Trùng tu văn hóa phải có... văn hóa

14/11/2010 23:44 GMT+7

Loạt bài viết về trùng tu di tích đăng trên Thanh Niên đã thu hút đông đảo sự quan tâm của bạn đọc, đa số phản đối việc trùng tu cẩu thả làm mất đi ý nghĩa tinh thần của những di tích mang đậm nét văn hóa dân tộc.

Còn rất nhiều công trình vi phạm

Không phải chỉ có cổng đền Voi Phục đâu. Việc cổng chùa thành cổng đền, mái chùa thành mái đền rất phổ biến ở nhiều nơi, như cổng đền Thượng - Lào Cai, mái đền Đông Cuông - Yên Bái... Vũ Hoàng Vinh (TP Hà Nội)

Phía trước chùa Huê Nghiêm 2 (ngôi chùa này rất lớn, đang xây dựng) trên đường Lương Định Của, Q.2, TP.HCM họ cũng vừa đặt 2 con sư tử bằng đá rất to, nhìn rất hung dữ. (saigon0904@yahoo.com)

Hôm rồi đi ngang qua đền đức thánh Trần (Thủ Đức, TP.HCM) cũng thấy lù lù hai con sư tử đá. Đây là hình thức xâm lăng văn hóa. (vuongngoclong@yahoo.com)

Sai ngay từ những tiểu tiết

Nếu bạn có dịp đi tham quan các di tích, các công trình tín ngưỡng tôn giáo ở TP.HCM hay Hà Nội, chúng ta có thể nhận thấy rõ ràng trong các nơi thể hiện văn hóa Việt ấy lại tràn ngập văn hóa ngoại lai. Sự trưng bày các sản phẩm nội thất theo tôi là chưa hợp lý lắm, cụ thể ở đây là đồ sứ. Tại sao nước ta có nhiều nơi làm ra đồ gốm, sứ nổi tiếng và đẹp như: Bát Tràng, Chu Đậu, Hương Canh, Phước Tích, Biên Hòa, Lái Thiêu... nhưng hầu như tại các công trình chúng ta đều trưng bày gốm sứ Trung Hoa, ví dụ như: Tại lăng Tả quân Lê Văn Duyệt (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nổi bật hai bên bàn thờ ông (ở gian cuối) là hai chiếc đại lục bình vẽ rồng của Trung Quốc, ở chùa Vĩnh Nghiêm thì cũng tương tự, chùa Hoằng Pháp (H.Hóc Môn) cũng chẳng khác gì... Tại chùa Một Cột (Hà Nội) còn có một cặp lục bình rất to cũng là sản phẩm của Trung Quốc ở trong chánh điện... Thiết nghĩ những việc nhỏ như thế nhưng những người làm văn hóa cũng cần cân nhắc. (nguyenvanthienpatp@gmail.com)

Nên bỏ những cái… ngoại lai

Mỗi lần nhìn thấy hình ảnh chùa Một Cột là tôi lại ước ao được ra Hà Nội để ngắm nhìn di tích thật ấy và trong tôi tưởng tượng ra nó cổ kính và trang nghiêm, mang đậm dấu ấn lịch sử nước nhà. Vậy mà lại xảy ra cớ sự này. Theo tôi, nếu đã được xác định là những cái ngoại lai không phải văn hóa Việt mà người ta đưa vào di tích Việt thì nên dỡ bỏ, trả lại giá trị cho nó. Không những thế phải tuyên truyền giáo dục cho mọi người biết các giá trị tinh thần, văn hóa của di tích Việt. Để làm sao người ta nhìn vào là biết ngay đó là Việt Nam, là văn hóa, là di tích Việt Nam để lại cho muôn đời sau. (binhnh2006@gmail.com)

Phải có một quy trình nghiêm ngặt

Theo tôi, việc trùng tu một công trình di tích lịch sử đã được xếp hạng phải được thực hiện theo một trình tự thủ tục thật chặt chẽ. Ấy vậy mà vẫn xảy ra tình trạng thực hiện trùng tu di tích lịch sử làm thay đổi hẳn diện mạo hoặc kiến trúc so với hiện trạng ban đầu, như vậy là mục tiêu đầu tư đã không đạt được, gây nhiều bức xúc trong dư luận. Tôi nghĩ rằng cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cần nhanh chóng vào cuộc làm rõ trách nhiệm của cá nhân hoặc tổ chức đã để xảy ra tình trạng sai sót nêu trên, đồng thời có biện pháp sửa chữa khôi phục lại các công trình di tích lịch sử này theo đúng diện mạo và kiến trúc ban đầu, nhằm bảo tồn những di tích lịch sử có giá trị của dân tộc. Hà Trọng Quảng (560/18 Nguyễn Thái Sơn, P.5, Q.Gò Vấp, TP.HCM)

Ban CTBĐ (tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.