Trường học, học sinh “sơ tán” chạy lũ
Sáng sớm 11.11, chúng tôi đến trường THCS Nguyễn Thái Bình (H.Bình Chánh). Con đường dẫn vào trường lúc này nước đã ngập đến mắt cá chân. Dòng nước đen ngòm, nhưng nhiều học sinh (HS) vẫn phải lội bì bõm, quần áo ướt lướt thướt vào lớp học. Nhìn vẻ mặt ngán ngại của chúng tôi, Thanh Ngọc (học lớp 9/1) cười khì: “Bữa nay là đỡ đó chị ơi, chứ mấy bữa trước nước ngập tới đầu gối. Tụi em lội nước đi học quen rồi!”.
Chúng tôi gặp chị Tuyền đang xắn ống quần, cõng đứa con lên lưng vượt qua chỗ nước ngập để vào trường.
Tiếp xúc với chúng tôi, một số phụ huynh bức xúc. “Giữa Sài Gòn, HS đi học chẳng khác gì HS ở vùng ĐBSCL cả. Ngày ngày nhìn con lội nước hôi hám đi học mà đau lòng!”, bà Nguyễn Quỳnh, một phụ huynh nói. Bà kể vì ngán cảnh này mà mỗi đầu năm học, nhiều phụ huynh đã chấp nhận “chạy” để con được học ở những trường khô ráo!
Chỉ vào con nước đang lên sau sân trường, cô Trần Thị Tư, Hiệu phó nhà trường, cho hay năm ngoái trường chi hơn 1 tỉ để nâng nền lên khoảng 30 cm, nhưng năm nay vẫn chìm trong biển nước. “Mấy bữa nước ngập vào phòng học, trường phải “sơ tán” các em lên những phòng bộ môn học tạm, sau khi nước rút lại lo chùi rửa phòng học rồi đưa các em về lớp học lại. Cứ mỗi ngày đến trường, thầy cô và cả HS đều lo không biết hôm nay nước ngập đến đâu!”, cô Tư than thở.
Cùng cảnh ngộ trên là trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh). Những năm trước, khoảng sân rộng nằm giữa trường được thầy cô và HS gọi vui là “hồ bơi thiên nhiên”, vì thường xuyên bị ngập nước do triều cường. Vào giờ chơi, HS ra “hồ bơi” để… bắt cá, thả thuyền. Nhà trường đã vận động phụ huynh đóng góp tiền nâng nền sân trường nên giờ đỡ bị ngập. Nhưng nay nước chuyển sang ngập ở con đường dẫn vào trường, khiến HS đến trường rất khó khăn…
Cũng vì ngập nước, một số phụ huynh phải bấm bụng “sơ tán” con qua nơi khác ở để thuận tiện trong việc đi học. Gia đình ông Phạm Bá Thủy, ngụ tại 25/14E Lương Định Của, P.An Khánh, Q.2, là khu vực thường bị ngập sâu trong nước. Xót con nhiều hôm đến trường trễ vì bố mẹ phải chờ nước rút mới dẫn xe ra, khi thì đến trường trong tình trạng bị ướt sũng, hôi hám, vợ chồng ông quyết định lấy lại căn hộ cho thuê ở Q.4 để “sơ tán” con trai về đó sống, đi học nhằm tránh ngập nước, còn vợ chồng ông chấp nhận sống chung với lũ…
Bán nhà vì ngập nước!
Khu dân cư xã Bình Hưng, H.Bình Chánh mới hình thành gần đây nhưng cũng chịu chung số phận ngập nước. Khoảng 18 giờ ngày 9.11, từ QL 50 rẽ vào đường số 10 khu dân cư này, chúng tôi đã chạm cảnh nước ngập trên các tuyến đường dọc, ngang, bao vây nhà dân.
Cứ mỗi ngày đến trường, thầy cô và cả HS đều lo không biết hôm nay nước ngập đến đâu!
|
|
Cô Trần Thị Tư, Hiệu phó trường THCS Nguyễn Thái Bình, H.Bình Chánh |
Anh Năm Trúc, chủ dịch vụ môi giới nhà đất Thành Công đặt tại khu dân cư này, cho biết ban đầu về đây ở nhiều gia đình, trong đó có gia đình anh cứ tưởng là may mắn vì được ở trong khu dân cư lý tưởng, gần trung tâm TP và khu Phú Mỹ Hưng, các tuyến giao thông lớn... “Nào ngờ, nước bắt đầu ngập ở khu này từ năm 2008. Từ ngày nước ngập người dân bán nhà dời chỗ khác cũng nhiều”, anh Năm Trúc nói.
Chỉ tay qua khu dân cư Phong Phú, chỉ cách khu dân cư Bình Hưng chừng vài chục mét, anh Năm Trúc tiếp: “Mấy anh chị coi có tức không, hai khu dân cư mới chỉ cách nhau có một cây cầu mà đất ở bển 26 triệu/m2, còn bên đây chỉ có 18 triệu/m2 mà bán trầy trật, có người rao mấy năm chưa bán được nhà”. Rồi anh Năm dẫn chứng cạnh nhà anh có một căn nhà 3,5 tấm, được chủ nhà rao bán 2,6 tỉ đồng, có sân trước, sau, nhưng rao mãi chẳng ai mua. “Vì khách tới coi nhà phải lội nước tới đầu gối là họ sợ xanh mặt và chạy mất dép rồi!”, anh cười buồn. Theo anh Năm, sau vài lần hạ giá, khổ chủ cũng bán được căn nhà với giá gần 2 tỉ đồng. “Vậy là may rồi. Ở đây nhiều người hạ giá nhà rao bán mấy năm trời cũng có bán được đâu”, anh Năm thổ lộ…
Ngồi ở nhà anh Năm Trúc chừng nửa tiếng, khi quay ra chúng tôi phát hoảng vì nước đã bao phủ tứ bề, cao gần đến đầu gối và đang tiếp tục dâng lên. Nhìn thấy vẻ mặt ái ngại của chúng tôi, anh Năm lên tiếng: “Chỉ có ai đồng tiền giới hạn mới phải chịu đựng mua nhà ở đây hoặc sống ở đây mà thôi!”.
“Người giàu cũng khóc”
Nhưng không phải cứ có tiền là thoát khỏi cảnh ngập nước. Tòa nhà The Manor tọa lạc ngay “vùng trũng” của đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM nên những người dân sống trong đó luôn bị “cô lập” mỗi khi mưa lớn hay triều cường.
Sáng 10.11, “vùng trũng” này còn nguyên dấu tích của một đêm ngập nặng. Rác la liệt bám mặt đường, nước từ các họng cống đang trào lên ùng ục. Người dân sống xung quanh bắt đầu ngày mới với vẻ uể oải khi vừa bước ra khỏi nhà đã chứng kiến tàn dư trận lụt ngày hôm qua và phấp phỏng lo sợ con nước ngày hôm nay. Gặp chị Lê Thị Quỳnh, người Nam Đàn, Nghệ An, đang sống trong tòa nhà The Manor đứng đón taxi đi làm với vẻ mệt mỏi, chị bảo: “Cả tuần nay gia đình không ai dám dùng xe máy hay xe hơi đi làm mà phải đi taxi hoặc xe ôm”.
Chị kể trận mưa cộng với triều cường chiều 6.11, gia đình chị đi đám cưới và vất vả mấy tiếng đồng hồ “bơi” trên các tuyến đường mới về đến đường Nguyễn Hữu Cảnh. Nhưng khi cách nhà chừng 500m thì chiếc xe 7 chỗ bị ngập hết bánh, không thể đi tiếp. Lúc này đường chật như nêm nên quay xe lại để đi đường khác cũng không được. Một lúc thì xe chết máy. Chị và 3 con phải xuống lội bộ, nước ngập đến bụng. Còn chồng chị khổ sở điều khiển xe và nhờ 5 thanh niên đang đứng trên vỉa hè đẩy về nhà giúp. Hết hơn 2 tiếng đồng hồ mới đưa được xe vào gara. Xong việc, 5 người thanh niên đòi 500 ngàn đồng tiền đẩy xe, nhưng vì thấy họ vất vả, chồng chị xin trả luôn… 1 triệu đồng.
Hàng quán, dịch vụ ế ẩm Ông D.M.Cường, giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh khách sạn trên QL13, P.26, Q.Bình Thạnh, thở dài: “Do nước ngập nên khách sạn giảm 80% lượng khách, thiệt hại cả trăm triệu đồng mỗi tháng”. Tối 8.11, càng đi sâu vào đường Bình Quới, chúng tôi có cảm giác như đang đi trên… sông. Những quán ăn, quán nhậu, quán cà phê vắng tanh. Nhà hàng P.C bình thường khoảng 19 giờ là khách đến đông không còn chỗ ngồi vậy mà hôm đó chỉ lèo tèo vài ba người. Chị P., chủ quán, thở dài: “Khu vực này chỉ quán chúng tôi mở cửa, còn lại dẹp hết rồi, trưa mai mới mở lại nhưng cũng chỉ hoạt động đến 3, 4 giờ chiều”. Nhiều hộ dân, doanh nghiệp in ấn lịch, trồng mai ở “rốn lũ” Bình Thạnh, Thủ Đức… cũng đang thở dài trước cảnh lịch, mai Tết sẽ đìu hiu khi nước ngập dài ngày. |
Nhóm PV CT –XH
Bình luận (0)