Đề nghị đưa Trái phiếu Chính phủ vào chi ngân sách

03/11/2010 15:33 GMT+7

(TNO) Thảo luận tại hội trường sáng nay 3.11, về tình hình sử dụng ngân sách năm 2010 và phương án phân bổ dự toán ngân sách năm 2011, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị phải đưa Trái phiếu Chính phủ (TPCP) vào các khoản chi ngân sách theo luật định.

Kiểm tra chặt các công trình sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ

Theo kế hoạch, trong năm 2011, Chính phủ dự kiến phát hành thêm 45.000 tỉ đồng trái phiếu đầu tư cho các công trình hạ tầng cơ sở và thực hiện tiếp các chương trình, dự án còn dang dở. ĐB Cầm Chí Kiên (Sơn La) ủng hộ kế hoạch này và cho rằng, cần phải ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia, trong đó có công trình Nhà máy thủy điện Sơn La.

Cho rằng việc phát hành vốn TPCP 45.000 tỉ đồng năm tới là cần thiết, song ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) vẫn bày tỏ lo ngại trước tình trạng “việc sử dụng nguồn vốn TPCP hiện nay còn nhiều bất cập và kém hiệu quả”.

ĐB này dẫn lại báo cáo giám sát của Ủy ban Tài chính Ngân sách về tình hình thực hiện TPCP giai đoạn 2003 - 2010 về tổng mức đầu tư ban đầu các công trình dự án thuộc danh mục đầu tư nguồn vốn TPCP giai đoạn 2003 - 2010 là 246.000 tỉ như thực tế đã tăng hơn gấp đôi so với dự kiến và cho rằng, hiện nay việc phát hành TPCP được đưa ra ngoài cân đối ngân sách nhà nước và sử dụng như một tên riêng, còn bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Như vậy là chưa phù hợp với nguyên tắc điều hành vĩ mô của nền kinh tế.


ĐB Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa) - Ảnh: Ngọc Thắng

“Cần thực hiện rà soát, kiểm tra chặt chẽ các công trình vốn, đầu tư TPCP, siết chặt và lặp lại trật tự đầu tư không cho phép bổ sung danh mục mới, không bổ sung quy mô mục tiêu dự án, chỉ cho phép điều hành tổng mức đầu tư do thay đổi các quy định pháp luật về định mức, đơn giá, nhân công, nguyên vật liệu, kiên quyết loại bỏ những dự án không hiệu quả, thời gian thực hiện kéo dài”, ĐB Tuyết nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa) cũng cho rằng phải xác định ngân sách là nguồn lực của Nhà nước rất quan trọng mà QH phải quản lý, giám sát và phân bổ một cách triệt để, kể cả những nguồn đó là nguồn thu, nguồn vay, nguồn trái phiếu…

“Tất cả những cái đó là ngân sách, do đó chúng ta đều phải chi hoạt động theo đúng Luật Ngân sách, không để cái gì ra ngoài. Vừa rồi ta thấy rất nhiều hiện tượng không được đưa vào trong báo cáo hoặc không có báo cáo giải trình về chi tiêu và sử dụng những nguồn ngân sách, ví dụ như trái phiếu”, ĐB này đề nghị.

Quản lý chặt các khoản vay nợ bằng trái phiếu

Trước kiến nghị của các ĐBQH, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh giải thích: nhu cầu trái phiếu hiện nay rất lớn, nếu tính thực hiện hết danh mục đã được quyết định như giao thông, thủy lợi, bệnh viện, trường học thì Chính phủ đang dự kiến cỡ 300.000 tỉ đồng, mà đến bây giờ mới thực hiện khoảng một nửa.

“Những dự án đã được quyết định rồi thì sắp tới đây phải soát lại, những dự án đã quyết định rồi đang làm dở dang rồi mà không phát hành để làm tiếp thì cũng lãng phí”, Bộ trưởng bày tỏ quan điểm.

Ông nói tiếp: nếu chúng ta vay nợ đúng là phải quản lý chặt chẽ, phải làm ăn có hiệu quả. Vốn vay sẽ chia làm hai loại: một loại đưa vào cân đối ngân sách để đầu tư những dự án không thu hồi vốn. Loại nữa vay về đầu tư cho dự án mà bản thân dự án phải làm ra lãi để trả nợ, việc này phải quản lý chặt chẽ và nếu làm được như vậy cũng nên vay ở một mức độ nhất định.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.