>> Kỳ 1: Sa chân
>> Kỳ 2: Khổ ải giữa rừng sâu
>> Kỳ 3: Bỏ mạng nơi đại ngàn
Cả làng trông ngóng
Cách thị trấn Bắc Trà My chỉ hơn 3 giờ đi bộ nhưng làng Tân Hiệp gần như cách biệt với thế giới bên ngoài. Ngôi làng nhỏ heo hút giữa bốn bề núi dựng. Sau làng là núi Hòn Bà sừng sững quanh năm mây phủ, trước mặt là dòng sông Tranh cuồn cuộn chảy xiết. Cổng làng là những thân tre lắp ghép đã ố màu vì mưa nắng. Cũng như những phận người nơi đây, ngôi làng quạnh quẽ và cô đơn đến kỳ lạ. Tin về các thanh niên trong làng đi làm phu vàng rồi biệt tăm biệt tích khiến làng nhốn nháo.
Căn nhà nhỏ của chị Đinh Thị Phượng (30 tuổi) ẩm thấp và tối tăm, sân trước phủ đầy cỏ dại. Từ ngày chồng chị Phượng đi làm vàng biền biệt cũng là chừng ấy ngày căn nhà vắng bóng đàn ông. Từ đó, người phụ nữ nhỏ thó này ngày ngày phải làm mướn đủ chỗ, từ cày cuốc, mót lúa, đi củi kiếm tiền nuôi con.
Ngày chị Phượng có bầu, anh Đinh Văn Thanh (36 tuổi), chồng chị, vác balô đi làm thuê cho một người đàn ông nói giọng Bắc. Một tháng, hai tháng rồi nhiều tháng trôi qua, tin về anh ngày càng mù mịt. Chị Phượng cùng ba đứa con nheo nhóc phải dắt díu về nhà ngoại ăn nhờ gạo cơm và sinh đứa con gái chờ chồng. Ôm con nhỏ, gạt nước mắt, chị Phượng thì thào: “Họ nói thuê ảnh đi hái cà phê, tiền công 2 triệu đồng/tháng. Ảnh đi, tui mang bầu con bé ni được sáu tháng, ảnh nói nếu đẻ con gái thì đặt tên Tiểu Muội. Bữa ni con Muội được hơn năm tháng rồi mà chẳng thấy ảnh về”.
Để đứa con nhỏ lăn lóc dưới nền đất, chị Phượng tìm được một tấm thẻ hội viên nông dân có ảnh anh Thanh rồi mừng quýnh. “Chú ơi, chú làm ơn chụp ảnh chồng tôi, đăng báo tìm ảnh nghe chú! Ở nhà mấy đứa nhỏ khóc hoài vì nhớ cha” - chị Phượng nài nỉ.
Cách nhà chị Phượng ba nóc nhà, cụ Đinh Thị Lỗi nằm thở hổn hển bên giường bệnh trong căn nhà ọp ẹp. Ở tuổi 73, lẽ ra cụ Lỗi phải được cháu con chăm sóc, nhưng trớ trêu thay lúc này cụ chỉ muốn nhìn mặt đứa con lần cuối trước khi xuôi tay. Hàng xóm của cụ nhiều người đến thăm hỏi, muốn gọi đứa con trai cụ về nhưng đành bất lực. Cụ Lỗi cố nhờ người vẫy chúng tôi đến, mệt mỏi gượng dậy, ôm tấm ảnh có hình con mình là Đinh Văn Đối (20 tuổi) cũng đi biệt tăm như anh Thanh để chúng tôi chụp ảnh.
“Tui đau nặng, bác sĩ nói bịnh, không hết, nhà thương trả về nhà. Mấy bữa nay ăn ngủ không được, không biết sống chết khi mô. Các chú ráng giúp, tìm hắn về sớm để mẹ con còn thấy nhau” - nói xong bà Lỗi ngụm hớp nước rồi thở dốc.
Vượt núi tìm con
Ngồi vót tre đan rổ trước hiên nhà, thấy khách lạ già Đinh Văn Ri ngừng tay rựa. Khoác chiếc áo công nhân cũ tiếp chuyện, giọng ông già run run, tuổi ngoài 60 khắc khoải ưu phiền. Đã hơn ba tháng từ ngày ông Ri vượt núi tìm con nhưng tin về đứa con trai vẫn biền biệt. Như bao trai tráng trong làng, Đinh Văn Tuấn, con trai ông Ri, cũng bỏ quê đi làm ăn xa ở các bãi vàng.
“Chiều hôm đó nó về nhà nói đi làm ăn xa. Nói rồi nó khoác chiếc áo jean nhảy vội lên xe máy của người đàn ông trung niên đợi sẵn trước ngõ. Nó đi hơn một năm nay nhưng chẳng có tin tức về, không một tin nhắn nhủ cho người thân” - giọng ông Ri rầu rĩ.
Bà Năm, mẹ Tuấn, nức nở: “Nhà nghèo, Tuấn nghỉ học từ nhỏ để phụ giúp gia đình nương rẫy. Cuộc sống ngày càng thiếu thốn nên nó quyết đi làm ăn xa. Tôi bảo nó ở nhà giúp cha mẹ làm cái ruộng, cái rẫy mà nó đâu có nghe. Nó muốn có xe máy, điện thoại như người khác thế là nó đi”.
Chuyện ông Ri tìm con ở làng Tân Hiệp không ai không biết. Sốt ruột vì đứa con không về, ông Ri một mình khăn gói vượt rừng. Không có tiền đi xe ôm, ông đùm gạo cơm và một tấm nilông, tay cầm rựa rồi một mình băng núi. Từ Bắc Trà My ông Ri nhắm thẳng hướng tây vượt hẻm núi Hòn Bà, băng qua đồi Sương Mãi đến ngã ba Làng Hồi gần ba ngày mới đến được thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn).
Sau nhiều ngày lân la tại thị trấn nhỏ bé này, ông Ri gõ cửa từng nhà người dân, các lái xe ôm, đến những chủ đầu nậu ở các bãi vàng nhưng tin tức về Tuấn vẫn biệt tăm. Hết gạo cơm, ông Ri đi phát rẫy thuê cho một gia đình người Kinh tại Phước Sơn gần một tuần được hơn 300.000 đồng, vừa đủ tiền chuyến xe thồ đưa ông về quê. “Tôi nằm đêm van vái, lạy trời cho đứa con có ngày về. Về nhà ăn mắm muối cùng nhau sớm tối. Tôi có chết cũng an lòng” - ông Ri thổn thức.
Cạnh bà Sang, ông Nguyễn Văn Thanh thờ thẫn nhìn tấm hình đứa em trai mà lòng quặn thắt. Ông Thanh vuốt ve tấm ảnh màu một cách cẩn trọng. Tấm ảnh có ba thanh niên chụp trong dịp tết cách đây hai năm đã xỉn màu. “Thằng Tuấn em trai tôi đứng giữa đó. Nó cũng đi biền biệt nhiều tháng nay mà chưa thấy về” - ông Thanh nhắn nhủ.
Là một thôn đội trưởng quản lý an ninh của làng Tân Hiệp nhưng đến giờ này ông Thanh cũng không biết thông tin về đứa em trai duy nhất của mình. Ngồi thừ trước hiên nhà, ông Thanh tâm sự: “Cái làng này có hơn 13 thanh niên đã đi nhiều tháng không liên lạc. Họ cứ đi từ núi này sang núi khác, như con nai con hoẵng, ai biết đâu mà tìm”. Cạnh ông Thanh, nhiều phụ nữ lặng lẽ mang hình con em mình tìm đến...
Câu chuyện dừng lại như một nỗi niềm ngổn ngang khi trưởng thôn Tân Hiệp, ông Dương Tấn Hoàng buồn rầu: “Làng có sáu tổ, 185 hộ, 872 khẩu nhưng quẩn quanh mãi với cái nghèo”. Chỉ tay về sườn núi xa xăm mờ khói, ông Hoàng thở dài: “Ở đây đất rừng ít, ruộng đồng cũng tí tẹo, người dân không đi xa tìm kế mưu sinh thì đói. Mà đi xa thì rủi ro rình rập. Cuộc đời cứ mãi thế này thôi”.
Tôi bước ra khỏi làng như tỉnh một giấc mơ buồn. Giữa những con đường quẩn quanh trong hẻm núi, tôi hiểu sự khát thèm một chiếc áo đẹp, xe máy... của những chàng trai trẻ nơi này. Và để hướng đến giấc mơ ấy nhiều người phải đánh đổi cả thời trai trẻ trong đọa đày, thậm chí cả mạng sống của chính mình...
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)