Số liệu trên được dẫn từ báo cáo “Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình với phụ nữ ở VN” lần đầu tiên được công bố vào ngày 25-11. Công trình điều tra này do Tổng cục Thống kê và Trung tâm Sáng kiến sức khỏe - dân số thực hiện với sự trợ giúp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Không nhớ nổi số lần bị chồng đánh
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn 4.838 phụ nữ trong độ tuổi từ 18 - 60, ở TP Hà Nội, tỉnh Thừa Thiên - Huế và tỉnh Bến Tre trong vòng 1 năm và đưa ra những con số giật mình: 32% phụ nữ từng kết hôn bộc bạch họ thường bị chồng đánh hoặc hành hạ về thể xác; 10% chị em cho biết từng bị bạo lực tình dục. Đáng chú ý, con số bị bạo lực về tinh thần do kinh tế gây ra luôn ở mức cao: 54%. Phụ nữ có trình độ học vấn thấp bị bạo hành nhiều hơn, chiếm khoảng hơn 30%.
Một phụ nữ ở Hà Nội tức tưởi kể: “Chồng tôi đang ngồi hút thuốc lào, thình lình ông ta lấy điếu cày phang vào mông, vào ngang ngực tôi. Xong, ông lôi tôi đi xềnh xệch như một con chó, lôi từ ngõ lôi vào, tóc tai tôi rũ rượi, chân tôi bị bầm tím mấy tháng trời. Có lúc ông ấy rút dép phang vào mặt tôi, đau ơi là đau!”. Một phụ nữ ở Bến Tre kể chị thường bị chồng bóp cổ. Số vụ hành xử dã man tương tự như vậy ngày càng nhiều, đến mức các nạn nhân không nhớ nổi bao nhiêu lần!
Chị em phụ nữ thường cho rằng tình dục là trách nhiệm, đồng thời là phương thức để giữ chồng vì “nếu không đáp ứng, chắc chắn sẽ có chuyện không hay xảy ra”.
Một chị ở Thừa Thiên - Huế than thở: “Bọn tôi đi gặt liên tục cả tuần. Trong tuần đó, ngày nào anh ấy cũng đòi hỏi, hôm nay không được thì mai anh lại đòi, mình đành phải chiều”. Một nạn nhân ở Bến Tre kể: “Có lần anh ta đánh tôi và ngay sau đó ép tôi quan hệ. Tôi từ chối thì anh ta chửi: Mày không muốn ngủ với tao, vậy mày muốn ngủ với thằng nào hả?”.
Phụ nữ có thai cũng là đối tượng có nguy cơ bị bạo hành. Theo báo cáo, khoảng 5% phụ nữ từng có thai cho biết họ đã bị chồng đánh đập trong thời gian mang thai.
Hậu quả khôn lường
Phải lên tiếng tố giác Ông Jean Marc Olive, Trưởng đại diện WHO tại VN, cho biết báo cáo nêu bật tính cấp thiết của việc phá bỏ sự im lặng. “Tất cả chúng ta đều mong đợi những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình và những phụ nữ đã tham gia cuộc điều tra này sẽ đứng dậy, nói lên tiếng nói của mình và chấm dứt bạo lực gia đình” - ông Olive bày tỏ. |
60% phụ nữ bị ảnh hưởng sức khỏe sau khi bị bạo hành, nhiều người còn mang những vết thương trên cơ thể, bị gãy xương, mắc bệnh tim hoặc giảm trí nhớ, mất tự tin.
Con cái những người bị chồng hành hạ từ 6 đến 11 tuổi thường hay bị ác mộng, đái dầm, có hành vi hung hăng và học tập kém. Nếu mẹ thường xuyên bị bố đánh đập, hành hạ thì con cái của họ cũng chịu chung cảnh bị bố tát, đấm hoặc đạp ngã.
“Các con tôi không muốn đến trường vì bị điểm kém. Dù vậy, tôi không biết làm thế nào để khuyến khích con học tập... Khi tôi đòi ly dị, đứa con trai thứ hai nói nếu tôi ly dị, nó sẽ rất xấu hổ với bạn bè. Vì thế tôi đành bỏ cuộc” - một người mẹ ở Hà Nội kể.
Nguy cơ “bị bình thường hóa”
Vì tâm lý “xấu chàng hổ thiếp”, nhiều phụ nữ xem việc bị chồng đánh hay đối xử tàn nhẫn là chuyện riêng của gia đình mình nên giấu nhẹm, câm nín và chịu đựng. Vì thế, các ông chồng vũ phu càng được thể làm càn.
87% phụ nữ tham gia cuộc khảo sát cho biết họ chưa bao giờ phản ứng lại hoặc tìm đến sự hỗ trợ của cơ quan công quyền vì đa số không hiểu biết pháp luật. Các nhà xã hội học cho rằng bạo lực gia đình đang có nguy cơ “bị bình thường hóa”, gây lo ngại thực sự cho toàn xã hội.
Rất đáng lo khi nhiều phụ nữ bị bạo hành có chung nhận thức: Đàn ông bạo lực dễ được chấp nhận hơn phụ nữ bạo lực. Chồng phải lo toan nhiều thứ, vợ chỉ có ở nhà và trong trường hợp vợ không hoàn thành công việc nhà thì chồng... có quyền đánh!
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)