Khi thầy, cô giáo lên phim

17/11/2010 10:39 GMT+7

Thầy cô giáo thường trở thành nhân vật không thể thiếu trong các phim về tuổi học trò. Khá nhiều bộ phim nước ngoài khai thác thành công đề tài về trường học với các nhân vật chính là thầy cô. Chỉ riêng Hollywood đã có đến hàng chục diễn viên đóng vai giáo viên thành công ở cả phim nhựa và truyền hình. Ở Việt Nam, tuy chưa có nhiều những hình ảnh thầy cô giáo trên phim trở thành thần tượng với khán giả “nhí” nhưng các vai diễn ít nhiều góp phần khắc họa phong phú hình ảnh những “kỹ sư tâm hồn”.

Đoạt giải nhờ vai cô giáo

Nam diễn viên đóng đinh tên tuổi với nhân vật thầy giáo là Hữu Mười. Sau vai thầy giáo Thứ trong Làng Vũ Đại ngày ấy, anh khẳng định tài năng diễn xuất chân thật, mộc mạc với vai thầy giáo Khang trong bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười (đạo diễn Đặng Nhật Minh). Không chỉ hợp với vai thầy giáo từ vóc dáng thư sinh đến khuôn mặt hồn hậu, anh thể hiện hình ảnh người thầy với phẩm chất nhiệt thành, tốt bụng.

Nữ diễn viên có duyên với vai cô giáo phải kể đến Hồng Ánh. Với vai cô giáo Giao trong phim Thung lũng hoang vắng (đạo diễn Nhuệ Giang), Hồng Ánh đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất LHP Việt Nam lần thứ 13 và bộ phim đoạt giải Bông sen bạc tại LHP này.

Vai diễn gần đây đưa Hồng Ánh đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất ở hạng mục phim Á - Phi thuộc Liên hoan Phim quốc tế Dubai và giải Cánh diều vàng 2008 cũng là vai cô giáo, dẫu hình ảnh nghề giáo chỉ lướt qua trên phim. Đó là Hạnh trong Trăng nơi đáy giếng (đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn).

Hồng Ánh còn vào vai cô giáo Trinh trong bộ phim Kính vạn hoa phần 3 (đạo diễn Đỗ Phú Hải), chủ nhiệm một lớp có nhiều học sinh rất “quậy”. Vai diễn bị so sánh với người thủ vai này ở các phần trước đó nhưng là hình ảnh cô giáo năng động, hiện đại, khác với các vai cô giáo trước đó của Hồng Ánh.

Vai cô giáo của Hiền Mai trong phim truyền hình Tuổi thần tiên (hay còn có tên khác Cu Tí và cô giáo Mai của đạo diễn Phan Hoàng) phát sóng từ cách đây hơn chục năm nhưng vẫn được nhiều người nhắc bởi hình ảnh cô giáo tận tụy và yêu thương học trò. Phải có tình yêu trẻ thơ đến mức nào cô giáo Mai mới có thể vượt qua những trở ngại, ngay cả khi bị xúc phạm, bị hiểu lầm…, để giúp trẻ tiến bộ, chăm ngoan và học giỏi.

Tốt nghiệp sư phạm và yêu nghề giáo, Hiền Mai đã hóa thân thành cô giáo thật sự trên phim nên vai diễn của chị khiến người xem xúc động.

Khác với hình ảnh cô giáo ngoan hiền thường thấy, ca sĩ Hồ Ngọc Hà gây được dấu ấn bởi cô giáo Hoài An trẻ trung, hiện đại trong phim Chiến dịch trái tim bên phải (đạo diễn Đào Duy Phúc). Hoài An mới ra trường về làm chủ nhiệm lớp 7 có những học trò thuộc nhóm “bát quái” học giỏi nhưng không kém phần ngổ ngáo; cảm hóa được “bát quái”, chúng trở nên ngoan ngoãn và còn làm ông bà mối cho cô giáo...

Có thể coi bộ phim này là bước đột phá trong việc xây dựng hình ảnh thầy cô giáo mang tính “truyền thống” trong thời gian dài trên màn ảnh trước đó.

Dường như hơn bất kỳ ngành nghề nào, nghề giáo được phản ánh khá kỹ càng trên màn ảnh và ngày càng có nhiều nhân vật làm nghề giáo xuất hiện trên phim. Có lẽ điều này xuất phát từ việc hiểu biết của các nhà biên kịch đối với nghề giáo khiến nghề nghiệp này được nhiều phim khai thác.

Hơn nữa, phim đề tài gia đình thì giáo dục nhà trường là yếu tố không thể thiếu trong việc hình thành nhân cách của trẻ. Chưa kể giáo dục ở nước ta đang đặt ra khá nhiều vấn đề khiến các nhà làm phim trăn trở…

Thiếu cảm xúc và sự đa dạng

Nhiều hình mẫu thầy cô giáo trên phim nhưng có lẽ do kịch bản của nhiều bộ phim chưa khai thác được sự phong phú và đa dạng của những người làm nghề này khiến thầy cô giáo trên phim dễ bị đóng khung bởi những tính cách quen thuộc đến nhàm chán…

Cũng một phần vì nỗi e ngại của những người làm phim khi đụng chạm đến nghề sư phạm, nếu xây dựng nhân vật giáo viên cá tính dễ bị gắn cho tội làm méo mó hình ảnh người thầy hay gặp phải phản ứng của những người làm nghề này, như đã từng xảy ra với không ít phim...

Diễn viên Hồng Ánh quan niệm, cô giáo trước hết phải là bạn của các em, có thể giúp các em giải quyết và chia sẻ những khó khăn về tâm lý tuổi mới lớn mà các em không dễ tâm sự với bố, mẹ hay bạn bè. Vì thế, cô cho rằng, giáo viên không lúc nào cũng phải ra dáng đạo mạo và không phải cứ luôn đứng ở vị trí dạy dỗ học trò.

Ca sĩ Hồ Ngọc Hà chia sẻ: “Khán giả mong muốn thầy cô giáo lên phim chân thật nhưng có những phim, hình ảnh thầy giáo chân thật quá đến mức trần trụi lại gây phản cảm. Tôi chỉ mong các thầy cô giáo trên phim mềm mại chứ không còn cứng ngắc để người xem cảm thấy dễ chịu hơn”.

Thể hiện hình ảnh thầy cô giáo trên phim suy cho cùng là việc diễn xuất cho ra hồn vía nhân vật. Tuy nhiên, trong khi những nghề nghiệp khác của nhân vật có khi rất xa lạ với diễn viên thì ai cũng từng có những năm tháng học trò nên không còn xa lạ với những hình mẫu giáo viên ngoài đời cùng những nét tính cách đặc trưng của nghề này. Vì vậy, diễn viên có thể đong đầy cảm xúc hơn khi vào vai thầy cô giáo, đặc biệt với những ai đã sống với tuổi học trò chất chứa nhiều kỷ niệm.

Đề tài giáo dục nói riêng hay phim có nhân vật làm nghề giáo luôn như mỏ quặng phong phú đòi hỏi các nhà làm phim tìm tòi và khai phá hiệu quả hơn nữa, nhất là hình ảnh giáo viên của ngày hôm nay đang tích tụ nhiều hơn những dấu ấn của cuộc sống phong phú nhưng cũng không kém phần… phức tạp.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.