Cuộc khủng hoảng kinh tế đầu thập niên 1930 từng khiến các nhà điều tra thuế của nhiều nước “đổ bộ” vào Thụy Sĩ, làm chao đảo ngành ngân hàng nước này và là tiền đề cho sự ra đời về luật bí mật ngân hàng năm 1934.
Lịch sử đang lặp lại. Với khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ vì khủng hoảng kinh tế, các quốc gia bắt đầu điều tra tài khoản bí mật của những “đại gia” nước mình tại Thụy Sĩ. Thu hồi các khoản trốn thuế, gian lận thuế cũng là một khoản đáng kể mà nhiều nước không thể bỏ qua. Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng lần này đang làm yếu đi, thậm chí đe dọa nguyên tắc bí mật mà các ngân hàng Thụy Sĩ xem là chìa khóa của thành công.
Liên tục trong năm 2009, Thụy Sĩ phải đương đầu với đòi hỏi minh bạch của hệ thống tài chính quốc tế từ nhiều nước. Cũng vì truyền thống bí mật ngân hàng gần như tuyệt đối mà cho đến đầu năm 2009, Thụy Sĩ vẫn bị Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) xếp vào danh sách những nước “chưa có sự hợp tác tốt về thuế”. Để giảm bớt áp lực quốc tế, tháng 3.2009, Thụy Sĩ tuyên bố sẽ xem xét việc ký kết hiệp ước hỗ trợ kiểm soát thuế với những nước có yêu cầu. Sau khi ký 12 hiệp ước, Thụy Sĩ đã được OECD xóa tên khỏi danh sách trên.
2.000 tỉ euro và sự “ăn miếng trả miếng”
Các ngân hàng Thụy Sĩ hiện đang giữ số tài sản khoảng 2.000 tỉ euro, phần lớn là từ những khách hàng ngoại quốc, theo Les Echos. Nếu thuận theo áp lực của cộng đồng quốc tế mà nới lỏng các quy định về giữ bí mật thông tin khách hàng, ngành ngân hàng Thụy Sĩ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề vì khách hàng bỏ sang những “thiên đường thuế” khác.
Để tránh điều đó, những thỏa thuận song phương ký với các quốc gia khác đều có những quy định rất nghiêm ngặt. Các ngân hàng Thụy Sĩ đồng ý cung cấp thông tin tài khoản của công dân các nước này nhưng chỉ trong những trường hợp gian lận thuế cụ thể, theo La Tribune. Không chỉ vậy, Thụy Sĩ sẵn sàng “ăn miếng trả miếng” khi các nước khác điều tra “quá nhiệt tình” về bí mật ngân hàng. Tháng 8.2009, Pháp và Thụy Sĩ ký hiệp ước song phương về hỗ trợ thuế. Chỉ 4 tháng sau, Bern tuyên bố tạm ngưng áp dụng hiệp ước để phản đối việc Paris tiếp nhận thông tin do một chuyên viên tin học của Ngân hàng HSBC ở Geneva “đánh cắp” được. Vụ việc này liên quan đến số tài khoản trị giá 3 tỉ euro của khoảng 3.000 khách hàng người Pháp bị cáo buộc trốn thuế.
Hồi tháng 2.2010, Đức tuyên bố đang xem xét mua lại một CD có chứa thông tin của những người gian lận thuế đang gửi tiền tại Thụy Sĩ. Ngay lập tức, một nghị sĩ Thụy Sĩ tuyên bố với nhật báo Bild: “Nếu Đức mua lại những thông tin bất hợp pháp này, chúng tôi sẽ xem xét công bố toàn bộ tài khoản ngân hàng tại Thụy Sĩ của các quan chức Đức”. Theo tờ Bild, “ngành tài chính Thụy Sĩ nắm trong tay những bằng chứng cho thấy nhiều quan chức, thẩm phán Đức có tài khoản tại nước này hoặc Liechtenstein”.
Theo Le Temps, Thụy Sĩ còn đề nghị chuyển tiền thuế trị giá 15 - 25% tài khoản của công dân những nước đã ký thỏa thuận với điều kiện vẫn để ẩn danh tính của họ. Làm như vậy đối tác vẫn thu được thuế còn Thụy Sĩ vẫn bảo vệ được bí mật ngân hàng. Cuối tháng 10 vừa qua, Đức và Thụy Sĩ đã ký thỏa thuận về vấn đề này. Tài sản của người Đức tại Thụy Sĩ ước tính khoảng 200 tỉ euro, như vậy, Berlin có thể thu về đến 30 tỉ euro tiền thuế. Hôm 13.11, tờ Financial Times đưa tin London cũng đang xem xét đàm phán với Bern để lấy lại phần nào thuế từ khoản tiền 114 - 141 tỉ euro của giới nhà giàu nước này đang gửi ở Thụy Sĩ.
Từ Hitler đến Sani Abacha - Từ tháng 6.1940 - 4.1945, trùm phát xít Adolf Hitler đã gửi 75% số vàng cướp được từ các quốc gia bị chiếm đóng sang Thụy Sĩ. Đổi lại, những đầu mối rửa tiền gửi về Berlin hàng chục triệu franc Thụy Sĩ mỗi tháng. - Trong suốt giai đoạn cầm quyền từ 1993 - 1998, cố Tổng thống Nigeria Sani Abacha đã gửi ở 19 ngân hàng Thụy Sĩ tổng cộng 3,4 tỉ euro. Chỉ có 750 triệu euro bị phong tỏa và chính quyền Nigeria thu về được vỏn vẹn 115 triệu euro. - Nhà lãnh đạo Mobutu Sese Seko của CH Zaire trước đây (nay là CHDC Congo) đã gửi khoảng 5 tỉ USD ở Thụy Sĩ. Sau nhiều trình tự tố tụng phức tạp, cho đến tháng 4.2008, chính quyền CHDC Congo chỉ “đòi” được 3 triệu USD. - Cựu Tổng thống Charles Taylor của Liberia, bị xét xử tại Tòa án Tội phạm chiến tranh ở The Hague vì mở đường cho cuộc nội chiến ở nước này, có số tài sản kiếm được từ bán “kim cương máu”, buôn lậu vũ khí và gỗ được gửi ở Thụy Sĩ lên đến 3 tỉ USD. Chỉ 2,1 triệu USD trong số đó bị phong tỏa. (Theo Le Monde Diplomatique, Le Courrier) |
Nguyễn Ngọc Lan Chi
Bình luận (0)