Khổ vì nhà máy xi măng

17/11/2010 00:18 GMT+7

Hơn 50 năm nay, 270 hộ dân thôn Khánh Tân, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai (Hà Nội) phải sống chung với bụi và tiếng ồn của nhà máy xi măng Sài Sơn.

Thành lập năm 1958, Công ty cổ phần Xi măng Sài Sơn là nhà máy xi măng lò đứng đầu tiên của Việt Nam.

Ngay từ những mét đường đầu tiên dẫn vào thôn Khánh Tân, đã có thể cảm nhận được sự ô nhiễm. Từng nóc nhà, từng vật dụng, từng thân cây kẽ lá trong vườn, ngoài ruộng… đều phủ bụi đá, bụi clinker, bụi xi măng thành phẩm. Càng vào sâu trong thôn, bụi càng dày đặc, đóng thành bờ.

Nhà chị Tạ Thị Huệ chỉ cách xưởng nghiền clinker một bức tường. Đẩy hé cảnh cửa, kéo nốt tấm mành trúc, chị Huệ mời chúng tôi vào nhà.

“Đấy chú xem, ban ngày ban mặt, gió trời lồng lộng thế kia mà nhà mình lúc nào cũng kín cửa. Chỉ từ sáng tới gần trưa đã phải lau đồ đạc, bàn ghế tới hai, ba bận”, chị Huệ cho hay.

Trên buồng ngủ ở gác hai của con gái, cầu thang cũng bám dày những lớp bụi xi măng. Cũng trên tầng hai, chị Huệ chỉ đống quần áo: “Đây, giặt xong mà cũng không dám mang ra ngoài trời nắng phơi, phơi trong nhà không được nắng sẽ hôi nhưng như thế còn hơn vì phơi bên ngoài thì bụi ximăng bám đầy, mặc rất là ngứa”.

Nằm không xa nhà chị Huệ, nhà ông Dương Danh Việt cũng chỉ cách nhà máy xi măng một bức tường. Ông Việt bức xúc cho biết, mỗi sáng ngủ dậy, mọi thứ đồ đạc trong nhà, ngoài sân đều phủ một lớp bụi xi măng trắng xóa, chỉ riêng việc quét dọn nhà cửa, lau chùi đồ đạc cho khỏi bụi cũng đủ hết ngày.

Ông cho biết, đã phải sống chung với bụi của nhà máy từ khi còn là một cậu học sinh cấp hai. Khói bụi xi măng cũng đã khiến một số thành viên trong gia đình ông mắc chứng bệnh đau mắt, viêm mũi từ nhiều năm nay. Gần đây nhất, hai đứa cháu 9 và 18 tháng tuổi cũng thường xuyên bị ho, đau mắt giống như bố mẹ nó.

Ông Việt cho biết, người dân nơi đây còn bức xúc bởi tiếng ồn từ máy đập đá, từ dây chuyền máy nghiền clinker chạy suốt ngày đêm, khiến cho người già, trẻ nhỏ thường xuyên bị mất ngủ.

“Từ chỗ bị mất ngủ đêm do tiếng máy bên nhà máy nên các cháu bé sinh ra thường khóc nhiều, biếng ăn, chăm thế nào cũng vẫn còi cọc”, con dâu ông Việt than phiền.

Ông Lê Anh Tuấn, trưởng thôn Khánh Tân cho biết, việc người dân làm đơn gửi lên thôn phản ảnh về tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, bụi xi măng phát ra từ Công ty Xi măng Sài Sơn từ nhiều năm nay là có thật.

Thậm chí, đang đêm trưởng thôn còn bị người dân dựng dậy, yêu cầu tới nhà họ để lập biên bản do không ngủ được vì hít phải nhiều bụi và phải nghe tiếng ồn phát ra từ nhà máy xi măng.

Mong mỏi của người dân Khánh Tân cũng như nhân dân toàn xã Sài Sơn không gì khác hơn là các cơ quan chức năng của thành phố và huyện Quốc Oai sớm dời nhà máy đi nơi khác.

Trong khi đó, tại buổi làm việc với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Mơ, Phó trưởng phòng Tổ chức Hành chính Công ty xi măng Sài Sơn lại cho hay, từ vài năm nay, đơn vị không hề nhận được bất kỳ một đơn thư phản ánh nào của người dân.

Cũng theo bà Mơ, mỗi năm hai lần, nhà máy lại mời cơ quan chức năng về kiểm tra, các thông số về môi trường đều trong ngưỡng cho phép. Ngoài ra, hàng năm Công ty đều trích một khoản tiền cho thôn Khánh Tân, “coi như là tiền đền bù cho môi trường bị ô nhiễm”.

Bà Mơ cho biết thêm, hiện Công ty Xi măng Sài Sơn đang triển khai xây dựng cơ sở sản xuất tại xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ). Nhưng chính xác bao giờ hoàn thành dự án và di dời nhà máy thì không biết chính xác.

Hà An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.