Chóng mặt với “cò” vé tàu

18/11/2010 08:55 GMT+7

Còn gần 3 tháng nữa mới đến Tết nguyên đán nhưng khu vực trước ga Hà Nội đã có nhiều “cò” túc trực “kiếm ăn” nhờ vé tàu Tết.

Vừa dừng xe trước cổng ga Hà Nội, chúng tôi đã bị gần chục người cả nam lẫn nữ quây kín, hỏi dồn dập: “vé tàu Tết hả?”, “đi đâu?”, “đi ngày nào?”… Khi biết chúng tôi muốn đi Nha Trang ngày 26 tháng Chạp, một người đàn ông tên Đức lấy trong túi ra một quyển lịch nhỏ rồi bảo “có vé” và dẫn chúng tôi sang một quán nước trước ga. Tại đây, một nữ “cò” khoảng 40 tuổi ra giá, nếu đặt tiền và lấy ngay thì đưa chứng minh thư, giá mỗi vé sẽ chênh lên 150.000 đồng. Chờ ba ngày mới lấy thì chênh lệch là 100.000 đồng, một tuần thì chỉ 50.000 đồng.

“Cứ giá ghi trên vé là bao nhiêu thì cộng thêm số này vào”, chị “cò” giảng giải. Người này cũng không quên cảnh báo, càng để lâu, cận ngày thì tiền chênh lệch này càng nhiều. Năm trước, nhiều người không mua sớm, cuối cùng giá vé chênh lên hơn 300.000 đồng mà vẫn phải mua.

Cũng theo “cò” này, mức giá chênh lệch không phụ thuộc vào vé đi đến đâu mà phụ thuộc vào chuyến tàu nào, ngày nào. Những chuyến đã gần kín chỗ nhưng nhiều người muốn đi thì mức chênh lệch càng cao.

Trở lại với chuyến đi Nha Trang, chúng tôi lấy cớ chê đắt bỏ đi thì người tên Đức ban nãy bảo: “Ông cứ đi khảo giá của mấy chục thằng “cò” ở ga này, nếu mua được rẻ hơn, tôi biếu thêm cặp vé nữa”.

Rời chỗ Đức, chúng tôi tiếp cận một người đàn ông chừng hơn 50 tuổi, tên Cường hỏi mua vé đi Sài Gòn và Vinh vào ngày 26 và 27 tháng Chạp và về lại Hà Nội ngày mùng 3, mùng 4 tết. “Cò” Cường khen chúng tôi “đã tìm đúng địa chỉ” mua vé và khoe đã có hơn 20 năm thâm niên phe vé ở ga Hà Nội nên được “anh em trong nghề” tôn lên làm “cò cụ”.

“Nếu lấy ngay, vé đi Sài Gòn vênh 150.000 đồng/vé, đi Vinh vênh 200.000 đồng/vé vòng đi, vòng về thì 100.000/vé Sài Gòn về Hà Nội và 150.000 vé từ Vinh về Hà Nội. Chú thông cảm, vé tàu đi trước Tết bao giờ cũng đắt hơn sau Tết. Chú gặp anh là mối chuẩn nên có giá chuẩn luôn chứ nếu gặp mấy thằng “cò bửa” thì chúng nó quay cho chóng mặt”, “cò cụ” chào hàng.

Theo “cò” Cường thì việc kiếm được vé đi ga Vinh bao giờ cũng khó hơn đi Sài Gòn, đấy là nguyên nhân khiến giá vé tàu này luôn “vênh” hơn.

Thế nào là “cò bửa”? Chúng tôi thắc mắc. “Cò” Cường liền giải thích, đấy là đội “chim lợn” của các “đại lý” tung ra cửa ga để chào hàng với giá cực rẻ. Thường là chỉ chênh 50.000 đồng/vé cho khách hám rẻ và đi theo. Sau đó, đến đại lý mới đưa ra mức giá chênh lệch thật để ép khách mua. “Nói thật, anh có đứa em làm trong ga nên mới có giá đấy chứ bình thường không dưới 200.000 đồng/vé. Chú quyết định nhanh đi, để mấy hôm nữa anh sợ không còn có giá đấy nữa đâu. Mà mua qua mạng thì không được vì nghẽn mạng”, “cò cụ” nói.

Theo quan sát của chúng tôi, phòng bán vé trong ga luôn đầy ắp người, nhiều người không đủ kiên nhẫn đành ra mua vé chui. Anh Nguyễn Mạnh Hùng, kỹ sư xây dựng, quê ở Nghệ An bức xúc: “Ngành đường sắt năm nào cũng cải tiến việc bán vé tàu Tết nhưng chẳng bao giờ dễ mua. Năm nay, thấy bảo bán vé tàu Tết trên mạng nhưng tôi không vào được để mua, gửi tin nhắn cũng chẳng có kết quả”.

Trao đổi với Thanh Niên, một cán bộ ga Hà Nội cho biết, vấn đề “cò” vé trước cửa ga đã tồn tại từ rất nhiều năm nay. Nhà ga đã áp dụng một số biện pháp để hạn chế lực lượng này nhưng chỉ có thể giảm được số lượng chứ rất khó để chấm dứt tình trạng “cò” vé tàu Tết. Nữ cán bộ này cho hay, muốn xử lý triệt để, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với một số đơn vị chức năng trên địa bàn.

Lê Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.