Độc đáo tuyến đường khám phá núi lửa New Zealand

18/11/2010 16:49 GMT+7

(TNO) Đảo Bắc là địa điểm du lịch độc đáo nhất của đảo quốc New Zealand. Nơi đây từng là phim trường của bộ phim “Chúa tể những chiếc nhẫn” nổi tiếng toàn thế giới.

Do nằm trong vành đai núi lửa Thái Bình Dương nên đảo Bắc có rất nhiều núi lửa đã ngưng hoặc đang hoạt động, những suối nước nóng, hồ bùn khoáng và hồ nước tuyệt đẹp.

Cảnh quan ấn tượng tại khu vực này đã tạo nên một trong những con đường du lịch đặc biệt nhất thế giới - “Tuyến đường khám phá núi lửa” (Thermal Explorer Highway).

Tuyến đường này bắt đầu từ thành phố Auckland, chạy xuyên qua vùng trung tâm của đảo Bắc và kết thúc tại Napier. Dọc tuyến đường, du khách sẽ được chứng kiến những kiến tạo địa chất độc đáo của núi lửa, cùng những địa điểm văn hóa quan trọng của người Maori, thổ dân vùng này.

Xin giới thiệu chùm ảnh những địa điểm nổi bật trên “Tuyến đường khám phá núi lửa” đảo Bắc New Zealand.


Điểm khởi đầu của “Tuyến đường khám phá núi lửa” là Auckland, thành phố đông dân và phát triển nhất New Zealand. Được mệnh danh là “thành phố những cánh buồm”, Auckland nổi tiếng vì có số lượng du thuyền trên đầu người cao nhất thế giới. Ngoài ra, do nằm trong khu vực vành đai núi lửa nên Auckland có gần 70 núi lửa đã ngưng hoạt động


Eden là đỉnh núi lửa cao nhất, cách trung tâm thành phố 5km về hướng Nam. Đứng ở đây có thể ngắm toàn cảnh thành phố Auckland. Ngọn núi lửa này đã phun trào rất nhiều lần trước khi tắt hẳn khoảng 15.000 năm trước


Một núi lửa nổi tiếng khác của Auckland là “Đồi Một Cây” (“One Tree Hill”). Núi này cao 182m, hình thành cách đây hơn 30.000 năm


Rời Auckland xuôi về phía Nam, du khách sẽ đến thành phố Rotorua, nơi có hồ nước lớn thứ nhì đảo Bắc và công viên địa nhiệt Tepuia. Ngoài cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, Rotorua còn độc đáo ở chỗ không khí nơi này có mùi trứng thối nồng nặc, đến nỗi cư dân địa phương đã gọi nó bằng cái tên “Vùng đất hôi mùi quỷ” (“Whangapipiro”) hay “Thành phố lưu huỳnh” (“Sulfur City”). Nguyên nhân là do các hoạt động núi lửa tại khu vực đã tạo nên những dòng suối nước nóng với mùi lưu huỳnh đặc trưng


Hồ Rotorua vốn là một miệng núi lửa đã ngưng hoạt động cách đây 240.000 năm. Rotorua tiếp nhận nước từ hai nguồn chính, dòng nước lạnh từ suối Hamurana ở phía Bắc và dòng nước nóng từ Utuhina ở phía Nam, tạo nên hai màu nước phân biệt trắng bạc và xanh ngọc cực kỳ độc đáo. Mặc dù có lượng nước dồi dào nhưng đáy hồ lại tích tụ dày trầm tích và tro núi lửa nên khá cạn


Công viên địa nhiệt (“thermal park”) Te Puia là một trong những nơi hiếm hoi trên thế giới cho phép du khách tiếp cận gần với những suối nước nóng phun cao và hồ bùn sôi


Điểm nổi tiếng nhất của Te Puia là cột nước Pohutu. Cột nước này phun cao đến 30m, được xem là suối nước nóng phun lớn nhất tại Nam bán cầu


Suối được hình thành do những mạch nước ngầm dưới lòng đất chảy ngang qua khu vực dung nham trong vỏ trái đất, bị đun sôi và phụt lên cao thành những cột nước nóng khoảng 20 lần trong một ngày. Nhiệt độ của nước trong lòng đất có thể lên đến 350°C, tuy nhiên khi phun lên cao những hạt nước này đã trở thành hơi nước và không còn nóng nữa


Rải rác trong công viên là vô số những hồ bùn đang sôi với đủ mọi kích thước. Nhiệt độ tại hồ bùn có thể lên đến 95oC. Hiện tượng này xảy ra khi nham thạch tiếp xúc với nước bên dưới mặt đất tạo thành dòng bùn sôi


Bùn có nhiều màu sắc như xám, nâu, trắng sữa và xanh ngọc, tùy thuộc vào lượng khoáng chất bên trong. Bùn ở những hồ này rất tốt cho việc điều trị các bệnh về da, giảm đau cơ và khớp


Điểm đến tiếp theo trên “Tuyến đường khám phá núi lửa” là thành phố Taupo, trung tâm du lịch của đảo Bắc. Taupo nổi danh vì có hồ núi lửa lớn nhất thế giới và cánh đồng “Miệng núi lửa mặt trăng”


Hồ Taupo rộng hơn 600 km2, đường kính khoảng 35km, nằm lọt thỏm trong một miệng núi lửa đã ngưng hoạt động


Đợt phun trào gần nhất của núi lửa này là vào năm 186 sau Công nguyên. Theo các nhà khoa học, núi lửa Taupo hoạt động theo chu kỳ 2.000 năm lại phun trào một lần nên thời điểm hoạt động trở lại của núi lửa Taupo đã rất gần


Năm 1970, nghệ nhân Whakataka-Brightwell đã chạm những hoa văn cổ truyền của người Maori trên vách đá một đảo nhỏ nằm giữa hồ Taupo với mong muốn góp phần kìm hãm các hoạt động của núi lửa ẩn sâu dưới lòng hồ, đem lại bình an cho toàn khu vực


Nằm gần hồ Taupo là một trong những địa danh độc đáo nhất của đảo Bắc, New Zealand: Cánh đồng “Miệng núi lửa mặt trăng” (“Craters of the Moon”). Sở dĩ có tên gọi này vì cảnh sắc nơi đây rất đặc biệt với những cột khói khí Fumarole nghi ngút, các hồ bùn sôi sùng sục và những loài thực vật kỳ lạ như đến từ một hành tinh khác


“Miệng núi lửa mặt trăng” mở cửa cho du khách tham quan quanh năm. Tuy nhiên, du khách phải tuân thủ tuyệt đối các quy định để tránh nhiễm độc khí Fumarole và bị phỏng


Du khách phải luôn di chuyển trên các lối đi được tôn cao và lót gỗ để đảm bảo an toàn. Du khách có thể đi dạo vòng quanh cánh đồng trong vòng 45 phút và đứng ở điểm ngắm cảnh trên đỉnh đồi 20 phút


Những miệng núi lửa kì lạ tại khu vực này là kết quả của những đợt phun trào thủy nhiệt. Những mạch nước ngầm bị ép đến một áp suất nhất định, kết hợp với hơi, khí nén, bùn và đá bọt đã phun trào ra ngoài. Nghiên cứu cho thấy thủy nhiệt phun trào trung bình một năm một lần tại khu vực này. Các nhà địa chất gọi đây là dấu hiệu núi lửa chuẩn bị phun nham thạch


Chỉ một số loài thực vật có thể sinh trưởng được tại khu vực nền đất nóng. Các loại dương xỉ và rêu này đã phải trải qua một quá trình tiến hóa lâu dài để thích nghi được điều kiện khắc nghiệt ở đây


Địa danh nổi tiếng cuối cùng trên “Tuyến đường khám phá núi lửa” là Công viên quốc gia Tongariro, một trong bốn di sản thiên nhiên thế giới được công nhận đầu tiên. Đây cũng chính là phim trường của bộ phim “Chúa tể những chiếc nhẫn”


Tongariro rộng 800 km2, được hình thành cách đây khoảng 275.000 năm, là một tổ hợp các núi lửa, hồ nước, thác nước và những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn. Các núi lửa trong công viên đến nay vẫn đang hoạt động


Nổi tiếng nhất trong số này là ngọn núi lửa Ngauruhoe cao 2.291m. Đây chính là hình ảnh núi Doom trong bộ phim “Chúa tể những chiếc nhẫn”. Ngauruhoe phun trào nham thạch lần đầu tiên cách đây 2.500 năm. Lần gần nhất núi lửa này hoạt động là năm 1977. Hiện nay, khí lưu huỳnh và Fumarole vẫn đang bốc lên trên miệng núi lửa

Lê Quang - Hạnh Phúc
(từ New Zealand)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.