Thảm họa giẫm đạp tại Campuchia: PV Thanh Niên tường trình từ cầu Koh Pich

23/11/2010 16:16 GMT+7

* Đã có 6 Việt kiều thiệt mạng, 2 người bị thương nặng, 2 Việt kiều khác mất tích (TNO) Vào lúc 14 giờ chiều nay 23.11, nhà báo Việt Phương đã có mặt tại khu vực đảo Kim Cương, nơi xảy ra thảm kịch hàng ngàn người giẫm đạp lên nhau khi tham dự lễ hội nước vào tối 22.11, làm ít nhất 378 người chết và hơn 400 người khác bị thương.

>> Thảm họa giẫm đạp lên nhau, 349 người thiệt mạng
>> Nhiều nạn nhân bị điện giật chết

Nhà báo Việt Phương cho biết, hiện có rất đông người dân đang đứng phía bên kia cầu Koh Pich để nhìn sang đảo Kim Cương.

Một số người dân mà PV Việt Phương tiếp xúc kể rằng: "Cây cầu rất nhỏ. Có hai luồng người đổ xô về từ phía trung tâm thủ đô để qua đảo Kim Cương và ngược lại. Vì thế số người bị nghẽn lại giữa cầu là rất lớn. Tôi may mắn thoát được vì khi đó đang ở đầu cầu".


Cây cầu định mệnh - nơi xảy ra thảm kịch - Ảnh: Việt Phương

Nhiều người nói rằng, khi số lượng người tập trung về quá đông thì xảy ra tình trạng con nít thất lạc bố mẹ, người thân tìm kiếm nhau. Tiếng la hét, than khóc í ới đã tạo nên một tâm lý đám đông. Khi đó, nhiều người lớn đã ẵm trẻ nhỏ nhấc bổng lên, chuyền tay nhau qua đầu để đưa ra khỏi cầu. Vì thế đã giảm thiểu rất nhiều số trẻ con bị thiệt mạng trong thảm kịch.

Cũng trong lúc đó, nhiều phụ nữ yếu ớt, cùng các người thân cố len đi theo đứa con của mình đang được đưa ra ngoài, đã ngã xuống và bị giẫm đạp.


Công viên giải trí bên kia cầu (trên đảo Kim Cương) mới khánh thành nên thu hút rất đông người dân từ các tỉnh về chơi hội - Ảnh Việt Phương

Thông tin của nhiều nhân chứng mà phóng viên tiếp xúc cho thấy thông tin khác hẳn với những gì mà các hãng thông tấn báo chí đưa ra sáng nay, khi họ nói rằng thảm kịch xảy ra khi có người hô to sập cầu. Thực ra thảm kịch đã xảy ra từ trước đó, bắt đầu từ tâm lý hiệu ứng đám đông.

Chiếc cầu Koh Pich này được xây dựng từ 2 năm nay và được khánh thành cách đây khoảng 2 tháng. Chiếc cầu bắc qua đảo Kim Cương, một khu vui chơi lớn của Phnom Penh, nên đã thu hút rất đông người dân thủ đô và các tỉnh lân cận về tham quan, và đây cũng là vị trí tốt nhất để xem lễ hội thuyền rồng. Chính vì thế số người có mặt trong thảm kịch này đông đến như vậy.

Hiện tại, các đài truyền hình Campuchia liên tục chiếu những bản phim và video clip ghi lại hình ảnh thảm kịch, thu hút rất đông người dân đến các quán cafe để theo dõi. Có mặt tại một quán cafe gần đảo Kim Cương, phóng viên Việt Phương cho biết, khuôn mặt của phần đông người dân đều bàng hoàng. Dường như họ vẫn chưa tin được rằng có một mất mát quá lớn lại xảy đến với người thân cũng như đồng bào của mình như vậy.


Hiện trường vụ việc đã bị phong tỏa - Ảnh: Việt Phương

Vào lúc 16 giờ chiều nay phóng viên Việt Phương có mặt tại bệnh viện Calmette. Bên ngoài cổng bệnh viện, chính phủ cho treo tấm ảnh lớn, các thi thể nạn nhân thiệt mạng. Có rất đông người đến nhìn ảnh để nhận dạng người thân. Những giọt nước mắt tuôn trào khi nhìn thấy người thân của mình trên những tấm ảnh đó.


Những giọt nước mắt lăn dài vỡ òa khi biết người thân thiệt mạng - Ảnh Việt Phương

Tại bệnh viện Calmette phóng viên Việt Phương gặp bà Nguyễn Thị Năm, một Việt kiều sinh sống tại Campuchia, bà cho biết: Gia đình bà có 8 người thân bị mất tích, đó là 2 con trai của bà cùng 2 con dâu và 4 đứa cháu. Họ chơi từ tối qua đến nay chưa về. Suốt đêm qua đến nay bà Năm liên tục gọi điện thoại nhưng không có tín hiệu.


Bà Nguyễn Thị Năm (trái) cùng người thân đem ảnh con trai bị mất tích tối qua đi tìm ở các bệnh viện - Ảnh Việt Phương

Được biết, tại Phnom Penh có 3 bệnh viện được trưng dụng để chứa xác những nạn nhân trong thảm kịch tối hôm qua để chờ người thân đến nhận dạng.

Trao đổi với chúng tôi ông Quách Hữu Dũng - Bí thư thứ nhất phụ trách cộng đồng của đại xứ quán Việt Nam tại Campuchia cho biết, tính đến thời điểm này đã có 6 Việt kiều thiệt mạng, 2 Việt kiều khác bị thương nặng và 2 Việt kiều khác bị mất tích.


Rất đông người dân đứng trước bệnh viện Calmette để tìm ngưới thân - Ảnh Việt Phương

Một số vụ giẫm đạp có số thương vong cao trong những năm qua:

• Tháng 7.1990: Bên trong đường hầm al-Muaissem gần Mecca ở Ả Rập Xê Út, 1.426 tín đồ Hồi giáo thiệt mạng vì giẫm đạp lên nhau khi hành hương về đây.

• Tháng 5.1994: Cũng tại Ả Rập Xê Út, một vụ giẫm đạp gần cầu Jamarat, cướp đi sinh mạng của 270 khách hành hương.

• Tháng 4.1998: 119 người Hồi giáo chết trong vụ giẫm đạp ở Ả Rập Xê Út.

• Tháng 5.2001: Tại Ghana, 126 người thiệt mạng vì chen lấn nhau khi chạy khỏi sân vận động Accra do cảnh sát bắn hơi cay vào đám cổ động viên quá khích.

• Tháng 2.2004: Vụ giẫm đạp gần cầu Jamarat (Ả Rập Xê Út) cướp đi sinh mạng của 251 người.

• Tháng 1.2005: Ít nhất 265 tín đồ Hồi giáo chết trong thảm kịch giẫm đạp nhau gần một đền thờ ở bang Maharashtra (Ấn Độ).

• Tháng 8.2005: Trước tin đồn có kẻ đánh bom tự sát trong đám đông, ít nhất 1.005 người đã chết khi chen lấn qua cây cầu bắc qua sông Tigris ở thủ đô Baghdad (Iraq).

• Tháng 1.2006: 362 người Hồi giáo thiệt mạng trong vụ giẫm đạp tại lối lên cây cầu Jamarat ở Ả Rập Xê Út.

• Tháng 8.2008: Tin đồn về lở đất dẫn đến vụ giẫm đạp ở đền Naina Devi (Ấn Độ), làm ít nhất 145 người chết.

• Tháng 9.2008: Tại Ấn Độ, 147 người chết trong thảm kịch giẫm đạp ở đền Chamunda.

Huỳnh Thiềm
(Theo Reuters)

Những vụ giẫm đạp đẫm máu khác trong năm 2010

• Ngày 23.10: 7 người chết và hàng chục người khác bị thương khi tìm cách vào sân vận động xem trận đấu bóng đá ở thủ đô Nairobi (Kenya).

• Ngày 16.10: Một vụ giẫm đạp xảy ra tại đền thờ ở bang Bihar, miền bắc Ấn Độ làm ít nhất 10 người chết.

• Ngày 24.7: Ít nhất 18 người thiệt mạng và 80 người khác bị thương trong một vụ giẫm đạp tại lễ hội Love Parade (tạm dịch Cuộc diễu hành tình yêu), một trong những lễ hội âm nhạc techno nổi tiếng tại châu u, ở thành phố Duisburg (Đức).

 

Đám đông hoảng loạn bỏ chạy khỏi đường hầm ở lễ hội Love Parade tại thành phố Duisburg (Đức) hôm 24.7 - Ảnh: AFP

• Ngày 16.5: Ít nhất 2 người chết và 15 người khác bị thương trong vụ giẫm đạp ở nhà ga xe lửa New Delhi (Ấn Độ).

• Ngày 30.4: Một vụ giẫm đạp xảy ra trong suốt một sự kiện tôn giáo có khoảng 100.000 người tham dự tại bang Haryana, tây bắc Ấn Độ, cướp đi sinh mạng của ít nhất 5 phụ nữ.

• Ngày 26.3: Một người chết và khoảng 150 người khác bị thương trong vụ giẫm đạp tại Kasubi Tombs, gần thủ đô Kampala (Uganda).

• Ngày 8.3: Ít nhất một người chết và 11 người khác bị thương trong vụ giẫm đạp ở Mumbai (Ấn Độ).

• Ngày 4.3: Hơn 60 người thiệt mạng và gần 100 người khác bị thương trong một vụ giẫm đạp ở bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ.

• Ngày 25.2: Một vụ giẫm đạp làm 24 người chết và ít nhất 20 người khác bị thương sau khi một phụ nữ ngất xỉu tại một đền thờ ở thành phố Timbuktoo (Mali).

• Ngày 14.1: 7 người chết và 17 người khác bị thương khi nhiều người tham dự lễ hội tôn giáo chen lấn lên một chiếc tàu ở bang Tây Bengal, miền đông Ấn Độ.

Châu Danh
(Theo Tân Hoa Xã)

Việt Phương
(Tường trình từ Phnom Penh)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.