Đảo chính và phản đảo chính

20/11/2010 00:41 GMT+7

Cuộc đảo chính quân sự bất thành vừa qua đã phủ bóng đen xuống cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp mới ở Madagascar, nhất là khi ba đảng đối lập chính trên đảo quốc này đều tẩy chay cuộc trưng cầu. Nó báo hiệu tình hình chính trị an ninh ở đây chưa thể sớm ổn định.

Hiến pháp mới được coi là cơ sở pháp lý để giải quyết cuộc khủng hoảng quyền lực kéo dài gần 2 năm nay ở Madagascar. Cuộc khủng hoảng ấy cũng bắt đầu bằng một cuộc đảo chính quân sự và kết thúc với sự hình thành một chính phủ dân sự quá độ nhưng thực quyền vẫn nằm trong tay quân đội. Chính phủ quá độ chủ trương tổ chức trưng cầu dân ý về hiến pháp mới nhằm hợp pháp hóa sự hiện diện của họ. Vì thế, cuộc đảo chính vừa rồi thực chất là một cuộc phản đảo chính.

Thực trạng này ở Madagascar cho thấy mâu thuẫn nội bộ sâu sắc và tranh giành quyền lực quyết liệt trong giới quân sự và các thể chế dân sự vốn không có thực quyền. Cuộc trưng cầu dân ý mới chỉ giải quyết trên danh nghĩa việc khởi động tiến trình chuyển tiếp từ chính quyền quân sự sang một chính thể dân sự chứ chưa làm thay đổi được quan hệ quyền lực giữa giới quân sự và dân sự. Có thể thấy bản hiến pháp mới không loại trừ được nguy cơ lại xảy ra đảo chính quân sự trong tương lai.

Cuộc khủng hoảng ở Madagascar không lây lan ra khu vực xung quanh nhưng vẫn là thách thức lớn đối với vai trò và ảnh hưởng của Liên minh châu Phi (AU) và các tổ chức khu vực khác. Nó bộc lộ sự khó xử và bất lực của họ trong việc ngăn ngừa và xử lý khủng hoảng.

Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.