Đông y trị bệnh lúc giao mùa

28/11/2010 09:42 GMT+7

Giao mùa là thời điểm dễ phát sinh bệnh, cần phòng tránh bằng cách bảo đảm chế độ dinh dưỡng, không thức khuya, ăn uống nóng, tránh đồ sống lạnh...

Giao mùa là thời điểm dễ bùng phát nhiều dịch bệnh, đặc biệt là bệnh ở trẻ em và người già. Trong đó, viêm phế quản cấp do siêu vi và tiêu chảy là hai bệnh thường gặp nhất. 
 
Đối với viêm phế quản cấp
 
Viêm phế quản cấp do siêu vi thì biểu hiện với các triệu chứng ban đầu là ho khan rồi kéo dài và tăng dần nhưng không có đờm. Cơn ho thường dai dẳng và sau đó xuất hiện đờm nhớt. Phải sau 7 – 10 ngày, cơn ho mới giảm dần. Tuy nhiên, nếu không phân biệt và xử lý đúng, bệnh có thể gây biến chứng viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi... Bệnh có 2 thể chính, gồm:
 
- Thể phong hàn: Biểu hiện là sốt cao, hơi sợ rét, không có mồ hôi, ho nặng tiếng, cổ có đờm, khó thở, cánh mũi phập phồng, miệng không khát, ăn kém, rêu lưỡi trắng.
 
Trường hợp này nên dùng bài thuốc gồm các loại: tử tô, bách bộ, tang bạch bì (mỗi thứ 10 g), trần bì 6 g, kim ngân hoa và bồ công anh (mỗi thứ 16 g), cỏ nhọ nồi 12 g. Sắc uống ngày 1 thang, chia uống 3 lần sau khi ăn 30 phút.
 
- Thể phong nhiệt, nhiệt độc: Biểu hiện là sốt cao, sợ gió, thở nhanh gấp, mũi phập phồng, ho đờm vàng, ra mồ hôi ít, mặt đỏ, môi hồng, họng khô, miệng khát, nước tiểu đỏ ít, lưỡi khô, rêu vàng.
 
Trường hợp này thì nên dùng bài thuốc gồm các thứ: kim ngân hoa 16 g, sài đất 20 g, lá tre 12 g; hoàng liên, tử tô, thanh bạch bì (mỗi thứ 10 g). Sắc uống ngày 1 thang, chia uống 3 lần sau khi ăn 30 phút.
 
Đối với tiêu chảy
 
Bệnh tiêu chảy cấp do ảnh hưởng của thời tiết thì nguyên nhân thường là do nhiễm rota virus. Vi khuẩn hoặc siêu vi theo thức ăn vào ruột gây viêm ruột non cấp tính, rối loạn hấp thụ.
 
Bệnh này khởi phát đột ngột, người bệnh bị nôn, đi tiêu ra phân lợn cợn nước, có đờm, có lúc có máu hoặc phân xanh rêu, đau bụng, sốt, bụng trướng... Nếu bị tiêu chảy cấp ở mức độ mất nước nặng thì phải bù nước ngay và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
 
Nếu bệnh nhẹ thì có thể dùng thuốc nhưng lưu ý tiêu chảy thường có 2 thể chính và bài thuốc cũng hoàn toàn khác nhau. Cụ thể:
 
- Tích trệ đồ ăn: Biểu hiện là bụng đầy trướng, nôn mửa, phân mùi chua khai, rêu lưỡi trắng hoặc hơi vàng. Trường hợp này thì dùng bài thuốc gồm các thứ: sơn tra, mạch nha, thần khúc (mỗi thứ 10 g); kê nội kim, trần bì, la bạc tử (mỗi thứ 6 g); ý dĩ 12 g. Sắc uống ngày 1 thang, chia uống 3 lần/ngày sau khi ăn 30 phút.
 
- Nhiễm khuẩn: Biểu hiện là đại tiện nhiều lần (có thể tới 10 lần), sôi bụng, bụng trướng, nôn mửa, có sốt, khát nước, tiểu tiện đỏ ít, hậu môn rát, đỏ. Trường hợp này thì dùng bài thuốc gồm các thứ: hoàng liên, thương truật (mỗi thứ 8 g); hoàng cầm 10 g, cát căn 12 g; cam thảo, bán hạ (mỗi thứ 6 g). Sắc uống ngày 1 thang, chia uống 3 lần sau khi ăn 30 phút. 
 

Tránh bị nhiễm lạnh
 
Giao mùa là thời điểm dễ phát sinh bệnh, có thể phòng tránh cho bản thân và cho gia đình bằng cách luôn giữ vệ sinh nhà cửa, bảo đảm chế độ dinh dưỡng, không thức khuya, tránh tiếp xúc khói thuốc lá; cần ăn uống nóng, tránh đồ sống lạnh; tránh bị nhiễm lạnh bằng cách hạn chế sử dụng máy lạnh, tránh để quạt thổi trực tiếp vào người.
 
Người lớn tuổi thường có thói quen dậy sớm tập thể dục nhưng trong thời điểm trời se lạnh vào lúc sáng sớm cần phải giữ ấm cơ thể. Đối với trẻ em, ngoài việc giữ ấm, khi ra đường nên mang khẩu trang nhằm tránh khói bụi, mầm bệnh.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.