Sao lại bán vé quá sát Tết?
Thời điểm bán vé Tết được ngành hàng không cân nhắc kỹ và lên kế hoạch chu đáo. Hiện nay, hầu hết các hãng hàng không trong nước thường tổ chức bán vé Tết từ sớm hơn nửa năm để làm giãn nhu cầu của người dân, tránh tình trạng cục bộ số đông cần vé.
Trong khi đó, ngành đường sắt bán vé tàu Tết vào tháng 11 hoặc 12 hằng năm, quá sát thời điểm Tết, khiến cho nhu cầu tăng cao đột biến gây nên tình trạng sập mạng (như hôm 15.11 vừa qua) hoặc chen chúc ra ga tìm mua vé.
Tại sao ngành đường sắt không có kế hoạch bán vé tàu Tết sớm hơn, và phân đợt bán vé theo từng tuyến? Cách làm này sẽ giải quyết được tình trạng cục bộ số đông mà năm nào cũng diễn ra.
Chính cách làm bán vé tàu Tết qua mạng quá sát Tết cộng với việc dung lượng truy cập chỉ cho khoảng 1.000 người online cùng lúc đã khiến cho mạng vetau.com.vn bị nghẽn cứng.
Mua vé qua mạng sẽ hạn chế cảnh hành khách vất vả xếp hàng, ngồi chờ - Ảnh: T.L |
Vào lúc cao điểm, một hãng hàng không lớn tại VN từng đón nhận cùng lúc 45.000 lượt truy cập, còn hãng hàng không giá rẻ phổ biến tại VN cũng có khoảng 34.000 lượt người online trong một thời điểm.
Nếu đã chọn giải pháp bán vé qua mạng, thì về mặt bằng đầu tư hệ thống mạng, ngành đường sắt cũng phải tiên lượng trước tình hình nhu cầu tăng cao, và có biện pháp hữu hiệu.
Bên cạnh đó, việc tuyên truyền hướng dẫn thao tác mua vé trên mạng của ngành lại khá sơ sài và chỉ được công bố khi tung ra thực hiện. Điều này dẫn đến tình trạng lúng túng của đại đa số bộ phận người dân khi tham gia mua vé.
Một cán bộ Jetstar Pacific cho biết, trước khi bán vé Tết, Jetstar Pacific liên tục có những đợt khuyến mãi vé giá rẻ để hành khách thao tác và làm quen dần với hình thức thanh toán trên mạng.
Đầu tư không khó
Bán vé qua mạng là một giải pháp rất hay, tận dụng ưu thế lớn của thương mại điện tử. Ở nước ta, thương mại điện tử còn khá mới mẻ. Một trong những lý do khiến nhiều người ngại khi đầu tư cho thương mại điện tử là tốn kém.
Tuy nhiên, một cán bộ Vietnam Airlines cho biết: "Nếu phải làm từ đầu đến cuối cho “ngôi nhà” thương mại điện tử thì rất đắt nhưng nếu chia nhỏ, hoặc thuê lại từng phần để phục vụ đúng mục đích yêu cầu của doanh nghiệp thì chi phí khá thấp”.
Trong khi đó, một cán bộ của Jetstar Pacific bổ sung: "Khó khăn nhất là chi phí ban đầu và lựa chọn công nghệ thanh toán thích hợp. Nếu làm tốt phần này thì khi phát triển hoặc thêm vào ứng dụng cũng dễ dàng và không mấy tốn kém chi phí phát sinh về sau”.
|
Cách thanh toán vé tàu trên mạng rất… thủ công Mặc dù thực hiện phương pháp bán vé qua mạng nhưng cách làm của ngành đường sắt khá nửa vời và rất thủ công. Hành khách (HK) khi đã đặt được chỗ trên mạng, nếu là ngày thường thì trong vòng 24 giờ (ngày cao điểm Tết là 72 giờ) sau phải thanh toán tiền vé qua thẻ ATM của Vietinbank, tại các chi nhánh của Vietinbank hoặc đến các ga trả tiền rồi mới... nhận vé. Khi đã thanh toán, HK lúc nào đến ga, các đại lý lấy vé cũng được. Nếu như HK muốn có ngay vé tàu Tết, thì trong vòng 72 giờ sau khi đặt chỗ, phải... đến ga, các đại lý để thanh toán tiền và nhận vé. Cách làm trên thật ra chỉ phân tán số lượng hành khách mua vé ban đầu, sau đó số hành khách đến ga nhận vé cũng sẽ cùng tập trung trở lại một lúc. Trong khi cách áp dụng của ngành hàng không hiện nay là sau khi đặt chỗ trên mạng sẽ có ngay mã đặt chỗ (tương đương như vé). Khi thanh toán, hành khách có nhiều chọn lựa như thanh toán trực tuyến, ra ngân hàng, bưu điện hoặc các đại lý, không cần ra sân bay thì mã đặt chỗ đó sẽ có hiệu lực, không cần phải nhận vé. T.Trung |
Phát triển thêm đại lý
Ngoài ra, cũng cần phải nói thêm rằng việc phát triển mạnh và rộng rãi các đại lý vé máy bay cũng giúp cho hành khách có thêm nhiều phương thức mua vé để lựa chọn.
Tại Vietnam Airlines, gần như các đại lý không cạnh tranh nhau vì hoa hồng cao hay thấp mà chủ yếu tập trung vào “phí dịch vụ tốt”. Từ việc tư vấn, đặt vé, hoàn vé, đại lý nào làm tốt sẽ được đông đảo khách hàng tìm đến và họ sẵn sàng trả thêm phí dịch vụ.
|
Theo tìm hiểu của Thanh Niên Online, tại TP.HCM hiện nay chỉ có khoảng 11 đại lý bán vé tàu hỏa. Một con số quá ít so với các đại lý vé máy bay, chính vì vậy mà muốn mua vé tàu thì người dân chỉ biết… ra ga.
Phải nói thẳng rằng, không phải vì hàng không là ngành "giàu có", phục vụ tầng lớp trung bình khá nên có thể làm được những việc trên. Bởi đơn giản, đó là một xu thế tất yếu bắt buộc hội nhập với toàn cầu và cạnh tranh giữa các hãng với nhau, mang đến tiện ích tối đa cho hành khách.
Nói như vậy để thấy rằng, nếu đường sắt đã muốn làm thì chuyện thương mại điện tử cũng chẳng khó khăn gì. Dù lượng vé ít nhưng vẫn có nhiều cách để có thể triển khai bán vé đến với khách hàng một cách thuận tiện nhất.
Thế nhưng, dường như ngành đường sắt chưa thực sự muốn thực hiện hoặc còn quá "đủng đỉnh" năm này qua năm khác.
Nghẽn vì không đủ vé Tính đến 16 giờ chiều 16.11, đã có 50% lượng vé tàu Tết được đặt chỗ trên mạng, ông Đinh Văn Sang, Phó giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn cho biết. Tình hình mạng vetau.com.vn trong ngày 16.11 hầu như “thông thoáng”, không xảy ra tình trạng nghẽn mạng như ngày trước đó. Giải thích vấn đề này, theo ông Sang: “Một phần do Vietinbank đã nâng cấp đường truyền. Một phần do khách hàng đã đổ dồn mua vé tàu Tết ngay thời điểm đầu tiên “mở” mạng. Trên mạng vé đi vào những ngày cao điểm hầu hết đã có chủ. Nên không còn xảy ra tình trạng “chen lấn” trên mạng nữa". Với tốc độ đặt vé như hiện nay, công ty dự kiến khoảng 2-3 ngày nữa sẽ hết vé. Đến đầu tháng 12, những vé còn lại sẽ được “kéo xuống” bán tại ga. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là khách hàng đang đến ga và ngân hàng quá đông, có thể gây “tắc nghẽn” trong việc thanh toán tiền vé. Ông Nguyễn Văn Thành, Phó trưởng Ga Sài Gòn cho biết, phiếu đặt chỗ có thời hạn thanh toán tiền là 5 ngày kể từ ngày đặt chỗ thành công. Vì thế, khách hàng không cần phải đổ dồn về Ga Sài Gòn để thanh toán. * Năm nào ngành đường sắt cũng chứng kiến cảnh hành khách xếp hàng, canh vé, khổ ải vì vé tàu mà vẫn không có phương án giải quyết khả thi hơn? - Ông Đinh Văn Sang: Hình thức bán vé qua mạng giúp khách hàng tránh tập trung đông đúc tại một chỗ, tránh cảnh xếp hàng mệt mỏi, chờ đợi tại ga từ tờ mờ sáng cho tới đêm như những năm trước. Với việc đăng ký vé tàu qua mạng, khách hàng có thể đặt vé với bất cứ phương tiện nào có kết nối internet, ở bất cứ đâu. Việc đăng ký vé qua mạng cũng cho phép khách hàng tra cứu thông tin về chuyến tàu, thông tin đặt chỗ; chứ không như đặt vé qua tin nhắn được áp dụng vào năm ngoái, không thể tra cứu được những thông tin này. Vì thế, đây là một hình thức tiện dụng cho khách hàng. * Tại sao Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn không phân phối vé tàu Tết với nhiều hình thức cùng một lúc (mua vé tại ga, tại đại lý và trên mạng, như ngành hàng không đã làm) để tránh cảnh nghẽn mạng, nghẽn ga? - Ông Đinh Văn Sang: Hiện nay, tại TP.HCM có 11 đại lý bán vé tàu hỏa. Tuy nhiên, do chưa kết nối được với các ngân hàng khác nên khách hàng chỉ có thể thanh toán qua Vietinbank. Nhưng tương lai, hệ thống ngân hàng có thể thanh toán vé tàu sẽ được mở rộng. * Nhưng vẫn còn tình trạng người dân vẫn chật vật để đăng ký vé, xếp hàng tại ga để chờ thanh toán hoặc đặt vé, may mắn mới có còn đa số đều không mua được? - Ông Đinh Văn Sang: Điểm mấu chốt là lượng vé ít, không đáp ứng được nhu cầu mua của người dân. Điều này đã dẫn đến tình trạng khách hàng tập trung đông (bất kể trên mạng, tại ga hay đại lý bán vé) để có thể mua được vé. Với những nguyên nhân như trên thì xem ra cảnh kẹt mạng, kẹt ga, người dân phải thức đêm, canh ngày, hành khách bị hành đến khổ để để mua được vé tàu chỉ có thể cải thiện khi năng lực vận chuyển hành khách của ngành đường sắt được nâng cao. Viên An |
Thành Trung
Bình luận (0)