Năm 2009, lũ tàn phá Phú Yên, Bình Định. Năm 2010, lũ cuồn cuộn chồng lên lũ đổ về khu vực các tỉnh Trung Trung Bộ và Bắc Trung Bộ, gây nên cái chết cho hàng trăm người.
Cả nước chưa hết bàng hoàng, lịch cứu trợ của các đoàn vẫn chưa dứt thì lũ lại đổ ập xuống Nam Trung Bộ.
Điều đáng nói là dòng nước của các cơn lũ vừa qua rất hung dữ. Lưu lượng nước đổ về hạ lưu với cường độ rất mạnh, khiến cho nhà cửa, vườn tược, cầu cống, đường sá…bị cuốn phăng. Đâu là nguyên nhân của câu chuyện lũ thường niên ở miền Trung chắc ai cũng rõ, vì vậy cụm từ “sống chung với lũ” bắt đầu áp dụng từ thập niên 90 của thế kỷ trước đối với vùng châu thổ Cửu Long, bây giờ lại phải “nhường” cho miền Trung. Và chắc chắn rằng, phải có quyết sách như thế nào cho miền Trung, một khi cụm từ trên được “áp” vào đời sống của hàng chục triệu dân thuộc các tỉnh kéo dài từ Ninh Thuận trở ra đến Thanh Hóa.
Cũng như trước đây, khi “áp” cụm từ “sống chung với lũ” vào đời sống của người dân các tỉnh ĐBSCL, Chính phủ đã phải có hàng loạt quyết sách như xây nhà vượt lũ, nạo vét cửa Định An, thoát nước ra biển Tây, hoàn thiện các tuyến đê bao ven vùng trũng Tháp Mười… Nhưng bây giờ, khả năng xảy ra lũ ở miền Tây là rất ít, và chắc rằng rất nhiều năm sau này vẫn sẽ không có lũ, các mô hình được áp dụng khoảng 15 năm qua, rồi cũng “lạc hậu”.
Bây giờ, song hành với việc chuyển cụm từ “sống chung với lũ” ra miền Trung, mô hình cho người dân thuộc các tỉnh miền Trung phải ra sao đây? Làm sao để phòng tránh lũ quét, lũ ống? Làm sao để chạy lụt hiệu quả? Làm sao để giúp người dân khỏi phải thiệt mạng khi lũ về bất ngờ như mấy cơn lũ vừa qua? Làm sao để có biện pháp xả lũ các hồ, đập để đảm bảo an toàn cho dân? Làm sao để hạn chế được sự hung dữ của lũ từ đầu nguồn? Làm sao để nhà cửa của các vùng trũng, ven sông suối không bị sập đổ, bị cuốn trôi? Làm sao để chuyển dịch thời gian sản xuất nông nghiệp với việc trồng cây gì, thu hoạch vào thời điểm nào để tránh được lũ?...
Hàng loạt câu hỏi rất cần các giải pháp, kể cả giải pháp trước mắt hoặc căn cơ lâu dài, tập trung tối đa khả năng của các chuyên gia, các nhà khoa học. Đây là chuyện vừa bức thiết để giữ dân tại chỗ, giữ cho sự ổn định, phát triển của khu vực miền Trung.
Các giải pháp nói trên sẽ phải là một giải pháp tổng thể, dựa vào “hình sông thế núi” của miền Trung mà xây dựng và thực hiện. Không thể rập khuôn với một mô hình của một vùng miền nào khác hoặc triển khai lẻ tẻ vài ba biện pháp như trang bị áo phao, xuồng cho dân chạy lụt…Cần đặt vấn đề “sống chung với lũ” của miền Trung trở thành một chương trình cấp quốc gia, như đã từng đặt ra với ĐBSCL trước đây.
Trần Thanh Bình
Bình luận (0)