Kỳ tích giữ rừng

27/11/2010 15:39 GMT+7

Tổ 4, thôn Xanh, xã Trà Trung, huyện miền núi Tây Trà (Quảng Ngãi) vỏn vẹn chỉ 7 hộ với 31 nhân khẩu đồng bào dân tộc Cor. Thế nhưng chừng đó con người đã làm nên một kỳ tích: giữ khu rừng nguyên sinh Nà Trút còn khá nguyên vẹn với nhiều loại gỗ quý hiếm.

Báu vật của làng

Trước sự hoành hành của lâm tặc, những cánh rừng nguyên sinh ở huyện vùng cao Tây Trà (Quảng Ngãi) đã bị xóa sổ. Vì thế khi được già làng Hồ Văn Ba (70 tuổi), ở tổ 4, thôn Xanh, xã Trà Trung dẫn đường vào khu rừng nguyên sinh Nà Trút, mọi người đều ngỡ ngàng khi chứng kiến những rừng cây cao vút, tán lá xanh um che phủ, các loại cây thuộc danh mục quý hiếm như lim xanh, chò… đủ kích cỡ, đứng sừng sững, dày đặc. Nhìn cây lim xanh cao chừng hơn 20m, gốc to đến 10 người ôm không xuể, già làng Ba khoe: “Khu rừng Nà Trút nhiều cây lim xanh còn to hơn cây này nữa kìa!”.

Theo già làng Ba, khu rừng Nà Trút nhiều cây lim xanh, chò có tuổi đời hàng trăm năm tuổi, nếu cưa lấy gỗ bán, mỗi cây có giá không dưới nửa tỉ đồng. Vì thế, lâm tặc cứ lăm le, rình mò nhưng đều không thể qua mắt được người dân tổ 4, thôn Xanh.

Giải thích lý do vì sao khu rừng nguyên sinh Nà Trút rộng chừng vài trăm ha với nhiều loại gỗ quý hiếm vẫn đứng sững sững trước sự “thèm thuồng” của lâm tặc, già làng Ba nói như đinh đóng cột: “Khu rừng Nà Trút này là báu vật của làng”. Chính vì thế, mọi người trong làng đều phải có ý thức bảo vệ rừng ở mọi thời điểm. Lúc lên rừng tìm hái rau, măng, lấy mật ong cũng là lúc được xem như đi “tuần tra” nghe ngóng. Còn ở nhà thì luôn cảnh giác mỗi khi thấy người lạ xâm nhập vào khu rừng.

Già làng Ba cho rằng muốn triệt hạ những cây gỗ lớn, lâm tặc phải dùng cưa máy, tiếng kêu rất to hoặc muốn chuyển gỗ xuống cũng phải đi qua làng nên rất dễ phát hiện. Vì thế, dân làng không chấp nhận thì dù có tài giỏi đến mấy cũng không thể chuyển cây ra khỏi rừng được. “Người dân tổ 4, thôn Xanh còn nghèo khó, quanh năm chỉ sống dựa vào nương rẫy. Do vậy, giữ rừng không những để con suối có nước dùng, con thú có chỗ ở, mà rừng còn cho con người cái ăn nữa đấy”, già làng Ba bộc bạch.

Người dân tổ 4, thôn Xanh giữ được rừng bởi mọi người đều xem rừng là báu vật của làng, và rừng đem lại cho họ nhiều lợi ích thiết thực. Vì thế mô hình giao rừng cho làng quản lý cần được nhân rộng.

Ông Hồ Văn Minh Bí thư Đảng ủy xã Trà Trung, huyện Tây Trà, Quảng Ngãi
Già làng Ba cũng cho biết từ lâu đã có một lệ làng buộc mọi người phải tuân thủ. Đó là nghiêm cấm dân trong làng tuyệt đối không được vào rừng Na Trút chặt hạ các loại cây gỗ quý hiếm để làm nhà, nếu bắt được con vật nào đang mang thai thì phải thả ra ngay… Ai vi phạm những điều này, tùy theo mức độ sẽ bị làng phạt heo hoặc trâu. Đối với người dân ở tổ 4, thôn Xanh từ già đến trẻ, lệ làng dường như đã thấm vào máu từng người, được truyền dạy từ đời này sang đời khác nên ai cũng hiểu rằng việc bảo vệ rừng giống như “đói thì phải ăn, khát phải uống”.

Anh Hồ Văn Hân, một người dân trong làng, tự hào rằng chính lệ làng quy định nghiêm ngặt như vậy nên chưa bao giờ xảy ra trường hợp vi phạm buộc làng phải xử phạt. Mọi người đều hiểu rằng giữ rừng là giữ “nguồn sống” cho chính mình. Vì thế suốt hàng chục năm qua, số vụ lâm tặc lén lút vào rừng Na Trút để khai thác gỗ quý hiếm chỉ đếm trên đầu ngón tay và đều bị người dân trong làng phát hiện kịp thời.  

Những đứa con của rừng

Ông Ba kể, cách đây vài năm, một nhóm người từ huyện Sơn Hà lén xâm nhập vào khu rừng Nà Trút để “ăn” lim nhưng bị thanh niên trong làng phát hiện, nên họ hù dọa: “Không để chặt cây thì bọn tao sẽ “cúng” cho mấy đứa bay chết hết”. Nghe vậy, mọi người hoảng sợ không dám can ngăn nhưng khi về nhà thuật lại chuyện, đã bị già làng Hồ Văn Ba mắng té tát: “Mình giữ rừng là người tốt, bọn nó phá rừng là người xấu. Nếu cúng thì giàng sẽ bắt nó chứ làm gì có chuyện bắt người tốt được”. Già làng Ba còn giảng giải: “Mình là đứa con của rừng nên phải giữ rừng cho bằng được. Giữ được rừng, rừng sẽ nuôi sống dân làng. Ông bà mình bảo thế nên bây giờ và mãi mãi về sau cũng phải làm theo”.


Những ngôi nhà của người dân tổ 4, thôn Xanh nằm dưới chân khu rừng Nà Trút

Nghe già Ba nói, cả làng đã hiểu ra, từ đấy mọi người từ già đến trẻ đều chung tay giữ rừng. Những tiếng động khác lạ, người lạ mặt nào đột nhập vào khu rừng đều bị đôi tai, cặp mắt của dân làng phát hiện truy đuổi đến cùng. Và rừng Nà Trút cứ thế mãi mãi xanh um.

Những ngôi nhà của 7 hộ gia đình ở tổ 4, thôn Xanh nằm dưới chân rừng Nà Trút dù đơn sơ, nghèo khó, cái bụng còn chưa no, nhưng chẳng ai đụng đến một cây lim, cây chò để làm nhà mà chỉ sử dụng các loại gỗ tạp. Tất cả họ thề rằng không bao giờ “bán mình” để lâm tặc xóa sổ khu rừng nguyên sinh Nà Trút. “Cây lim xanh này nếu cưa bán cũng được khối tiền, chả cần làm rẫy mà gia đình vẫn sung sướng?”, tôi thử hỏi. Anh Hồ Văn Thái thật thà: “Không được đâu, mình nghèo chịu nghèo chứ không được phá rừng đem bán. Như thế là có tội với tổ tiên”. Anh Thái kể, cách đây không lâu, có người mang gần 200 triệu đồng sang gạ gẫm dân làng “im lặng” để cưa đốn 2 cây lim xanh, sau đó nâng lên 300 triệu nhưng bất thành vì dân tổ 4, thôn Xanh nhất quyết không chịu.

Bí thư Đảng ủy xã Trà Trung Hồ Văn Minh cho rằng trong khi nhiều khu rừng đã bị trơ trụi dưới lưỡi cưa của lâm tặc thì khu rừng nguyên sinh Nà Trút với các loại quý hiếm vẫn còn nguyên vẹn là nhờ công lớn của người dân tổ 4, thôn Xanh. “Cho dù chẳng có ai trả công và cũng chưa bao giờ nhận được khen thưởng nhưng họ vẫn quyết chí giữ rừng bằng tất cả tấm lòng. Điều đó thật đáng quý”, ông Minh nhận xét.

Đối với người dân tổ 4, thôn Xanh, họ xem chuyện giữ rừng như một lẽ tất nhiên. Bởi đó là luật của làng đã được truyền từ đời này sang đời khác. Vì thế, dẫu chỉ cách tuyến đường Di Lăng - Trà Trung chừng vài cây số và có đường cho xe ô tô chạy đến tận nơi nhưng khu rừng Nà Trút vẫn vẹn nguyên. 

Hiển Cừ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.