Giá vàng biến động phức tạp như thế nào trong thời gian qua thì mọi người đã biết. Tình trạng này đã gây ra những xáo trộn trên thị trường, bất lợi cho ổn định vĩ mô. Để can thiệp, NHNN đã có phản ứng bằng cách cấp quota nhập khẩu vàng trong thời hạn 2 tuần cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng đầu mối, có uy tín. Trước đó, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 22 nhằm hạn chế việc huy động, bán vàng của các NH thương mại.
Tuy nhiên, chủ trương này đã gây lo ngại trong giới kinh doanh và những ai quan tâm đến thị trường vàng. Vì thông tư trên không những chặn đường vào kênh chính thức của vàng, khuyến khích giao dịch không chính thức, khiến nguồn cung vàng bị sụt giảm do 100 tấn vàng trong hệ thống các NH bị ứ đọng, không lưu thông, tác động bất lợi lên cân đối cung - cầu vàng nhằm ổn định giá vàng hiện nay.
Thị trường vàng đang bị tác động bởi nhiều yếu tố phức tạp trên thế giới và những yếu tố vĩ mô của nội tại nền kinh tế VN. Theo quy luật bất biến, giá vàng trong nước chịu sự tác động chủ yếu của giá vàng thế giới, vàng thế giới lên - trong nước lên và khi xuống thì giá trong nước cũng giảm theo. Nhưng lạm phát cao khó kiểm soát mức 8%, lo ngại VNĐ mất giá cùng nạn đầu cơ tại thị trường trong nước khiến giá vàng nhảy múa với bước giá rất mạnh, khó kiểm soát.
Lo ngại VNĐ mất giá cũng khiến nhà đầu tư, người dân buộc phải nghĩ đến mua vàng để tích trữ tài sản, bảo toàn vốn. Một số có ý định mua vàng với kỳ vọng giá vàng tăng cao sẽ bán ra hưởng chênh lệch. Yếu tố này là một trong những áp lực quan trọng đẩy giá vàng trong nước lên cao, thoát ly giá vàng thế giới. Thêm vào đó, giới đầu cơ đã lợi dụng tình hình biến động của thị trường kích giá lên làm cho giá vàng tăng mạnh.
Trong bối cảnh này, một số giải pháp can thiệp thuộc chính sách tiền tệ đơn lẻ vào thị trường vàng, không đồng bộ với các giải pháp khác như hạn chế nhập siêu, giảm bội chi ngân sách, giảm áp lực công nợ quốc gia, kiềm chế lạm phát, củng cố giá trị đồng nội tệ của NHNN chỉ có hiệu ứng nhất thời trong ngắn hạn. Với đặc thù lưu thông giữa vàng trong nước và thế giới như một “bình thông nhau”, giải pháp của NHNN ít khả năng đạt được kết quả một cách cơ bản, lâu dài như mong muốn. Thậm chí còn có thể gây một số bất hợp lý trong việc quản lý và tận dụng một khối lượng vàng không nhỏ trong dân, góp phần cân đối cung - cầu vàng, bình ổn thị trường vàng.
Do đó, để ổn định thị trường vàng, không để giá vàng tác động đến giá cả các hàng hóa khác, lạm phát, cần có những giải pháp đồng bộ, căn cơ nhằm đạt các mục tiêu.
Vấn đề thứ nhất, nên coi thị trường vàng là thị trường mở như các loại thị trường hàng hóa, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản… cần được bảo đảm lưu thông một cách thông thoáng, không bị hạn chế, cản trở nào của chính sách, giải pháp vĩ mô.
Thứ hai, phải tôn trọng và bảo đảm tính cân đối quan hệ cung cầu vàng. Nhất là trong thời điểm nhạy cảm, có thể tạo nên cơn sốt, “sóng thần” gây bất lợi cho phát triển kinh tế, tạo cơ hội cho giới đầu cơ làm giá, gây hỗn loạn trên thị trường vàng.
Thứ ba, giá vàng trong nước phải liên thông với giá vàng thế giới, giá trị USD một cách hợp lý. Mọi trường hợp giá vàng trong nước cao hơn, hoặc thấp hơn giá vàng thế giới đều có khả năng gây nên biến động giá vàng trong nước, tỷ giá USD/VNĐ và có thể bị giới đầu cơ lợi dụng làm cho giá vàng biến động phức tạp hơn.
Trong chính sách, giải pháp can thiệp thị trường vàng cần hết sức tránh và cân nhắc thận trọng những quy định hạn chế, có thể gây cản trở, ách tắc đối với mua bán, lưu thông trong nước và với thị trường vàng thế giới.
TS Phạm Minh Trí
(Chủ tịch Hội Khoa học và quản lý kinh tế TP.HCM)
Bình luận (0)