Những vụ chạm trán lịch sử với sao chổi

07/11/2010 10:01 GMT+7

(TNO) Ngày 4.11.2010 sẽ mãi được ghi nhận trong sách giáo khoa lịch sử các nước là ngày một phi thuyền không gian tiếp cận sao chổi Hartley 2 với khoảng cách trong vòng 700 km.

Tuy nhiên, Hartley 2 không phải là mục tiêu duy nhất mà tàu EPOXI của NASA hướng đến.

Vào năm 2005, cũng cùng một phi thuyền, lúc đó gọi là Deep Impact, đã không chỉ bay ngang sao chổi Tempel 1 mà còn bắn một thiết bị lõi đồng nặng 370 kg vào thân sao chổi với tốc độ va chạm 16 km/giây, tạo nên một cột khói cao ngút trong không gian. Các khoa học gia ở mặt đất đã nghiên cứu cột khói này nhờ vào hệ thống máy quay trên Deep Impact.

Sau đó, tàu thăm dò được đổi tên là EPOXI và chuyển hướng đến sao chổi thứ 2: Hartley 2.

EPOXI/Deep Impact có lẽ là tàu thăm dò đầu tiên được tái sử dụng cho hai lần nghiên cứu sao chổi khác nhau, nhưng đây không phải là tàu đầu tiên đảm nhậm nhiệm vụ tiếp cận những “quả cầu tuyết bẩn” đầy bí ẩn.

Cho đến nay, với sự trợ giúp của các tàu robot không gian, con người đã không ít lần được “diện kiến” các sao chổi trong khoảng cách gần. Sau đây là những sự kiện đặc biệt:

Halley (1986)

Là sao chổi nổi tiếng nhất trong lịch sử, Halley từng là mục tiêu chính của các cơ quan không gian vào năm 1986 trong thời điểm sao chổi này thực hiện chu kỳ thứ 75 đến 76 xuyên qua hệ mặt trời.

Hiện ngành khoa học sao chổi vẫn là lĩnh vực đang được khám phá, nhưng vào năm 1986, giới khoa học hầu như chẳng biết gì về vật thể mải miết lang thang một cách vô định trong vũ trụ.

Vào tháng 10 năm đó, tàu thăm dò Giotto của Cơ quan Không gian châu u (ESA) đã được gửi đến hội ngộ sao chổi Halley dài 15 km. Tàu thăm dò nặng nửa tấn đã ở cách Halley trong vòng 600 km tính từ nhân sao chổi, và chụp được những bức hình đầu tiên về luồng khí phát ra từ những vùng riêng rẽ trên bề mặt sao chổi.

Đây cũng là sứ mệnh xác nhận lý thuyết về “quả cầu tuyết bẩn”: một sự pha trộn giữa băng dễ thăng hoa và bụi.

Tuy nhiên, Giotto chỉ có thể đến gần sao chổi nổi tiếng nhờ vào sự trợ giúp của Halley Armada, một số các tàu không gian quốc tế được chỉ định đảm nhận nhiệm vụ quan sát sự kiện hiếm hoi này. Giotto chụp được hình ảnh ở cự li gần nhất, nhưng hai tàu Nga/Pháp (Vega 1 và 2) và hai tàu Nhật Bản (Suisei và Sakigake) quan sát từ khoảng cách xa.

Borrelly (2001)

Với kích thước bằng phân nửa Halley, sao chổi Borrelly được phát hiện có những đặc trưng tương đồng với người họ hàng nổi tiếng.


Borrelly vào năm 2001. Ảnh: NASA

Nhân của Borrelly cũng có hình củ khoai tây và rất tối. Nếu nhân của Halley phản xạ 4% ánh sáng chiếu đến thì nhân Borrelly có hệ số phản xạ từ 2,4 - 3%, trong khi nhựa đường là 7%. Theo như quan sát của tàu Deep Space 1 (NASA) vào ngày 22.9.2001, phần đuôi bụi thoát ra từ những phần nứt trên nhân sao chổi, nơi những chất dễ bay hơi “chường mặt” ra ánh sáng mặt trời, làm bốc hơi các lớp bụi băng vào vũ trụ. Khoảng cách tiếp cận khi đó của tàu Deep Space 1 là 3.417 km.

Wild (2004)

Sao chổi Wild 2 đã trải qua một sự thay đổi ngoạn mục vào năm 1974. Theo tính toán của các chuyên gia, do di chuyển quá gần sao Mộc vào năm đó, sao chổi có bề ngang 5 km đã chuyển sang quỹ đạo kéo dài 6 năm so với 43 năm trước khi bị Mộc tinh “bắt nạt”.

Sự thay đổi này đã biến Wild 2 thành mục tiêu lý tưởng cho sứ mệnh Stardust của NASA.

Vào ngày 4.1.2004, tàu Stardust đã đuổi kịp Wild 2 và di chuyển gần đến mức có thể thu thập các phân tử bụi thoát ra từ đầu sao chổi. Hình ảnh dưới đây được chụp ở khoảng cách không đầy 240 km từ tàu thăm dò đến Wild 2.

Mẫu vật do Stardust thu thập được đã trở về trái đất an toàn vào ngày 15.1.2006. Những hạt phân tử này tiếp tục cung cấp một cái nhìn chi tiết hơn về hợp chất hữu cơ của sao chổi.


Wild vào năm 2004. Ảnh: NASA

Điều thú vị là tàu Stardust đã tiếp tục được giao sứ mệnh mới sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ban đầu. Vào năm 2011, nó sẽ có dịp hội ngộ sao chổi Tempel 1 và phân tích hố va chạm do tàu Deep Impact để lại trên bề mặt sao chổi này.

Tempel (2005)

Như đã nhắc ở trên, tàu Deep Impact của NASA đã chạm trán sao chổi Tempel 1 có bề ngang 8 km vào năm 2005.

Vào ngày 4.7.2005, thiết bị phóng từ tàu thăm dò trên đã tạo ra một hố sâu 30m, rộng 100m trên bề mặt Tempel 1.


Tempel vào năm 2005. Ảnh: NASA

Sự va chạm cố ý này có thể được quan sát từ trái đất.

Vào năm tới, đến lượt tàu Stardust đảm nhiệm sứ mệnh nghiên cứu hố va chạm.

Hạo Nhiên
 (Theo Space.com, NASA)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.