Tình báo Nga tìm lại hào quang

06/11/2010 00:22 GMT+7

Chính quyền Nga đang tạo nhiều thuận lợi để giúp Cơ quan An ninh liên bang (FSB) tìm lại vị thế của Ủy ban An ninh quốc gia (KGB) khi xưa.

Hồi cuối tháng 7, dự luật về mở rộng quyền lực cho FSB đã được Tổng thống Nga ký thành luật chính thức. Điều khoản quan trọng nhất của luật mới quy định ai cản trở hoạt động của FSB có thể bị kiện và chịu phạt lên đến 50.000 ruble (gần 32 triệu đồng).

Phát biểu trên tờ Le Monde, chuyên gia tình báo cao cấp của Thụy Sĩ Jaques Baud cho biết FSB là một trong 5 cơ quan tình báo xuất phát từ KGB. Trước đây, cơ quan này chỉ đảm nhận công tác tình báo, an ninh nội bộ. Sau khi ông Vladimir Putin, vốn là Giám đốc FSB giai đoạn 1998-1999, trở thành Tổng thống Nga vào năm 2000, FSB đã nâng tầm ảnh hưởng lên rất nhiều và được xem là cơ quan tình báo lớn nhất Nga hiện nay. Theo tờ Washington Post, vào năm 2006, FSB được trao thêm quyền hạn ám sát các nghi can khủng bố, thậm chí ở nước ngoài nếu nhận lệnh từ tổng thống.

Tạo bản sắc riêng

Tòa nhà sừng sững Lubyanka trước đây là cứ địa của KGB và từ đầu thập niên 1990 đã được FSB tiếp quản. Tiếp đón đặc phái viên của tờ Libération tại đây, phát ngôn viên của FSB Nikolai Zakharov cho biết: “Chúng tôi giữ lại một số truyền thống của KGB nhưng FSB vẫn là một cơ quan tình báo mới, có bản sắc riêng và mục tiêu hành động khác biệt, được xây dựng trên những nền tảng cụ thể của Hiến pháp. Biểu tượng của FSB không còn là thanh kiếm nằm trên tấm khiên như KGB mà là một tấm khiên che thanh kiếm. Ý nghĩa của nó rất quan trọng: ưu tiên của chúng tôi đã chuyển từ tấn công sang đảm bảo công tác quốc phòng”.

Như thời hoàng kim trong quá khứ, các nhân viên tình báo Nga đang hiện diện trên khắp các trận địa, theo Libération. Nhân viên mật vụ là thành viên nghị viện, làm việc ở các công ty lớn, các báo đài hàng đầu, trường đại học và thậm chí tỏa sáng ở các sân vận động. Theo tờ Izvestia, hơn 50 mật vụ FSB trong giai đoạn 1999-2008 từng tham dự Thế vận hội, các giải vô địch thể thao thế giới, châu u trong nhiều môn thể thao khác nhau.

Biểu tượng của FSB không còn là thanh kiếm nằm trên tấm khiên như KGB mà là một tấm khiên che thanh kiếm... Ưu tiên của chúng tôi đã chuyển từ tấn công sang đảm bảo công tác quốc phòng
Nikolai Zakharov, phát ngôn viên FSB

Nhiều doanh nhân thành đạt tại Nga từng là mật vụ, như Phó tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Gazprom Valery Golubev hay ông Vladimir Vinogradov, vốn sở hữu nhiều công ty an ninh tư nhân và là nhà sản xuất rượu Vodka nổi tiếng. Nhà báo Andrei Soldatov, người sáng lập báo mạng chuyên về tình báo Nga Agentura.ru nhận định: “Ngoài việc đảm bảo an ninh quốc gia, FSB đang tự nhấn mạnh vai trò ứng cứu nền kinh tế, chính trị và văn hóa”. Năm 2006, cơ quan này đã khôi phục giải thưởng dành cho tác phẩm nghệ thuật hoặc văn học xuất sắc nhất liên quan đến các cơ quan an ninh của liên bang .


Biểu tượng của FSB với tấm khiên che thanh kiếm - Ảnh: Wikipedia

Dấu ấn Putin

Ngành tình báo Nga từng trải qua những năm tháng khó khăn vào giai đoạn biến động đầu thập niên 1990. Khi ấy, ngay tại Lubyanka, tiền lương đôi khi bị trả chậm và hàng ngàn nhân viên tình báo phải bỏ nghề. Từ ngày ông Putin, một cựu quan chức cao cấp của KGB, trở thành chủ nhân Điện Kremlin, các cơ quan tình báo Nga đã được đầu tư nhiều hơn hẳn. Theo chuyên gia Jaques Baud, với bề dày kinh nghiệm tại KGB và FSB, tình báo là lĩnh vực mà đương kim Thủ tướng Nga Putin rành rẽ nhất, tin tưởng nhất và thân thuộc nhất. Vì vậy, khi phải đối phó với khủng bố Chechnya, mafia, hay các quan chức tham nhũng, việc tăng cường vị thế của ngành tình báo là chiến lược quan trọng của ông

Hiện nay, tình báo Nga đang đẩy mạnh việc tuyển dụng nhân lực trong các trường đại học. Nam sinh xuất sắc là những đối tượng ưu tiên. Khi chọn được một sinh viên ưu tú từ các đại học hàng đầu về khoa học, chính trị, kinh tế, các cơ quan tình báo sẽ tổ chức phỏng vấn và thuyết phục ứng viên. Đầu vào chất lượng cao, lại được đào tạo đặc biệt, có nhiều quan hệ với các nhân vật quan trọng, việc các mật vụ khi giải nghệ tiếp tục thành công trong kinh doanh là điều dễ hiểu.

Hiện, ngành tình báo Nga vẫn chưa thể so sánh với “thời vàng son”, khi mà toàn xã hội Liên Xô góp phần cung cấp tin tức cho KGB. Tuy nhiên, người Nga vẫn tỏ ra rất sẵn sàng hợp tác với các cơ quan mật vụ. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để FSB và các cơ quan tình báo Nga từng bước tìm lại ánh hào quang của “tiền bối” KGB. 

Các cơ quan mật vụ Nga

Sau khi KGB chấm dứt hoạt động vào tháng 11.1991, các cơ quan mật vụ chủ chốt tại Nga ngoài FSB còn có Cơ quan Tình báo hải ngoại SVR, Cơ quan An ninh FSO, Đơn vị SBP chuyên bảo vệ tổng thống và Đơn vị Tình báo quân đội GRU.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.