Chính trường Mỹ “đắng miệng” với đảng Trà

06/11/2010 23:29 GMT+7

Hai tân thượng nghị sĩ ở Kentucky và Florida đã chứng minh phong trào Tea Party (đảng Trà) không phải là “sớm nở tối tàn”.

Giữa tháng 9, kết thúc đợt bầu cử nội bộ để chọn ứng viên đại diện cho đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, Tea Party đã gây bất ngờ khi giành đến 8 “suất”. Cuộc thăm dò vào đầu tháng 10 của Wall Street Journal cho thấy có hơn 25% người được hỏi ủng hộ Tea Party. Những kết quả này khiến các nhà bình luận chính trị xôn xao, người Mỹ đã vì sự ngọt ngào của những bài diễn thuyết hùng hồn mà quên đi vị đắng cực đoan của “trà”? Lời giải thích được đưa ra lúc đó là phong trào này đem lại sắc thái mới lạ trong bối cảnh kinh tế, chính trị của Mỹ vẫn còn đang ảm đạm vì khủng hoảng, suy thoái. Là ngọc hay đá, cuộc bỏ phiếu ngày 2.11 đã cho câu trả lời rõ ràng. Tea Party tiếp tục cuộc phiêu lưu của mình khi hai ứng viên Rand Paul (Kentucky) và Marco Rubio (Florida) trở thành thượng nghị sĩ.

Hiểu một cách khái quát, Tea Party là một phong trào cực đoan bao gồm phần lớn thành viên là những đảng viên “siêu bảo thủ” của phe Cộng hòa và người ủng hộ việc đưa đảng này thiên hữu hơn nữa.

Ngược dòng lịch sử

Cái tên Tea Party khởi nguồn từ vết son trong cuộc chiến chống lại sự cai trị của Anh để giành độc lập của người Mỹ: sự kiện Boston Tea Party. Ngày 16.12.1773, người dân Massachusetts phẫn nộ vì các loại thuế trà từ London đã đổ toàn bộ trà trong các tàu chở hàng neo tại cảng Boston. Sự kiện này trở thành biểu tượng cho cuộc chiến giữa kẻ yếu với kẻ mạnh, giữa sự tự do với chuyên quyền và là nguồn cảm hứng đến tận ngày nay cho những người Mỹ “khó chịu” khi bị nhà nước đánh thuế.

Phong trào Tea Party “hiện đại” bắt đầu nhen nhóm từ mùa thu năm 2008, và thật sự hình thành sau khi Tổng thống Barack Obama công bố kế hoạch kích cầu kinh tế trị giá 787 tỉ USD, theo Le Monde. Những cử tri thiên hữu vốn “im hơi lặng tiếng” sau chiến thắng thuyết phục của ông Obama tại kỳ bầu cử tổng thống năm 2008 sau cùng cũng có cơ hội lên tiếng, với màn mở đầu khá ấn tượng của nhà báo Rick Santelli trên đài CNBC ngày 19.2.2009. Ông Santelli kêu gọi thành lập Tea Party ở Chicago để phản đối “sự phung phí tiền bạc” của chính phủ. Đoạn phim thu lại đã được đưa lên Youtube, và vài ngày sau, phong trào Tea Party ra đời.

Người ta dần hiểu ra rằng chúng tôi ở ngay trung tâm của nền chính trị Mỹ, chứ không ở phía cực hữu
Chủ tịch Tổ chức Freedom Works - DICK ARMEY, "đồng minh" của Tea Party
Nhà nghiên cứu Justin Vaisse thuộc Viện Brookings nhận định đảng Trà là sự kết hợp giữa hai trào lưu chính trị Mỹ: chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa bảo thủ kiểu Reagan, chống lại việc nhà nước tăng tầm ảnh hưởng lên nền kinh tế, xã hội. Hơn hai thế kỷ cách biệt, người dân Boston năm nào và phong trào Tea Party hiện tại vẫn có cùng một mục tiêu chống đối: chính quyền trung ương. Sau Boston Tea Party, nền chính trị Mỹ vẫn giữ lại một số yếu tố của chủ nghĩa dân túy, được thể hiện rõ trong dòng đầu tiên trong Hiến pháp năm 1787: “We the People” (“Chúng tôi, Nhân dân”). Những tư tưởng này tiếp tục được cả đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ sử dụng, nhưng từ 4 thập niên trở lại đây, đã trở nên thiên hữu và đang có chiều hướng cực đoan, phi chính phủ với Tea Party.

Phản đối tất cả

Trong bài viết trên La vie des idées, chuyên gia Michael C.Behrent nhận định rằng về nguyên tắc, các thành viên Tea Party đề cao chiến thuật “không - không”: không Cộng hòa, không Dân chủ. Áp dụng vào thực tế, ngoài việc làm giảm uy tín của chính quyền đương nhiệm, mục tiêu của đảng Trà là bẻ cong đường lối chính trị của đảng Cộng hòa, hướng đảng này đi về phía cực đoan hơn, bảo thủ hơn. Vẫn có rất nhiều nhóm thuộc Tea Party không gia nhập vào đảng Cộng hòa. Họ không đồng tình với John McCain, không ưa cựu Tổng thống George W.Bush  vì ông đã “hoen ố” bởi kế hoạch Paulson nhằm giải cứu các ngân hàng trong cơn khủng hoảng vừa qua. Trong chiến dịch giành quyền tranh cử giữa kỳ, các ứng viên của Tea Party đều chọn việc bãi bỏ cải cách bảo hiểm y tế của Tổng thống Obama làm mục tiêu trọng tâm. Ngoài ra, đảng Trà còn chủ trương xóa bỏ phần lớn các cơ quan của chính phủ, như Cục Dự trữ liên bang, Cục Thuế và giảm thiểu mọi chi phí cho phúc lợi xã hội. Những thành phần cực đoan nhất của Tea Party còn muốn bỏ Bộ Giáo dục và đòi hỏi Mỹ rút khỏi Liên Hiệp Quốc.

Đảng phái hay phong trào?

Rất khó để định nghĩa chính xác phong trào Tea Party. Không thể xem đây là đảng chính trị chính thống vì Tea Party không thống nhất. Phong trào này chia thành 3 nhóm chính: Tea Party Nation, Tea Party Patriot và Tea Party Express. Các lực lượng chính này lại bao gồm hàng trăm nhóm quy mô khác nhau, chủ trương hành động tùy theo từng địa phương. Ngoài ra, trong các cuộc biểu tình chống chính phủ do Tea Party tổ chức còn có sự tham gia của các băng nhóm cực hữu.

Để khẳng định xu hướng “chống tất cả”, Tea Party phản đối kịch liệt những nỗ lực kiểm soát tình hình nóng lên toàn cầu. Luận điệu của họ khá đơn giản: việc trái đất nóng lên vẫn là nhận định mơ hồ, thiếu thuyết phục, thậm chí giả dối của giới khoa học. Phong trào cũng chống luôn những cải cách về vấn đề nhập cư được khởi đầu dưới thời Tổng thống Bush nhằm tìm cách giải quyết giấy tờ cho hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp tại Mỹ. Trong cả hai trường hợp, sự phản đối của Tea Party phù hợp với nguyên tắc vô chính phủ của họ: biến đổi khí hậu được xem là cái cớ để nhà nước gia tăng quyền lực, còn những cải cách về nhập cư là minh chứng cho việc chính quyền xem nhẹ luật (vì muốn giúp đỡ những kẻ “tội lỗi”).

Tương lai nào cho “Trà”?

Tea Party ảnh hưởng thế nào đến đảng Cộng hòa? Một số người ủng hộ đảng này tỏ ra lo ngại về việc nội bộ sẽ chia rẽ thành 2 phía: nhóm các chính trị gia trung hữu ôn hòa và nhóm các đảng viên cực đoan ủng hộ phong trào Tea Party. Tuy nhiên, khả năng này không phải là đe dọa lớn nhất vì đảng Cộng hòa là một trong hai lực lượng chính trị lớn nhất của Mỹ, có nền tảng bền vững từ quá trình phát triển lâu dài. Giới lãnh đạo đảng Cộng hòa đầy kinh nghiệm và hoàn toàn đủ khả năng kiểm soát tình hình. Tờ Le Monde nhận định việc một số thành viên Tea Party len lỏi được vào đảng Cộng hòa làm các đảng viên ôn hòa có thể phải thay đổi luận điệu để “hợp thời” hơn, thậm chí rời khỏi đảng. Cụ thể là ứng viên chính thức trong cuộc đua giành quyền đại diện đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống năm 2012 Mitt Romney sẽ bị các ứng viên được Tea Party ủng hộ cạnh tranh mạnh mẽ. Ngược lại, các thành viên Cộng hòa cực đoan nhất như Newt Gingrich, Mike Huckabee hay Sarah Palin lại trở thành “ngôi sao” của “phe nổi dậy”.

Giành được 2 ghế tại Thượng viện nhưng nếu muốn thật sự trở thành một thế lực chính trị tại Mỹ, Tea Party còn cả một đoạn đường dài trước mắt và buộc phải chọn một trong hai giải pháp: tăng tầm ảnh hưởng chính trị bằng cách thật sự ủng hộ  các ứng viên Cộng hòa hoặc tìm cách chia rẽ đảng này. Giải pháp thứ nhất có vẻ an toàn hơn cho sự phát triển của Tea Party. Đặc biệt khi một số chính trị gia Cộng hòa lão luyện đã nhìn ra tầm ảnh hưởng của Tea Party và đang tìm cách thuyết phục họ đứng về phía mình.

Phong trào Tea Party nổi lên và lớn mạnh nhờ lợi dụng được sự bất mãn của dân chúng đối với những chính sách kinh tế, xã hội bị cho là “giống châu u”, thậm chí là “mang màu sắc xã hội chủ nghĩa” của Tổng thống Obama. Đảng Trà đã rất thành công trong việc lồng ghép những luận điệu phi chính phủ vào các giá trị “truyền thống”. Từ một phong trào nhỏ, hầu như chỉ được để ý nhờ sự góp mặt của cựu ứng viên Phó tổng thống Sarah Palin, Tea Party đã bắt đầu khiến chính giới Mỹ cảm nhận được “vị đắng” của mình. The New York Times dẫn lời Chủ tịch Tổ chức Freedom Works, Dick Armey, “đồng minh” của Tea Party nói: “Người ta dần hiểu ra rằng chúng tôi ở ngay trung tâm của nền chính trị Mỹ, chứ không ở phía cực hữu”. Từ đây đến năm 2012, cuộc chiến “kinh điển” Dân chủ - Cộng hòa chắc chắn sẽ thêm phần gay cấn với sự tham gia của “kẻ phá bĩnh” Tea Party.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.