Ngoài một số bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng xảy ra nhiều ở trẻ trong những ngày qua, thì tình trạng mưa lũ, triều cường diễn ra liên tục ở TP.HCM, theo Trung tâm Y tế dự phòng TP "là điều kiện rất thuận lợi cho bệnh đường tiêu hóa xảy ra, nhất là tiêu chảy. Do vậy, người dân cần ăn chín uống sôi, đảm bảo vệ sinh, hạn chế dùng thức ăn đường phố để phòng tránh bệnh".
Bệnh diễn tiến rất nhanh
Khi gặp điều kiện môi trường thuận lợi, cộng với ăn uống không hợp vệ sinh, vi-rút gây bệnh đường tiêu hóa, mà chiếm nhiều nhất là vi-rút rota, sẽ tấn công, gây thương tổn bộ phận bảo vệ của ruột non, nhất là ở trẻ nhỏ, gây ra bệnh tiêu chảy từ cấp độ nhẹ đến nặng. Theo các bác sĩ nhi khoa, đáng ngại nhất là bệnh tiêu chảy xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi, vì dễ khiến bệnh diễn tiến nặng, nguy kịch rất nhanh. Vi-rút gây bệnh tiêu chảy tồn tại quanh năm, ở các tỉnh phía Bắc, nhưng bệnh xảy ra nhiều khi thời tiết lập đông; còn ở miền Nam, bệnh gặp nhiều từ tháng 9 đến tháng 12 hằng năm.
Theo bác sĩ Phạm Thị Ngọc Tuyết (Trưởng khoa Tiêu hóa - gan mật, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM), nếu thấy trẻ đi tiêu nhiều lần trong ngày, bỏ bú, bỏ ăn… thì cần sớm đưa trẻ vào viện để được xử trí kịp thời. Bệnh này diễn tiến rất nhanh, có thể khiến trẻ nhanh chóng trở nên lừ đừ, mệt mỏi. Thường ban đầu sau khi nhiễm vi-rút rota, trẻ sẽ có biểu hiện như: sốt, nôn ói; 1 - 2 ngày sau triệu chứng tiêu chảy (phân lỏng, toàn nước, không có máu) mới xuất hiện.
- Nếu không có dung dịch bù nước điện giải, có thể cho trẻ dùng nước dừa - Thức ăn trong lúc trẻ bị tiêu chảy cần nấu lỏng, chín nhừ; nên chia nhiều bữa ăn trong ngày, mỗi lần một lượng ít. |
Không được kiêng quá mức
Thắc mắc hay gặp ở các bà mẹ là khi trẻ bị tiêu chảy, chế độ ăn của trẻ như thế nào, có cần phải kiêng nhiều thứ?
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khi trẻ bị tiêu chảy cấp, vẫn cho trẻ ăn uống như bình thường, nhưng có một số lưu ý như: nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi thì nên cho bú mẹ nhiều lần; bù nước và điện giải theo chỉ định của bác sĩ. Nếu trẻ không bú mẹ, thì lượng sữa ngoài dùng cho trẻ là: 150 ml/kg cân nặng cơ thể và chia làm 10 lần dùng/ngày. Cho trẻ uống dung dịch bù nước điện giải trước khi uống sữa. Trẻ 6 tháng đến 2 tuổi, bù nước, điện giải theo chỉ định của bác sĩ; dùng sữa mẹ hoặc sữa bình, pha như bình thường; dùng bột hoặc cháo có thịt, có cho ít dầu nhưng không cho rau, dùng nhiều lần (4-5 lần)/ngày, mỗi lần 1/3-1/2 chén. Nếu trẻ 2-5 tuổi, thì bù nước, điện giải theo chỉ định của bác sĩ; cho trẻ ăn như thường ngày, nhưng chia nhiều lần ăn; không cho dùng các loại nước ngọt có gas. Lưu ý chung là không được cho trẻ ăn kiêng quá mức, dễ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, và bệnh thêm nặng.
Trong thời gian bệnh dễ xảy ra như hiện nay, các bác sĩ khuyên người chăm sóc hay trực tiếp chế biến thức ăn cho trẻ cần đảm bảo vệ sinh (rửa tay trước khi chế biến thức ăn cho trẻ, hay sau khi đi vệ sinh); giữ vệ sinh môi trường, đồ dùng, đồ chơi của trẻ, vì vi-rút gây bệnh có thể hiện diện ở sàn nhà, mặt bàn, đồ chơi, giường, chăn, gối…
Khánh Vy
Bình luận (0)