Hành xử với dân

24/11/2010 02:20 GMT+7

Buổi hòa giải vụ ông Nguyễn Văn Lang kiện Sở GTVT TP.HCM về việc thi công “lô cốt” chậm trễ, diễn ra hôm qua 23.11, nhận được nhiều sự quan tâm hơn hẳn những buổi hòa giải kiện tụng dân sự khác.

Đơn giản bởi đây được xem là vụ kiện chưa có tiền lệ, khi người dân kiện cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) mà nói như dân gian chẳng khác nào “con kiến kiện củ khoai”. Dẫu được xem là hy hữu, song nhìn vào thực trạng thi công “lô cốt” cẩu thả, chây ì thời gian qua, ta thấy vụ kiện dường như là hệ quả tất yếu. Suốt 4 - 5 năm qua, người dân TP.HCM sống chung với hàng trăm “lô cốt”, nó cản trở sinh hoạt, làm ăn, xảy ra bao nhiêu tai nạn… mà chẳng ai thống kê xuể thiệt hại. Có lẽ không ít trường hợp như ông Lang, song hầu hết đều mang tâm lý nhẫn nhịn và ngại kiện tụng nên chọn cách im lặng.

Cần nói thêm, trước đó, ông Lang đã có nhiều đơn thư khiếu nại Sở GTVT, chủ đầu tư và nhà thầu TMEC - CHEC 3, để đòi bồi thường thiệt hại. Song, những gì ông nhận được từ các đơn vị này là thái độ đùn đẩy trách nhiệm, bàng quan, thậm chí “cò kè bớt một thêm hai” với yêu cầu chính đáng của người dân. Cụ thể, tổng thiệt hại “lô cốt” gây ra cho gia đình ông Lang lên đến 370 triệu đồng (tất cả đều có đơn từ chứng minh), song nhà thầu phủ nhận trách nhiệm bồi thường mà chỉ đồng ý hỗ trợ hơn 31 triệu đồng. Nhưng cũng không đáng trách bằng việc chủ đầu tư và Sở GTVT - dù có đủ thẩm quyền giải quyết khiếu nại, song lại làm ngơ để mặc người dân phải viện đến con đường “đáo tụng đình”.

Buổi hòa giải sáng qua phải dời lại do nhà thầu TMEC CHEC 3 tiếp tục trì hoãn việc xin giấy ủy quyền từ công ty mẹ ở Trung Quốc. Song, có thể thấy quan điểm của nguyên đơn và bị đơn khó mà đi đến thống nhất. Trong khi ông Lang đứng trên cơ sở pháp luật để đòi bồi thường thiệt hại thì đại diện chủ đầu tư hoàn toàn cảm tính khi cho rằng đây là công trình phúc lợi xã hội nên người dân phải thông cảm. Tuy nhiên, Thẩm phán Nguyễn Chí Sang (TAND TP) đã làm nhiều người có mặt tại buổi hòa giải mát lòng khi khẳng định, về nguyên tắc, nếu việc thi công gây thiệt hại cho người dân thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm bồi thường, dù là công trình công cộng.

Ngoài số tiền bồi thường, ông Lang còn yêu cầu Sở GTVT xin lỗi. “Dù tòa trả lời luật không quy định cơ quan quản lý phải xin lỗi, song tôi cho rằng đạo lý ở đời là cứ làm sai thì phải xin lỗi. Ngay cả đứa trẻ cũng biết đạo lý này” - ông Lang nói.

Vụ kiện của ông Lang cũng là dịp để các cơ quan QLNN xem lại trách nhiệm của mình. Trước nay, cơ quan QLNN thường vin vào cái cớ công trình công cộng để áp đặt và buộc người dân phải thông cảm. Chính tư duy này đã tạo ra cách hành xử thiếu tích cực và thiếu trách nhiệm với người dân. Quan hệ giữa cơ quan QLNN với người dân cần được xây dựng trên cơ sở bình đẳng, có sự bàn bạc, thỏa thuận với người dân khi thực hiện các công trình đụng chạm đến dân. Bên cạnh đó, mọi công trình công cộng phải trên nguyên tắc bảo đảm cho cuộc sống người dân, nếu xâm phạm nguyên tắc này gây thiệt hại thì đương nhiên phải bồi thường cho dân.

Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.