hợp truy quét”, anh Nguyễn Văn Cường, Đội trưởng công an xã Đông Hòa (Bình Dương) nói.


Đường dọc hồ đá thường xuyên diễn ra nạn đua tốc độ vào cuối tuần - Ảnh: Trí Quang

Một số chị bán hàng rong dọc bờ hồ đá kể, trước đây, chị từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng do đua xe lạng lách tại khu vực trên.

Đặc biệt, chiều cuối tuần nào cũng có rất đông SV tụ tập hai bên đường ở gần bờ hồ để xem đua xe. Các tay lái liều mạng nẹt pô lao đi rồi nằm dài trên thân xe biểu diễn vô cùng mạo hiểm.

Điều đáng nói là sau khi đua xe xong, các nhóm “yêng hùng” còn chạy tán loạn trong các tuyến đường đông đúc người qua lại, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của SV và người dân.

Thiếu tá Phan Văn Sự, Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông Q.Thủ Đức (TP.HCM) nói: “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã phối hợp cùng CSGT huyện Dĩ An để trấn áp đối tượng đua xe và bắt giữ hàng loạt thanh niên đua xe trái phép tại hồ đá. Tuy nhiên, vấn nạn trên vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, do vậy sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp làm mạnh tay hơn nữa”.

Không chỉ có đua xe, nơi này còn là điểm hẹn “xử” nhau của giới giang hồ. Theo nguồn tin riêng của Thanh Niên Online, mới tuần trước, một vụ đánh nhau tập thể đã diễn ra ngay giữa ban ngày.

“Tôi đang đi bộ tập thể dục gần hồ đá thì bất ngờ thấy nhiều thanh niên kéo tới, tụ tập đông lắm, rồi tụi nó xách nhiều hung khí, gậy gộc để rượt đánh nhau. Tôi hoảng quá nên bỏ chạy về nhà đến nỗi đứt cả dép luôn”, một nhân chứng kể lại.

Từ đầu năm đến nay, làng ĐH có hàng chục vụ gây rối trật tự, mà nguyên nhân của phần lớn vụ xô xát nhau xuất phát từ các quán nhậu.

Hiện tại, làng ĐH có hàng chục quán nhậu lớn nhỏ, thậm chí ngay trong bến xe buýt tạm của khu vực này cũng có một quán nhậu to đùng.

Ông Mai Thanh Bình - Trưởng phòng Quản lý và phát triển đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM - lý giải: nhiều điểm kinh doanh quán ăn, quán nhậu trong làng vẫn tồn tại là do tiến độ giải tỏa đền bù của địa phương còn triển khai chậm.

Theo ông Bình, sắp tới, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ dành gần 20 ha đất để xây dựng khu dịch vụ công cộng dành cho SV, với các công trình thiết yếu như siêu thị, bệnh viện, nhà văn hóa, khu giải trí vui chơi..., để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho SV ĐH Quốc gia TP.HCM.

Điểm “nóng” hồ đá

Từ lâu, người dân và SV ở làng ĐH gọi hồ đá là “hồ tử thần” vì có khá nhiều trường hợp thiệt mạng do xuống hồ tắm bị chuột rút hoặc dạo chơi và bất ngờ bị trượt chân té xuống nước.


Mặc dù có biển cấm vào hồ đá...


... nhưng SV vẫn vô tư đến đây chơi, câu cá - Ảnh: Trí Quang

Trước đây, ĐH Quốc gia TP.HCM đã thiết lập tường rào bao quanh hồ để tránh tình trạng SV tụ tập, làm “mồi” cho các nhóm tội phạm.

Song, một số vị trí của tường rào đã bị phá dỡ ngay sau đó và SV cứ việc chạy xe máy vào chơi và các cặp tình nhân thì vô tư hẹn hò.

Ông Mai Thanh Bình cho biết: Theo kế hoạch, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ khẩn trương thành lập Trung tâm Quản lý và phát triển đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM, trong đó có tổ an ninh trật tự. Tổ này sẽ thường xuyên tuần tra, nhắc nhở SV không được xuống hồ tắm.

Hiện tại, toàn làng ĐH vẫn chưa có hồ bơi cho SV. Song, theo ông Bình, SV có thể sử dụng dịch vụ hồ bơi có thu phí của trường ĐH Thể dục thể thao II nằm ở ngã ba Đại Cương.

“Từ đầu năm đến nay, tại hồ đá có một trường hợp tử vong do tắm hồ, giảm ba vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nạn cướp tài sản có hung khí tại hồ đá xảy ra hai vụ, giảm ba vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Lực lượng công an xã khai thác làm rõ hai vụ, bắt bốn đối tượng”, Trưởng công an xã Đông Hòa cho biết.

Mặc dù con số tử vong do tắm hồ theo số liệu tổng hợp của công an xã Đông Hòa có giảm nhưng đây vẫn là điểm “nóng” của làng ĐH với nhiều trường hợp trấn lột, cướp “nóng” theo lời kể của người dân và SV. (Còn tiếp)

Trí Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.