Mờ nhạt "Phía cuối cầu vồng"

12/11/2010 00:08 GMT+7

Chuyện phim thú vị (chuyển thể từ Công ty -truyện dài được đánh giá là một thành công của Phan Hồn Nhiên), diễn viên trẻ đẹp, diễn xuất tốt… nhưng Phía cuối cầu vồng vẫn chưa làm người xem hài lòng.

Ngay từ khi phát sóng (trên VTV3), Phía cuối cầu vồng (đạo diễn Mai Hồng Phong, Trần Gia Media sản xuất) hẳn đã được rất đông khán giả - nhất là những ai từng bị mê hoặc bởi Công ty (được đăng trên Báo Sinh Viên Việt Nam, sau đó được NXB Trẻ phát hành) chờ đón.

Phim xoay quanh các mối quan hệ trong công ty quảng cáo, với các nhân vật đều là những bạn trẻ đang háo hức vào đời. Chân dung các nhân vật không khác gì mấy so với truyện nhưng nếu ở Công ty, mỗi nhân vật đều thuyết phục được người đọc và khiến họ hứng thú muốn đọc tiếp, muốn biết diễn tiến các mối quan hệ, biết hậu quả của những mưu mô - khát vọng tiến thân… thì trong phim, hầu như nhân vật nào cũng khiến người xem bực mình vì cứ “dở dở ương ương” và thiếu thực tế.

Đó là Nam Phong (Hoàng Anh đóng), tổng giám đốc tập đoàn lớn, được cho là tài giỏi, học cao hiểu rộng, nhưng cách ứng phó, giải quyết các vấn đề từ việc công đến việc tư đều thiếu chuyên nghiệp, thiếu bản lĩnh. Vô lý nhất là một tổng giám đốc, dù chưa biết rõ năng lực của nhân viên tập sự, lại đến tận nhà nhân viên năn nỉ (sau khi bị cô giận dỗi vì không được giao việc); bắt trợ lý vào vai người mua tranh của cô, chở tranh về nhà để cô theo về, hy vọng sẽ làm lành và được cô đồng ý trở lại công ty. Là Lim (Bích Huyền), nhân vật được cho là thông minh, sành điệu. Vậy mà, ngay cái luật lệ tối thiểu trong công ty cũng không biết: là nhân viên tập sự ở phòng thiết kế, nhưng cứ gặp chuyện gì hay muốn trình bày ý tưởng của mình là chạy ù đến phòng tổng giám đốc. Là Bảo Trang (Lục Diệp), một nhân viên mới vào, được xây dựng là cô gái sắc sảo, thông minh lại dám vất tập tài liệu trước mặt trưởng phòng và giám đốc, và xem mãi chẳng biết cô có vai trò gì ở phòng sale…

Ngoài sự vụng về trong tính cách các nhân vật, vô số những tình tiết trong phim gây… ngớ người! Làm gì có chuyện chỉ vì một mẩu tin tuyển dụng của tập đoàn lớn trên báo mà anh bán báo vừa chạy vừa rao như rao vé số sắp xổ. Cảnh buổi khánh thành công ty danh tiếng cũng chỉ có lèo tèo vài khách, vậy làm sao đủ hấp lực để các bạn trẻ đứng ngoài (trong đó có Lim) khấp khởi, muốn vào làm việc. Công ty tuyển người mẫu để quảng cáo cho sản phẩm lại “không quan tâm thân thế người mẫu” càng sai nguyên tắc xưa nay. Và chưa kể hàng loạt cảnh quay “phô” vì quảng cáo cho các nhãn hàng tài trợ phim.

Dù không thể buộc phim phải làm giống như truyện, nhưng xem một bộ phim lẽ ra hấp dẫn, thú vị vì có chất liệu là một câu chuyện đầy sinh động của giới trẻ lại ngây ngô, mắc quá nhiều lỗi như vậy thì khó lòng không… so sánh. Vì thế, tuy các diễn viên đã cố gắng làm tốt vai trò của mình, nhưng sự thiếu thuyết phục từ tính cách nhân vật đến nhiều vấn đề trong phim làm Phía cuối cầu vồng nhạt đi.

Tác giả truyện nói gì?

Khi phim phát sóng nửa chặng đường, trong lần trò chuyện với nhà văn Phan Hồn Nhiên, khá bất ngờ khi cô cho biết: vì quá bận rộn nên không có thời gian xem phim. Dẫu vậy, cô đã thể hiện rõ quan điểm của mình: “truyện là của tôi - người viết, khi chuyển thể thành kịch bản là của nhà biên kịch, và khi là phim thì tất nhiên của đạo diễn. Mỗi tác phẩm đều có sự độc lập. Khi đồng ý để truyện của mình được chuyển thể, tôi tôn trọng sự độc lập đó”.

Nguyên Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.