Xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2011: Việt Nam tăng 10 bậc

05/11/2010 00:18 GMT+7

Vươn lên 10 bậc, VN hiện đứng thứ 78/183 nước theo bảng xếp hạng mức độ thuận lợi kinh doanh năm 2011 do Ngân hàng Thế giới (WB) và Công ty Tài chính quốc tế (IFC) đồng thực hiện.

 Kết quả này được công bố sáng qua 4.11 tại Hà Nội.

VN trong Top 4 nước có mức cải thiện tốt nhất

Nhóm nghiên cứu đánh giá, VN đứng thứ 4 trong các nước có mức độ cải thiện tốt nhất trong bảng xếp hạng 2011. Đặc biệt, nếu tính 5 năm gần đây, VN chỉ xếp sau Trung Quốc về mức độ cải thiện, nhờ tạo thuận lợi cho việc thành lập DN bằng cách áp dụng cơ chế một cửa, kết hợp thủ tục chứng nhận đăng ký kinh doanh với đăng ký mã số thuế và bỏ quy định xin giấy phép khắc dấu. Việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với nhà và chuyển việc chứng nhận quyền sở hữu nhà cho Sở Tài nguyên và Môi trường khiến việc cấp phép xây dựng trở nên dễ dàng hơn. Đặc biệt, hệ thống thông tin tín dụng có rất nhiều cải thiện, khi người đi vay được phép kiểm tra báo cáo tín dụng của mình và được quyền sửa các thông tin sai lệch.

 

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài xúc tiến hợp tác mở rộng kinh doanh tại Việt Nam - Ảnh: Nghĩa Phạm

Trong 9 tiêu chí xếp hạng, các chuyên gia thế giới đánh giá rất cao chỉ số vay vốn tín dụng (xếp hạng 15), chỉ số thực thi hợp đồng (xếp hạng 31) và chỉ số đăng ký tài sản (xếp hạng 43).

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, đây là lần đầu tiên VN đạt thứ hạng cao. Nhưng nếu nhìn lại 10 năm qua, riêng về cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), VN có những bước tiến vượt bậc, thay đổi không chỉ về quy định mà tư duy điều hành chính sách: mở cho khu vực kinh tế tư nhân hoạt động, tự do kinh doanh.

Tuy nhiên, ông Cung cho rằng, “báo cáo này chỉ đo lường MTKD dựa trên 9 lĩnh vực tương ứng với 36 chỉ tiêu trong hàng nghìn chỉ tiêu đo lường MTKD. Ghi nhận tiến bộ của MTKD nhưng không vì thế mà nói chúng ta tiến bộ hơn nhiều so với trước. Một vài chỉ tiêu dù được đánh giá cao, nhưng có sự khác biệt rất lớn giữa thực tế và kết quả đo lường”.

Ở khía cạnh khác, theo ông Ngô Hải Phan, Tổ phó thường trực Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, thực tế của VN có thể đạt cao hơn trong một số tiêu chí đánh giá. Như tiêu chí cấp phép xây dựng (xếp hạng 62/183), Chính phủ hiện đã bãi bỏ phí xây dựng, nhờ thế tiết kiệm cho DN và người dân 1.400 tỉ đồng/năm, tương đương với 70 triệu USD. Hay như vay vốn tín dụng, tổ công tác đã kiến nghị và được Chính phủ thông qua việc bãi bỏ công chứng bắt buộc, giảm thiểu gánh nặng thủ tục hành chính và thời gian vay vốn cho DN. 

Cải thiện mới tập trung ở các DN lớn

Theo đánh giá của báo cáo, nhiều tiêu chí đang trở thành rào cản rất lớn cho MTKD. Cụ thể, tiêu chí bảo vệ nhà đầu tư đứng gần chót bảng (xếp hạng 173/183) hay giải thể doanh nghiệp (xếp hạng 124/183), ngay cả tiêu chí thành lập DN, dù được đánh giá là có rất nhiều cải thiện vẫn đang đứng ở hạng 100/183.

Đồng tình với đánh giá này, theo ông Cung, cần phải xem lại quy định đóng cửa DN, đặc biệt với các DN trong khu vực nhà nước, Nhà nước không thể làm thay, bảo hộ cho DN mãi.

Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại VN, còn rất nhiều tiêu chí VN cần phải cải thiện hơn nữa, đặc biệt là làm thế nào tạo ra được sự ổn định kinh tế vĩ mô lâu dài, ổn định, tạo thuận lợi cho các DN.

“Phải tạo sự đồng thuận, “mặt phẳng” giữa kinh tế nhà nước và tư nhân. Dường như xu thế cải thiện MTKD đang hướng nhiều hơn đến DN lớn, trong khi phần lớn việc làm lại do DN nhỏ và vừa tạo ra. Chính phủ cần chú ý nhiều hơn nữa đến các thách thức mà DN nhỏ và vừa đang phải đối mặt như đăng ký kinh doanh, vay vốn, đất đai... Nói cách khác, cần tiếp tục thay đổi tư duy để thấy được vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân”, bà Victoria Kwakwa nói. 

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.