Sự cố từ... miệng
Mới đây, Bệnh viện (BV) T.Ư Quân đội 108 (Hà Nội) tiếp nhận một cháu bé nuốt phải viên đạn súng hơi bằng chì. Viên đạn không vào đường tiêu hóa để có thể thải ra ngoài mà “lạc” vào phế quản, gây bít tắc phế quản, vì vậy buộc các bác sĩ phải cắt một phần thùy phổi của bé. Trường hợp này không thể nội soi lấy được viên đạn chì, vì viên đạn đã bít tắc một nhánh phế quản gây áp - xe phổi. Nếu không xử lý sớm, chì còn gây nhiễm độc.
Tại khoa Ngoại tổng hợp của BV 108 cũng từng tiếp nhận một bệnh nhân nam, trung niên, nhập viện trong tình trạng bị đau cổ, nghẹn, khó nuốt sau khi tham dự buổi liên hoan từ một tuần trước đó. Bệnh nhân từng đến khám tại một BV, chụp X-quang, các bác sĩ khi đó chẩn đoán là có khối u thực quản. “Tuy nhiên, khi bệnh nhân đến đây, chúng tôi phát hiện “khối u” đó chỉ là mảnh xương mắc ở thực quản. Lúc này bệnh nhân mới nhớ lại, khi liên hoan có ăn thịt vịt...”, PGS-TS Triệu Triều Dương, Chủ nhiệm khoa Ngoại tổng hợp, BV 108 cho biết.
Theo PGS-TS Triệu Triều Dương, nguyên nhân nuốt phải dị vật phần lớn là do bất cẩn, hay vô tình, đôi khi có trường hợp cố ý. Nhưng dù tình huống nào cũng vô cùng nguy hiểm cho người bệnh. Dị vật đó có thể xâm lấn, gây tổn thương thành ống tiêu hóa, gây viêm nhiễm hoặc thủng đường ống tiêu hóa.
Cần chữa trị càng sớm càng tốt Trong trường hợp không may gặp các sự cố do dị vật, cần khẩn trương đến cơ sở y tế sớm. Những trường hợp nặng cần đến thẳng BV lớn để được cứu chữa kịp thời, nhằm giữ lại được chức năng sinh lý cần thiết cho cơ thể. Sự trì hoãn, chậm trễ sẽ làm chậm cơ hội được điều trị. |
Gần đây nhất là một trường hợp bệnh nhân nam bị u dạ dày, đã phẫu thuật cắt bỏ. “Chúng tôi rất bất ngờ bởi lõi bên trong khối u đó là một đoạn dây kim loại dài chừng hơn 2 cm uốn cong. Đoạn vòng sắt này chắc chắn đã “cư trú” lâu dài trong dạ dày nên nó đã được tổ chức cơ của cơ thể bao bọc lại, phát triển tạo thành một khối xơ hóa, làm hẹp ống môn vị.
Trước khi đến khoa Ngoại tổng hợp, bệnh nhân đã được chẩn đoán là ung thư dạ dày. Tuy nhiên kết quả xét nghiệm sinh thiết cho thấy đó là u lành tính. Dù vậy, bệnh nhân vẫn phải cắt bỏ 3/4 dạ dày”, ông Dương nói.
Nhầm lẫn nguy hiểm
Không hiếm sự cố do nhầm lẫn đã đưa những chất lạ vào cơ thể dẫn đến tàn phế. PGS-TS Triệu Triều Dương cho biết, BV từng tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân uống nhầm phải thuốc sơn móng tay, thậm chí uống phải axít. Gần đây nhất là bệnh nhân nam, trung niên, khi đi uống rượu về khát nước đã uống nhầm phải axít ắc-quy (gia đình sửa xe máy).
Hậu quả của nhầm lẫn này rất nghiêm trọng, axít đã gây bỏng, bó hẹp toàn bộ thực quản, hẹp khít tâm vị, hang vị dạ dày bị tổn thương phá hủy tạo thành một khối xơ. Tình trạng này buộc các bác sĩ phải tiến hành mổ cắt bỏ toàn bộ thực quản và dạ dày do hệ thống này đã bị loét và tổn thương, không còn duy trì được chức năng.
Bác sĩ đã đưa đại tràng trái lên thay cho thực quản, chỉ giúp bệnh nhân cải thiện được một phần chức năng (bệnh nhân có thể ăn được một số thức ăn mềm, lỏng).
Liên Châu
Bình luận (0)