Giảng kinh đàn đền Ngọc Sơn thành nơi bán hàng

21/11/2010 23:07 GMT+7

Di tích lịch sử văn hóa đền Ngọc Sơn với tháp Bút, đài Nghiên, cầu Thê Húc... bên hồ Gươm là viên ngọc quý của Thăng Long ngàn năm. Nhưng viên ngọc này đang có một loạt “vết rạn”...

Trong những lần tiếp xúc với PV Thanh Niên gần đây, ông Vũ Thế Khôi, Nhà giáo Ưu tú, giảng viên trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội đã nêu những sai sót không đáng có ở quần thể di tích nổi tiếng đền Ngọc Sơn bên hồ Gươm.  

Vấn đề mà ông Khôi bức xúc là việc nếp nhà sau cổng đền Ngọc Sơn chính là Giảng kinh đàn được dựng cách đây hơn một thế kỷ đã bị chiếm dụng để bán đồ lưu niệm. Mặc dù dư luận đã không ít lần phê phán việc này, nhưng Ban quản lý di tích đền Ngọc Sơn vẫn làm ngơ để cho một số hộ kinh doanh đồ lưu niệm hoạt động tới nay. Ông Khôi cũng nhiều lần kiến nghị TP Hà Nội trả lại Giảng kinh đàn cho các hoạt động văn hóa nhằm giới thiệu di tích đền Ngọc Sơn - hồ Gươm, và trưng bày hàng nghìn bản kinh khắc gỗ in sách  của các sĩ phu yêu nước thời trước. Nhưng đến nay, kiến nghị của ông vẫn bị rơi vào quên lãng.

Phật từng được lên... ngai

Cũng liên quan đến việc đưa sinh viên nước ngoài đến thăm di tích đền Ngọc Sơn, ông Khôi kể lại chuyện một nữ sinh người Đức đã phát hiện việc một tượng Phật trong đền được đặt lên ngai vàng. Cô sinh viên nghiên cứu khá sâu về đạo Phật nói: “Thầy cũng giảng mà em cũng đọc sách và biết là Phật không bao giờ lên ngôi vua, vậy sao ở đây lại đặt tượng Phật lên ngai vàng”. Ông Khôi xem kỹ lại, thấy người ta đã đặt tượng Phật lên ngai của Đức thánh Trần vì ở lưng ngai còn có dòng chữ “Trần triều thượng phụ Hưng đạo vương thần vị”. Sau khi phát hiện sự việc này, Ban quản lý đền Ngọc Sơn phải mời một vị thượng tọa ở chùa Lý Quốc Sư đến xem lại, xác định việc đặt tượng lên ngai là chưa đúng và đã làm lễ rước tượng Phật về chùa.

Tấm biển Hoằng thiện kinh đàn (nghĩa là Đàn giảng kinh mở rộng việc thiện) ngày xưa được treo ở Giảng kinh đàn trong đền Ngọc Sơn đã bị người ta hạ xuống cất vào kho, để lấy chỗ cho nhà bán lưu niệm. “Cách đây nhiều năm, trong một lần vào thăm đền Ngọc Sơn, tôi đã thấy tấm biển Hoằng thiện kinh đàn nằm lăn lóc ở góc nhà, mới nhờ người đưa ra ngoài, lau rửa hết bụi bặm để chụp ảnh làm tư liệu, sau đó người trông coi di tích lại cất vào kho, không hiểu đến hôm nay tấm biển cổ xưa này còn hay mất?”, ông Khôi ngậm ngùi.

Hai câu đối cổng Long môn -Hổ bảng bị đắp ngược

Theo ông Vũ Thế Khôi, một sai sót rất nghiêm trọng là hai câu đối ở cổng Long môn - Hổ bảng lối vào cầu Thê Húc - đền Ngọc Sơn đã bị đắp sai từ nhiều năm trước đây. Các câu đối chữ Nho từ xưa đến nay đều phải đọc từ phải sang trái, vế phải là vế “xuất đối” và vế trái là vế “đối”. Trong khi tất cả gần bốn chục câu đối (từ cổng đền Ngọc Sơn vào tới bên trong) đều được đắp đúng, chỉ riêng hai câu đối ở Long môn - Hổ bảng do đắp sai nên đọc ngược từ trái sang phải.

Câu đối thứ nhất có nội dung “Đậu quế Vương hòe quốc gia trinh cán” “Đường khoa Tống bảng sĩ tử thê giai”, nghĩa là “Cây quế họ Đậu, cây hòe họ Vương đều là rường cột của đất nước”“Khoa cử đời Đường, bảng vàng đời Tống là thang mây cho học trò”. Nhưng trong thực tế, câu đối này ở cổng đền Ngọc Sơn bị đắp ngược “vế phải thành vế trái và vế trái thành vế phải”.

Câu đối thứ hai (cũng ở Long môn - Hổ bảng) có nội dung “Hổ bảng Long môn thiện nhân duyên pháp”“Nghiên đài Bút tháp đại khối văn chương”, nghĩa là “Bảng Hổ, cửa Rồng chính là nhân duyên của người hướng thiện”“Đài Nghiên, tháp Bút tượng trưng thứ văn chương mang chí lớn lao” cũng bị đắp sai “vế phải thành vế trái và vế trái thành vế phải”.

“Điều đáng buồn là sự cố đắp sai các câu đối này lại do một sinh viên nước ngoài là học trò của tôi ở Trung tâm Tiếng Việt, ĐH Ngoại ngữ Hà Nội đã phát hiện ra, khi tôi đưa họ đi thăm đền Ngọc Sơn. Thật ra, từ trước tới nay, đi thăm các di tích văn hóa - lịch sử, mình ít khi đọc kỹ các câu đối. Cậu học trò này hỏi tôi: “Thưa thầy, câu đối này bị đắp ngược phải không ạ!”. Tôi giật mình, đọc kỹ, thấy đúng như vậy. Thật xấu hổ quá!”, ông Khôi kể lại.

Trong một cuộc họp có mặt lãnh đạo một số ban ngành, ông Vũ Thế Khôi đã phát biểu trên diễn đàn về vấn đề này, nhưng từ đó đến nay, chẳng thấy cấp lãnh đạo nào có ý kiến với Hà Nội nên mấy vế câu đối đắp ngược này đến nay vẫn y nguyên.

Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.